Mục tiêu vốn ít, tăng trưởng cao

Vốn đầu tư là yếu tố vật chất trực tiếp quyết định đến tốc độ tăng trưởng kinh tế. Lượng vốn đầu tư là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là hiệu quả đầu tư. Thấy gì từ vốn đầu tư năm 2015 và mục tiêu năm 2016?

Nguồn vốn khu vực ngoài nhà nước đang chiếm tỷ trọng cao nhất (38,7%) trong tổng vốn đầu tư phát triển xã hội năm 2015. Ảnh: Đức Thanh Nguồn vốn khu vực ngoài nhà nước đang chiếm tỷ trọng cao nhất (38,7%) trong tổng vốn đầu tư phát triển xã hội năm 2015. Ảnh: Đức Thanh

Hiệu quả đầu tư đang cao lên

Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2015 có một số điểm nhấn quan trọng.

Quy mô tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 1.367,2 nghìn tỷ đồng; tăng 12% so với năm 2014, cao gấp rưỡi tốc độ tăng GDP tính theo giá thực tế (6,48%). Do tốc độ tăng vốn đầu tư phát triển cao hơn tốc độ tăng GDP giá thực tế, nên tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP đạt 32,8%; cao hơn tỷ lệ tương ứng 31% của năm 2014, cao nhất từ năm 2012 đến nay.

Hệ số giữa tỷ lệ vốn đầu tư/GDP và tốc độ tăng trưởng GDP (giá so sánh) năm 2015 đã giảm so với năm 2014 (4,88 lần so với 5,18 lần) và thấp nhất hàng chục năm qua (lần đầu tiên tính từ năm 2006 đã xuống dưới 5 lần). Điều đó chứng tỏ hiệu quả đầu tư cao lên so với trước. Đây là kết quả tích cực.

Lượng vốn tăng khá, tỷ lệ/GDP cao lên, đặc biệt là hiệu quả đầu tư được cải thiện, đã góp phần làm cho tốc độ tăng GDP năm 2015 đạt 6,68%, vừa cao nhất tính từ năm 2008 đến nay, vừa cao hơn mục tiêu đề ra, vừa không gây ra lạm phát, trái lại CPI còn thấp nhất trong 14 năm qua và thấp xa so với mục tiêu (0,6% so với 5%).

Tăng trưởng vốn đầu tư phát triển đạt được ở cả 3 nguồn (nguồn vốn khu vực nhà nước, nguồn vốn ngoài nhà nước, nguồn vốn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài). Mặc dù cân đối ngân sách gặp khó khăn, thực hiện kế hoạch cổ phần hóa chậm…, nhưng nguồn vốn đầu tư của khu vực nhà nước vẫn tăng lên (6,7%) và chiếm tỷ trọng cao trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội (38%). Trong đó, nguồn đầu tư ngân sách tăng 6,1%, chiếm 42,4% lượng vốn nguồn khu vực nhà nước; nguồn ngoài ngân sách tăng 7,1%, chiếm 57,6%.

Nguồn vốn khu vực ngoài nhà nước tăng khá cao (13%), cao hơn tốc độ tăng chung, nên đã vượt lên chiếm tỷ trọng cao nhất (38,7%) trong tổng vốn đầu tư phát triển xã hội. Nguồn vốn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng cao (19,9%), cao gấp rưỡi tốc độ tăng chung, nên tỷ trọng trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội của khu vực này đã đạt 23,3%.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài cấp mới (đạt 15,58 tỷ USD, giảm nhẹ 0,4%), tập trung lớn nhất (66,9%) vào công nghiệp chế biến, chế tạo, tiếp đến là ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng hơi nước và điều hòa không khí (chiếm 12,4%), ngành kinh doanh bất động sản (chiếm 10,5%). Trong 58 nước và vùng lãnh thổ năm 2015 có vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, lớn nhất là Hàn Quốc 2.678,5 triệu USD, tiếp đến là Malaysia 2.447, 5 triệu USD, Xamoa 1.314 triệu USD, Nhật Bản 1.285 triệu USD, Vương quốc Anh 1.255,7 triệu USD…

Tính đến hết 2015, có 23 nước và vùng lãnh thổ đạt từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó có 8 đạt trên 10 tỷ USD, đặc biệt  năm đầu tiên có Hàn Quốc vượt 40 tỷ USD.

Vốn ít có tăng trưởng được cao?

Năm 2016, tăng trưởng kinh tế tính theo giá so sánh theo mục tiêu cao hơn không bao nhiêu so với năm 2015, nhưng tính theo giá thực tế lại cao hơn nhiều (khoảng 11%), chủ yếu do giá tăng cao hơn. Trong khi lượng vốn đầu tư theo mục tiêu lại tăng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng của năm trước (chưa bằng một nửa).

Theo đó, tổng lượng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội theo mục tiêu khoảng 1.443 nghìn tỷ đồng. Do vậy, tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP của mục tiêu 2016 thấp hơn so với của năm 2015 (31% so với 32,6%). Tăng trưởng GDP tính theo giá so sánh cao hơn, nếu tính theo giá thực tế còn cao hơn nữa, trong khi tỷ lệ vốn đầu tư/GDP lại thấp hơn. Đó là một mâu thuẫn cần được giải đáp. Người viết đề xuất các giải pháp chủ yếu theo 2 hướng.

Hướng thứ nhất là tăng lượng vốn đầu tư phát triển từ hai nguồn. Nguồn vốn khu vực nhà nước chủ yếu tăng thông qua cổ phần hóa (thực hiện kế hoạch đã đề ra), thoái vốn ngoài ngành. Nguồn vốn khu vực ngoài nhà nước chủ yếu tập trung vào việc thu hút nguồn vàng, ngoại tệ còn tồn đọng lớn trong dân, vừa tiếp tục hạn chế tình trạng vàng hóa, đô la hóa, trên cơ sở khuyến khích thành lập doanh nghiệp mới, hạn chế tình trạng phá sản, giải thể, tạm ngừng hoạt động.

Nguồn vốn đầu tư nước ngoài đang là thời cơ hút, tập trung vào những ngành chế biến, chế tạo…

Hướng thứ hai và là hướng chủ yếu: nâng cao hiệu quả đầu tư, trên cơ sở giảm mạnh hơn nữa tỷ số giữa tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội và tốc độ tăng GDP. Để giảm hệ số trên, một mặt cần chuyển ngạch cơ cấu nguồn vốn đầu tư (tăng nguồn vốn đầu tư của khu vực ngoài nhà nước vì khu vực này có hiệu quả đầu tư cao); mặt khác nâng cao hiệu quả đầu tư của khu vực nhà nước trên cơ sở giảm thiểu tình trạng dàn trải, thi công kéo dài, tình trạng lãng phí, thất thoát…

Phải chăng mục tiêu năm 2016 tăng trưởng kinh tế cao hơn, tỷ lệ vốn đầu tư/GDP giảm xuống là đã hàm ý phải nâng cao hiệu quả đầu tư. Nếu hiệu quả đầu tư (thể hiện bằng hệ số giữa tỷ lệ vốn đầu tư/GDP với tốc độ tăng GDP) giảm, thì tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ thấp hơn.

Minh Nhung
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục