La liệt phát mãi tài sản đảm bảo
Dọc theo con phố Ngô Gia Tự (Gia Lâm, Hà Nội), xe tải, xe con, xe khách… đỗ la liệt với tấm biển: “Cần bán xe. Liên hệ…”. Khi chúng tôi dừng xe bên lề đường, bốn, năm người lập tức nhào đến hỏi: “Anh chị có nhu cầu mua xe gì?”. Chưa kịp nói câu nào thì họ đã trưng ra cả xấp ảnh và thuyết minh đây là những con xe nằm trong bãi chờ bán. “Nếu anh chị có nhu cầu, chỉ cần alo, chủ xe sẽ đánh đến ngay”.
Dịch Covid-19 là nguyên nhân khiến bãi xe đông đúc hơn thường lệ gấp 3 - 4 lần, kín đến nỗi chẳng còn chỗ trống. Hòa, chủ một xe Ford Transit 16 chỗ kể, mùa này, mọi năm hai anh em cậu chạy xe chở khách đi du lịch Hạ Long, Nghệ An kín cả tháng. Năm nay, gắng gượng được qua đợt dịch đầu, nhưng đến đợt này thì gục hẳn, vợ chồng buộc phải bán bớt một chiếc, chỉ để lại một chiếc để cầm cự.
Hòa bảo cậu vẫn còn may chán, vì gia đình có tiền nhàn rỗi tiêu pha trong những tháng ngày thất nghiệp. Rất nhiều bạn bè anh sử dụng vốn vay mua xe đang rơi vào cảnh bị ngân hàng xiết nợ.
Giám đốc chi nhánh Hà Nội của một ngân hàng cho biết, số lượng ô tô, nhà đất bị thu nợ tăng mạnh thời gian gần đây. Trong đó, nhiều nhất là xe tải và xe chạy dịch vụ, xe khách vì dịch bệnh khiến hoạt động kinh doanh đình trệ, người vay không có nguồn tiền trả nợ. Bên cạnh đó, nhiều gia đình trước đây mua xe trả góp để vừa phục vụ gia đình vừa kinh doanh nay thu nhập giảm sút cũng không có khả năng trả nợ đúng hạn.
Hòa kể, một anh bạn cùng nhóm của anh vay 800 triệu đồng của ngân hàng để mua xe 16 chỗ chạy dịch vụ. Mỗi tháng, anh phải trả góp cả gốc lẫn lãi cho ngân hàng là 12 triệu đồng. Mỗi ngày, anh bạn phải kiếm được tối thiểu 1 triệu đồng thì sau khi trừ tiền xăng xe, khấu hao mới có đủ tiền trả ngân hàng. Vậy nhưng, từ sau Tết đến giờ, chiếc xe hầu như nằm không một chỗ.
Đây cũng là tình cảnh chung của nhiều người kinh doanh dịch vụ.
Trên mục thanh lý tài sản của VIB ngày 19/8, mục phương tiện vận tải có 65 xe, mục bất động sản có tới 104 món rao bán. Đặc biệt, trong mục bất động sản có rao tới 16 thửa đất liền nhau ở Phú Xuân, Nhà Bè, TP.HCM. Dân môi giới nhà đất đọc thông tin này đều cho rằng chủ đất cầm cố vay vốn kinh doanh chắc đang thất bát không trả được nên bị ngân hàng xiết nợ.
Mục thanh lý tài sản của Sacombank xuất hiện những thông báo chào bán nhiều lô đất diện tích lên tới vài nghìn mét vuông, giá trị từ vài chục tỷ đồng đến sáu, bảy trăm tỷ đồng, khắp trong Nam ngoài Bắc. Đáng chú ý, gần đây, ngân hàng này thanh lý một lúc 19 căn hộ của Dự án XI GRAND COURT…
Lượng ô tô, bất động sản mà các ngân hàng rao thanh lý tăng đột biến cho thấy bức tranh u ám của nền kinh tế. Dân kinh doanh, đầu tư đang thấm đòn nặng nề từ đại dịch.
Xoay xở và thích ứng
Khó khăn của doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh có thể nhìn thấy rất rõ qua số người thất nghiệp, lao động bị cắt giảm thu nhập.
Theo bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động, Tổng cục Thống kê, tính đến hết tháng 6/2020, cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, bao gồm những người mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập.
Trong đó, khoảng 17,6 triệu người bị giảm thu nhập do dịch bệnh, chiếm tỷ trọng 57,3% tổng số người bị ảnh hưởng.
Dịch vụ là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19, với 72% lao động bị ảnh hưởng. Tiếp đến là khu vực công nghiệp xây dựng, với 67,8% lao động bị ảnh hưởng. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có 25,1% lao động bị ảnh hưởng.
Chiến dịch hỗ trợ của VietnamWork vừa qua cũng cho thấy, tỷ lệ lao động có chuyên môn tìm việc rất cao, trong đó cao nhất là những người đã có thâm niên tới 7 - 8 năm làm việc. Con số này chỉ ra rằng, không phải chỉ có lao động chuyên môn thấp, mà cả lao động có trình độ, có chuyên môn, có kinh nghiệm cũng đang lao đao.
Tính đến cuối tháng 6, cả nước có khoảng 900.000 người bị thất nghiệp
Hôm qua, gọi Hòa đặt chuyến xe cho cả nhà về quê, anh nói đã bán xe. Mất kế sinh nhai, cậu em Hòa mới đây đã xin đi làm bảo vệ cho một công ty tư nhân sau khi nộp đơn vào gần 20 chỗ. Phải làm ca kíp đêm hôm, công ty cách nhà gần chục ki lô mét, nhưng Hòa bảo cô em dâu vẫn xuýt xoa may mắn vì bao người khác đang loay hoay tìm việc.
Còn vợ chồng Hòa đã lên "kế hoạch" để vượt qua thời gian khó. Trước tiên là thay đổi hẳn thói quen chi tiêu để tiết kiệm tiền, làm thêm các món bánh trái bán qua mạng để có tiền trang trải cuộc sống. Vợ Hòa cũng quyết tâm quay lại sự nghiệp học hành những mong lấy được tấm bằng sư phạm mẫu giáo để có thể ứng tuyển vào mấy trường mầm non. Cơ hội kiếm được việc làm phù hợp chắc vẫn còn nếu mình có năng lực, vợ chồng Hòa tin vậy.
Covid khiến hàng loạt cửa hàng từng sầm uất bán mua nay đóng cửa im ỉm
Chính phủ vừa nỗ lực chống dịch vừa có nhiều giải pháp để kích cầu nền kinh tế, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất - kinh doanh. Gần đây nhất, Ngân hàng Nhà nước đã giãn lộ trình siết tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn để giảm áp lực huy động vốn dài hạn với lãi suất cao cho các ngân hàng, từ đó giảm được lãi suất cho vay. Những động thái như vậy được kỳ vọng góp phần tiếp sức cho các doanh nghiệp, người dân đang chịu tổn thương lớn từ đại dịch.
Cộng đồng doanh nghiệp cũng đang nỗ lực xoay xở để duy trì hoạt động sản xuất, giữ việc làm cho người lao động. Mỗi tổ chức, mỗi người dân nếu luôn nỗ lực sẽ tìm được một con đường. Khó khăn chỉ là nhất thời, sau đêm dài, mặt trời sẽ lại tỏa sáng.