Là 1 trong 6 doanh nhân phát biểu tại buổi gặp với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc được tổ chức tại TP.HCM sáng nay, ông Phạm Phú Trường, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM (YBA) đề cập một số bài học được rút ra trong thời gian qua để có thể làm tốt hơn trong thời gian tới.
Theo ông Trường, đây cũng là những cơ hội cho sự phát triển khi mà cộng đồng doanh nhân trẻ luôn giữ tinh thần lạc quan, hướng đến tương lai và sẵn sàng bật lên khi có thể để vực dậy doanh nghiệp, chăm lo cho người lao động, khôi phục lại nền kinh tế nước nhà.
Vị này quan sát và nhận thấy, tư duy xin- cho, ngăn cấm, sợ trách nhiệm vẫn còn xuất hiện nặng nề trong quá trình ban hành chính sách ở một số nơi.
Điều này khiến cho doanh nghiệp khó khăn trong hoạt động và lúng túng trong việc lên kế hoạch phục hồi.
Chúng ta nói doanh nghiệp là tế bào của nền kinh tế thì khi tế bào chưa thể lên kế hoạch phục hồi thì việc phục hồi nền kinh tế như mong đợi sẽ khó khả thi.
Ông Phạm Phú Trường, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ TP.HCM
Trăn trở thứ hai của Chủ tịch YBA là, các cơ quan quản lý có vẻ chưa nhận thấy, tổn thất của doanh nghiệp chính là tổn thất của địa phương, làm mất đi lợi thế cạnh tranh của quốc gia nói chung và địa phương nói riêng, cả trong ngắn và dài hạn.
Đất nước đang hội nhập sâu rộng nên việc mất mất đi tính cạnh tranh sẽ làm cản trở quá trình thực hiện khát vọng thịnh vượng và ước mơ cạnh tranh sản phẩm trên thương trường quốc tế của doanh nghiệp Việt.
Ngoài ra, các doanh nghiệp vẫn chưa được xem là một phần giải pháp, hay nói cách khác là chưa được sử dụng như một nguồn lực chính cho các giải pháp chống dịch và khôi phục kinh tế.
“Nói một cách nôm na theo ngôn ngữ bóng đá thì chúng tôi vẫn còn ngồi ghế dự bị khá nhiều. Và thậm chí còn cho làm khán giả trong các trận bóng quan trọng, dù giải đấu là khôi phục và phát triển kinh tế”, ông Phạm Phú Trường ví von và tin tưởng rằng, thế hệ doanh nhân trẻ hiện nay không những yêu nước, nhiệt huyết, bản lĩnh, có kinh nghiệm thực tiễn cao mà còn có tri thức thực sự.
Do vậy, sẽ là một sự lãng phí lớn cho đất nước nếu không tận dụng nguồn lực này trong quá trình xây dựng các các quyết sách liên quan đến phát triển kinh tế.
Đại diện Hội doanh nhân trẻ TP.HCM kiến nghị với Chủ tịch nước về việc nhanh chóng loại bỏ tư duy cũ nêu trên khi ban hành chính sách và thay bằng nguyên tắc "luật không cấm thì được quyền làm, đủ an toàn thì sản xuất, không kể ngành nghề”.
Ngoài ra, các chính sách phòng chống dịch và phục hồi kinh tế cần có sự nhất quán ở cấp quốc gia vì không gian phát triển của doanh nghiệp hướng đến toàn quốc và toàn cầu.
Trong đó, nhu cầu lao động, hoạt động liên tỉnh, sử dụng chuyên gia quốc tế, hàng hóa lưu thông giao thương là những điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp hoạt động.
“Hãy để doanh nhân tham gia đóng góp một cách chính thức, trực tiếp trong các hoạt động xây dựng chiến lược, chính sách khôi phục, phát triển kinh tế của các địa phương và của quốc gia. Bởi đó vừa là trách nhiệm và cũng là quyền lợi của doanh nhân. Việc này có thể thực hiện thông qua các Hiệp hội”, ông Phạm Phú Trường kiến nghị.
Theo khảo sát của YBA, doanh nghiệp đang trong tâm thế như “chiếc lò xo” bị đè lại đã lâu nên bây giờ là thời điểm phù hợp nhất để hàng triệu “chiếc lò xo” đồng loạt, bật cao hơn trước.
Đại dịch lần này là một thử thách không những cho doanh nghiệp, doanh nhân mà còn cho cả một quốc gia.
Để trở lại “đường đua” về mọi mặt, đều cần có sự đoàn kết, đồng lòng, sáng tạo cùng nhau tháo gỡ những vướng mắc và tận dụng mọi cơ hội có thể làm tốt hơn.