Muốn có người tài, phải thực sự trọng người tài

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư ngay khi Hội nghị Trung ương 7 Khóa XII vừa kết thúc, PGS-TSKH Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) bày tỏ kỳ vọng, với những vấn đề lớn và đột phá vừa được xem xét, công tác cán bộ sẽ có những bước chuyển thực chất, tìm được người tài gánh vác trọng trách.

Ông đánh giá thế nào về Hội nghị Trung ương 7, Khóa XII vừa kết thúc cuối tuần qua?

Tôi cho rằng, Hội nghị Trung ương 7, Khóa XII đã để lại nhiều dư âm trong cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước về sự thực chất, quyết tâm chỉnh đốn Đảng.

Muốn có người tài, phải thực sự trọng người tài ảnh 1

PGS-TSKH Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh). 

Trong đó, Trung ương đã cho ý kiến về những vấn đề có ý nghĩa vừa căn cơ, lâu dài, vừa cấp thiết đối với công cuộc phòng chống tham nhũng, lãng phí như Đề án xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ chiến lược; Đề án cải cách chính sách tiền lương. Đồng thời, những công tác lớn của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, kết quả làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đã được Hội nghị đánh giá, xem xét, đặc biệt là công tác cán bộ.

Theo ông, công tác cán bộ vừa được Trung ương bàn thảo có điểm gì mới, đáng chú ý?

Công tác cán bộ vừa được Trung ương bàn thảo, bao gồm cả Đề án xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chiến lược đã cho thấy, Trung ương chú trọng cả “xây”, là xây dựng nền tảng, căn cơ, lâu dài và “chống” với những vấn đề cấp thiết, đó là kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm, sai phạm, không có vùng cấm, ngoại lệ.

Lần này, Trung ương đã thảo luận kỹ, nêu được những tiêu chí, tiêu chuẩn căn bản, cụ thể hơn về công tác cán bộ, một số điểm mới có thể sẽ sớm được thực hiện, như việc bố trí, bổ nhiệm Bí thư tỉnh ủy, huyện ủy không phải là người địa phương. 

Tôi tin là làm được những điều đó, công tác cán bộ sẽ tốt lên nhiều, đẩy lùi được tham nhũng, lãng phí ngay từ gốc. 

Tại Hội nghị, chủ trương Bí thư tỉnh ủy, huyện ủy không phải là người địa phương được nhiều đại biểu ủng hộ. Theo ông, cách làm này có những lợi ích và hạn chế gì?

Thực ra, việc dùng cán bộ ở nơi khác vào vị trí đứng đầu một địa phương không phải mới trong công tác tổ chức ở Việt Nam. Thời phong kiến đã có luật hồi tỵ bất thành văn, có nghĩa là né tránh, tránh mặt.

Theo đó, những người thân như anh em, cha con, thầy trò, đồng môn, đồng hương… không được làm quan cùng một chỗ. Thời Lê, quy định này được luật hóa trong Luật Hồng Đức, quy định lãnh đạo các hạt (như tỉnh, thành bây giờ) không được là người ở hạt đó, thậm chí không được lập gia đình, làm nhà cửa ở đó…

Trong giai đoạn cách mạng, Bác Hồ và Chính phủ cũng chọn nhiều cán bộ không phải ở địa phương để giao trọng trách…

Sau này, công tác cán bộ có chính sách luân chuyển, một số cán bộ cấp cao cũng trưởng thành từ luân chuyển, thử thách qua nhiều cương vị ở nhiều địa phương, ngành… Nhưng mang tính nguyên tắc, các Bí thư tỉnh ủy, huyện ủy không là người địa phương thì chưa từng có. 

Nếu làm được việc này, theo tôi, sẽ rất tốt, tránh được tình trạng “cục bộ, địa phương”, vun vén cho gia đình, dòng họ, người thân quen - vấn đề rất phổ biến ở Việt Nam. Khi không bị “duy tình” thì cán bộ đứng đầu sẽ khách quan, minh bạch hơn trong quản lý, điều hành.  Rộng hơn, việc này còn củng cố đoàn kết giữa nhân dân khắp các vùng miền, bởi đâu cũng là quê hương, đất nước mình.

Cái khó là cần có cơ chế đủ mạnh để những người đứng đầu có thực quyền trong công việc, không để tình trạng bị cô lập, phe cánh.

Tất nhiên, phải lựa chọn người am hiểu về địa phương, phát huy được dân chủ để huy động sức mạnh, hiểu biết của cán bộ tại chỗ cho công việc quản lý, lãnh đạo; đồng thời có cơ chế kiểm soát quyền lực để không xảy ra lạm quyền, chuyên quyền.

Từ góc độ các địa phương, cần làm công tác tư tưởng để đội ngũ cán bộ và nhất là nhân dân tại đó thấy đây là chủ trương đúng đắn, có lợi cho sự phát triển của địa phương.

Không nên có suy nghĩ hẹp hòi, cục bộ để rồi khi xảy ra tiêu cực liên quan đến cán bộ tại địa phương thì mới bức xúc, phản ứng, như tình trạng “cả nhà làm quan, cả họ làm quan” mà dư luận, báo chí phản ánh vừa qua.

Thưa ông, tình trạng “cả họ làm quan, cả nhà làm quan”, điển hình là ở Hải Dương, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế dù được nêu nhiều, nhưng ngay trong những ngày Hội nghị Trung ương 7 đang diễn ra, báo chí tiếp tục phản ánh những trường hợp tương tự tại Bà Rịa – Vũng Tàu với 3 anh em ruột trong cấp ủy của một huyện. Phải chăng, nếu không được phanh phui thì những trường hợp đó vẫn cứ tồn tại và tiếp tục có thêm những trường hợp khác?

Việc này trước hết liên quan đến vai trò của người đứng đầu. Khi người anh làm Bí thư huyện ủy thì liệu có muốn xem xét dư luận, ý kiến về việc em mình cũng vào cấp ủy hay không? Nếu thực hiện chủ trương dùng cán bộ nơi khác làm Bí thư tỉnh ủy, huyện ủy thì tình huống này sẽ khác.

Nhưng cái gốc của tình trạng này là sức chiến đấu của cấp ủy Đảng ở các địa phương đó quá yếu hoặc hình thức, thậm chí bị vô hiệu hóa. Cán bộ cấp ủy của huyện thì không thể nói tỉnh ủy không biết, bởi hồ sơ cán bộ phải được cấp trên duyệt, đánh giá cán bộ phải được cấp trên xem xét. 

Tình trạng này ở địa phương, bộ, ngành vẫn còn nhức nhối, sức chiến đấu rất kém, né tránh nhiều.

Nếu như ở bộ, ngành có Trịnh Xuân Thanh đầy rẫy sai phạm vẫn leo rất cao thì ở địa phương vừa rồi có bà Phan Thị Mỹ Thanh, các kết luận của Ban Bí thư cho thấy sai phạm kéo dài, nhưng nhân sự vẫn ngày càng ngồi lên những cấp  cao hơn.

Những trường hợp đó cho thấy, phải nâng sức chiến đấu trong nội bộ Đảng ở tất cả các cấp, từ các bộ, sở, ngành đến tỉnh, huyện, xã phường… thì mới ngăn chặn được từ sớm, thay vì đi giải quyết hậu quả.

Bên cạnh đó, vai trò của cơ quan làm công tác bảo vệ chính trị nội bộ cần được nâng cao hơn nữa.

Những người như vậy “ngoi” lên được phải nhờ những đánh giá, nhận xét tốt về họ, thưa ông?

Đúng vậy. Trung ương đã khẳng định công tác cán bộ thời gian qua còn nhiều hạn chế, trong đó có đánh giá cán bộ. Tôi thấy có hạn chế cả về đánh giá sai lệch, hoặc che chở nhau mà không được phát hiện, ngăn chặn; có hạn chế về không đánh giá đúng năng lực, trí tuệ, sở trường, thế mạnh của cán bộ.

Đánh giá cán bộ là khâu đầu tiên và quan trọng hàng đầu trong công tác cán bộ. Làm hỏng khâu này thì các khâu sau như lựa chọn, quy hoạch, sắp xếp hay cử đi bồi dưỡng, đào tạo…sẽ bị sai lệch. Chính sách cán bộ phải coi trọng, chặt chẽ ngay từ khâu đánh giá.

Theo tôi, có mấy nguyên tắc trong đánh giá cán bộ.

Một là, cấp nào quản lý thì cấp đó phải đánh giá. Phải cụ thể, không chung chung, đặt hồ sơ lên bàn mà xem xét, thảo luận cụ thể về kết quả công việc, về uy tín, về phong cách lãnh đạo, có dư luận gì không… Đây là sự giám sát thường xuyên trong tổ chức.

Hai là, cấp trên phải đánh giá cấp dưới. Vì cấp trên giao việc, cấp trên phê chuẩn, bổ nhiệm cán bộ thì phải nắm được cán bộ thực hiện nhiệm vụ được giao ra sao, đúng chức trách, nhiệm vụ hay không… Đây là sự giám sát từ trên xuống.

Ba là, người đứng đầu phải đánh giá cán bộ của mình quản lý. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm chung, còn người đứng đầu phải có trách nhiệm trực tiếp.

Như Bộ trưởng phải nắm được, đánh giá được từng lãnh đạo cục, vụ đang làm gì, khả năng hoàn thành nhiệm vụ của họ. Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI đã nhấn mạnh yêu cầu này, đó là đề cao trách nhiệm của người đứng đầu.

Bốn là, các cơ quan, tổ chức, bộ máy tham mưu về công tác cán bộ phải đánh giá được cán bộ nhờ thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin về công việc, về tư tưởng, tác phong của cán bộ, quan hệ của cán bộ với nhân dân để báo cáo, tham mưu cho cấp lãnh đạo.

Không thể nhận xét chung chung là “quan hệ hòa đồng với quần chúng”, mà phải xem có dư luận gì không, có đơn thư khiếu nại, tố cáo, vụ việc gì không?

Thưa ông, nhiều vụ việc dư luận, nhân dân đã “râm ran” về cán bộ, sau này kết quả kiểm tra, thanh tra cho thấy, nhân dân nêu đúng, nhưng việc kiểm tra xử lý thường rất chậm, để sự việc đi xa, xảy ra hậu quả lớn. Theo ông, việc lắng nghe ý kiến nhân dân trong công tác cán bộ có ý nghĩa gì?

Theo thống kê thì có tới 70% số vụ việc tham nhũng, sai phạm của cán bộ… là do dư luận, báo chí phát hiện, khơi thông tin để các cơ quan chức năng vào cuộc.

Điều đó cho thấy vai trò thực sự quan trọng của dư luận xã hội - mà báo chí là một kênh chủ đạo, được dư luận tin tưởng, gửi gắm.

Vì thế, theo tôi, các cơ quan tham mưu về công tác cán bộ cần thẳng thắn, không né tránh, e ngại, kiểm tra các vụ việc, dư luận đó đã được xem xét chưa, đúng sai, chính xác đến đâu, có cần làm rõ không? Nếu dư luận là sai, có ý hạ thấp uy tín thì việc làm rõ càng có lợi cho cán bộ, tốt cho tổ chức.

Hơn nữa, cần chú trọng thăm dò, khảo sát về uy tín lãnh đạo, về đội ngũ cán bộ, công chức. Tất nhiên, phải làm thực chất thì số liệu mới đáng tin cậy.

Vừa rồi, Ban Tổ chức Trung ương đã lấy ý kiến về cơ chế “kiểm soát quyền lực”, trong đó có đề xuất tăng cường đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội hay dư luận quần chúng nhân dân nhằm có thêm kênh thông tin kiểm tra, giám sát, phát hiện kịp thời biểu hiện chạy chức, chạy quyền, lọc được những cán bộ tốt.

Tìm được cán bộ tốt mới là một bước, cao hơn phải là tìm được người tài để giao trọng trách, thưa ông?

Muốn có người tài phải thực sự trọng người tài, thực sự mở lòng với nhân dân. Nếu hẹp hòi, mang “bệnh óc lãnh tụ” như Bác Hồ nói về những người lãnh đạo chỉ coi mình là nhất, là thần thánh rồi thì làm sao còn lắng nghe, chắt lọc để tìm kiếm người giỏi được nữa?

Làm sao dám dùng những người giỏi hơn mình được nữa? Tôi tin là khi thực sự công khai, minh bạch, cơ chế tuyển chọn rõ ràng, đãi ngộ xứng đáng thì chúng ta sẽ thu hút được những người tài năng, những người coi trọng lợi ích của dân tộc, của đất nước, đồng thời loại được những người dùng đồng tiền mua quyền chức, những kẻ cơ hội lọt vào bộ máy.

Bá Thư
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục