Muôn nẻo đường đời doanh nhân trả ơn đất nước

0:00 / 0:00
0:00
Những doanh nhân Việt Nam đang làm nhiều việc để biến ước mơ thành hiện thực. Quan trọng hơn, đó là cách để họ trả ơn đất nước đã sinh ra, nuôi mình khôn lớn.
Mỗi doanh nhân, doanh nghiệp đều thể hiện khát vọng xây dựng đất nước bình an và phát triển. Trong ảnh: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với các doanh nghiệp tại VCCI Mỗi doanh nhân, doanh nghiệp đều thể hiện khát vọng xây dựng đất nước bình an và phát triển. Trong ảnh: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với các doanh nghiệp tại VCCI

Đại dịch và cơ hội để đời

“Như đã hứa, tôi có thêm một bằng sáng chế được Mỹ cấp trong năm 2021. Covid-19 rảnh việc quá!”, là dòng chia sẻ vui vẻ nhưng đầy ẩn ý trên Facebook của ông Nguyễn Trọng Khang, Chủ tịch HĐQT, kiêm nhà sáng lập MK Group, đơn vị sản xuất thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip.

Dòng chia sẻ hồ hởi đó kéo theo hàng tá việc ông và cả hệ thống trong Tập đoàn phải làm. “Hy vọng 1 năm tới, nhiều người dân được hưởng lợi từ dự án CCCD điện tử và xã hội sẽ văn minh hơn. Chính phủ thực thi được hiệu quả hơn, các nhà đầu tư tin tưởng để đầu tư hơn nữa cho nền kinh tế, tạo giá trị cao, đóng góp nhiều hơn, bền vững hơn. Dòng tiền đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam, tạo công ăn việc làm, thu nhập cao và tiếp tục xuất siêu, giúp tích luỹ nhiều ngoại tệ cho đất nước”, ông Khang chia sẻ.

Trong lúc đại dịch hoành hành, dự án CCCD điện tử đã “bùng nổ” dù trước đó sự hoài nghi về dự án này rất lớn. Nhiều người không tin trong thời gian ngắn, Việt Nam có thể làm được thẻ CCCD hiện đại, giá rẻ và phát hành với tốc độ nhanh như thế.

Nhưng sự hoài nghi đó đã tạo ra động lực cho đội ngũ của MK Group. Bất cứ ai có điều kiện đến thăm nhà máy của MK Group vào đợt sản xuất CCCD sẽ thấy, hàng trăm công nhân đều được đặt trong tinh thần thi đua sôi sục, làm việc quên ăn, quên ngủ. Máy cá thể hóa thẻ tối đa chỉ làm được 1.000 thẻ/giờ, có công nhân trong 12 tiếng đã cho ra 11.400 cái, gần mức tối đa.

Rồi khi xảy ra nạn khan hiếm chip toàn cầu, để đàm phán mua được chip từ Đức thì đến ngay cả các cơ quan Chính phủ cũng phải vào cuộc. Kết quả là MK Group đã sản xuất ra khoảng 70 triệu phôi CCCD trong chiến dịch làm CCCD được đánh giá là thần tốc của Việt Nam vừa rồi.

“Chúng tôi tin, nếu dự án không được đặt trong bối cảnh khó khăn, hoặc không có sự hoài nghi lớn như thế thì đã không có sự thành công mang tính lịch sử tới như vậy”, ông Khang chia sẻ. Hơn nữa, nếu không có những quyết tâm cực lớn từ Chính phủ, từ Bộ Công an, MK Group cũng khó có được dự án để đời như thế.

Ông Khang cũng thừa nhận, vì có dự án CCCD, Tập đoàn có nhiều việc để làm, nhưng không vì thế mà đổi đời. Lật lại lịch sử, MK đã nhiều lần ghi dấu ấn. Đó là thời điểm thẻ sim bão hòa, MK có thẻ thanh toán. Giờ thẻ thanh toán chững lại, MK lại có CCCD. Chưa kể quá trình sản xuất thẻ cũng được MK hoàn thiện hơn trước. Khi có cơ hội được làm việc khó thì doanh nghiệp của mình lớn lên rất nhiều.

Dịch bệnh khiến công ty nào cũng gặp khó, nhưng MK vẫn ổn là bởi đã đi một hành trình dài tiếp cận, đưa công nghệ hiện đại về Việt Nam, giúp người Việt làm chủ được nó. Để làm được điều đó, ông Khang đã chiêu mộ được nhân sự giỏi gồm những chuyên gia nước ngoài về công nghệ, về CCCD điện tử.

Quan trọng là gần 20 năm qua, ông Khang luôn giữ được đội ngũ cốt lõi bên mình. Những người Việt này tiếp cận tất cả cái mới mà chuyên gia nước ngoài chuyển giao kiến thức, kinh nghiệm và công nghệ. Kết quả, những công nghệ đó người Việt hoàn toàn làm chủ được.

Ông Khang quan niệm, để đất nước có tiềm lực về công nghệ thì việc doanh nghiệp đóng góp cho xã hội là mắt xích. Hơn hết, doanh nghiệp phải xác định làm bền vững. Sắp tới ông Khang tiếp tục kỳ vọng một số dự án mới như: làm chủ công nghệ sản xuất camera AI, làm ví lạnh. Nếu mọi chuyện suôn sẻ thì MK Group có thể là một trong những công ty đầu tiên trên thế giới làm điều này.

“Cuối cùng, ai muốn thành công thì phải làm việc cật lực. Đã là doanh nhân thì phải chịu khó, phải kiên định, phải quyết tâm”, ông Khang nói.

Những “anh hùng thiện nguyện”

Trong khi đó, được sự hỗ trợ của Bộ Y tế và Chính phủ, Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã nhận chuyển giao độc quyền công nghệ sản xuất vắc-xin phòng Covid-19 của Công ty Công nghệ sinh học Arcturus Therapeutics (Mỹ).

Đây là đơn vị nghiên cứu phát triển vắc-xin phòng Covid-19 theo công nghệ mRNA - một trong những công nghệ tiên tiến nhất thế giới hiện nay. Công ty cổ phần Công nghệ sinh học VinBioCare (công ty thành viên của Vingroup) sẽ tiến hành sản xuất vắc-xin phòng Covid-19 có tên VBC-COV19-154 (dựa trên sáng chế vắc-xin ARCT-154 của Arcturus). Vắc-xin này có khả năng chống lại các biến chủng mới nguy hiểm như Delta (Ấn Độ), Alpha (Anh), Beta (Nam Phi), Gamma (Brazil)…

Đồng thời, Arcturus sẽ tiến hành chuyển giao cho VinBioCare quy trình sản xuất, bao gồm bí quyết công nghệ; đào tạo, chuyển giao, thực hành và kiểm định sản phẩm; cung cấp nguyên liệu đầu vào theo công nghệ độc quyền của Arcturus.

Với tổng vốn đầu tư hơn 200 triệu USD, nhà máy sản xuất này có công suất 200 triệu liều mỗi năm. Việc xây dựng nhà xưởng, lắp đặt thiết bị dự kiến kết thúc trong tháng 11 tới. Vingroup sẽ xuất xưởng những lô vắc-xin đầu tiên vào đầu năm 2022. Đặc biệt, VinBioCare sẽ cung cấp vắc-xin phòng Covid-19 cho Việt Nam với giá chỉ có chi phí, không tính lợi nhuận trong suốt thời gian chống dịch.

Động thái nhanh chóng quyết liệt nói trên của ông chủ Vingroup không gì hơn ngoài kỳ vọng có thể góp một phần vào công cuộc chống dịch của Việt Nam, để tất cả sớm trở lại bình thường.

Từ khi Covid-19 bùng phát tại Việt Nam tới nay, Vingroup là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong các hoạt động tài trợ̣ phòng, chống dịch. Nửa đầu năm 2021, Vingroup chi hơn 1.100 tỷ đồng cho hỗ trợ và từ thiện, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hồi tháng 11/2020, Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng là người đầu tiên của Việt Nam được Forbes (Mỹ) nhắc đến trong danh sách Anh hùng thiện nguyện châu Á.

Theo báo cáo thường niên năm 2020, Quỹ Thiện tâm của Vingroup đã đóng góp 77 triệu USD để tài trợ cho các chương trình thiện nguyện trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, y tế. Trong đó, 55 triệu USD được sử dụng vào hoạt động phòng chống Covid-19.

Vị doanh nhân này từng nói, ông xây dựng văn hóa của Tập đoàn theo 3 điểm: yêu nước, kỷ luật, văn minh.

Covid-19 đang gây ra nhiều tang thương, xáo trộn hàng triệu người, hàng ngàn gia đình và cho cả đất nước. Đau thương hơn nữa là hàng ngàn em nhỏ mất cha mẹ… Lúc này, ý tưởng xây dựng trường nuôi dạy 1.000 trẻ mồ côi của ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT đã tạo hiệu ứng đẹp trên bầu trời u ám.

Có nhiều lý do khiến ông đi đến quyết định nhanh chóng này. Nhưng chung quy ở chỗ, ông Bình là nhà khoa học trước khi làm doanh nhân. Vậy nên, ông tin về sức mạnh giáo dục, khoa học sẽ giúp quốc gia hưng thịnh lâu bền. Bên cạnh đó, ông cũng muốn là người bạn, là người thầy chia sẻ những kinh nghiệm của mình cho các em.

“Thi ân bất cầu báo”

Danh sách của những câu chuyện như trên sẽ còn nối dài trên thương trường, trong xã hội hiện hữu. Khi đã đạt được thành công lớn, trải qua nhiều bão giông, các doanh nhân thường “thi ân bất cầu báo” (làm ơn không cần báo đáp), lặng thầm và bền bỉ giúp đỡ cộng đồng.

Lâu nay, bất cứ ai tham gia vào kinh doanh một thứ gì đó vẫn bị coi là vì tư lợi, nhưng mọi người cần hiểu kinh doanh bất cứ thứ gì cũng ít nhiều tạo ra giá trị cho cộng đồng. Việc kinh doanh là tốt nếu có trách nhiệm với xã hội và tập trung vào các bên liên quan trong cộng đồng. Ngay cả khi không được như vậy thì nó cũng tạo ra giá trị cho nhân viên, nhà cung cấp, khách hàng, nhà đầu tư, khoản thuế cho Chính phủ và những đóng góp khác cho xã hội. Tất cả những điều đó đều có ý nghĩa tích cực.

Hẳn nhiên, đôi khi có những doanh nhân, doanh nghiệp hành động thiếu chuẩn mực, nhưng không có nghĩa tất cả doanh nghiệp đều xấu. Quan điểm về doanh nghiệp chỉ làm những việc khi tăng lợi nhuận đã không còn đúng nữa.

Ông Ousmane Dione, nguyên Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) cho rằng, ở Việt Nam đã có sự khởi đầu của một xu hướng mới, đó là hướng tới trách nhiệm lớn hơn của doanh nghiệp, doanh nhân và ý thức đạo đức rộng hơn trong kinh doanh.

Nhưng không cần phải là một doanh nghiệp lớn để thực hiện các chiến lược kinh doanh có trách nhiệm. Người dân có cơ sở chính đáng để kỳ vọng khu vực doanh nghiệp sẽ đóng vai trò là đối tác của cả Chính phủ và cộng đồng.

Cần phải nhắc lại, trước khi về châu Phi nhận nhiệm vụ mới, ông Ousmane Dione đã đến thăm đại bản doanh của MK Group vào tháng 6/2020. Và ông hứa sẽ giúp MK Group bán sản phẩm của Việt Nam ra thế giới.

Tại Hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19 diễn ra mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, mỗi doanh nhân, doanh nghiệp đều thể hiện khát vọng xây dựng đất nước bình an và phát triển.

Chính phủ đang cùng Quốc hội cố gắng đồng hành với doanh nghiệp, trên tinh thần “3 không” là: không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm và “5 thật” là: nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân và doanh nghiệp được thụ hưởng thành quả thật.

Anh Hoa
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục