"Mức tiền thế thân quá thấp"

(ĐTCK) “Mức tiền mà các bị can, bị cáo phải đặt để thay thế cho biện pháp tạm giam như dự thảo Thông tư mà Bộ Tư pháp đang xây dựng là quá thấp…”, Luật gia Vũ Xuân Tiền, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Tư vấn VFAM Việt Nam nhìn nhận.
Luật gia Vũ Xuân Tiền Luật gia Vũ Xuân Tiền

>> Án kinh tế, tạm giam hay “thế chân” bằng tiền?

Được biết, Bộ Tư pháp đang chủ trì hoàn chỉnh dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn việc áp dụng biện pháp đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm thay thế biện pháp tạm giam. Ông nhìn nhận gì về đề xuất mới này?

Thực ra, biện pháp đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm thay thế biện pháp tạm giam, nói cách khác là được tại ngoại, đã được áp dụng phổ biến từ lâu trên thế giới, nhất là đối với các loại tội phạm về kinh tế. Tuy còn mới đối với Việt Nam , nhưng thực tiễn cho thấy, biện pháp này thực sự cần thiết và điều kiện để áp dụng hiện đã chín muồi.

Việc áp dụng cơ chế mới này sẽ góp phần giảm thiểu những hệ lụy khó lường cho cổ đông, NĐT, thậm chí một số thị trường như TTCK, do việc áp dụng biện pháp tạm giam đối với các bị can, bị cáo là những người đang giữ những vị trí điều hành quan trọng tại DN thường gây nên những tác động dây chuyền khó kiểm soát. Việc áp dụng biện pháp tạm giam khiến Nhà nước tốn một khoản chi phí không nhỏ cho duy trì bộ máy nhân sự, hệ thống hạ tầng..., nên khi áp dụng cơ chế mới, sẽ giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.

 

Theo dự thảo Thông tư, biện pháp đặt tiền, tài sản bảo đảm để thay thế cho biện pháp tạm giam không được áp dụng đối với 5 trường hợp bị can liên quan đến các tội: xâm phạm an ninh quốc gia; phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng về ma túy; phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người.... Nhóm này không bao gồm các tội tham nhũng, lãng phí, đang là những tội gây bức xúc trong xã hội. Theo ông, quy định như Dự thảo đã hợp lý?

Với nội dung như Dự thảo, các tội danh tham nhũng, tham ô, lãng phí tài sản Nhà nước… cũng được phép áp dụng biện pháp đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm thay thế biện pháp tạm giam. Quy định theo hướng này theo tôi là không hợp lý, nhất là với những trường hợp tham nhũng, tham ô, lãng phí… gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng, vì 2 lý do chính sau:

Thứ nhất, đây là các tội đang gây bức xúc trong nhân dân, bởi gây thiệt hại nghiêm trọng cả về vật chất lẫn phi vật chất cho DN nhà nước, tài sản của Nhà nước và cũng được hiểu là của người dân, nên cần áp dụng các chế tài nghiêm khắc. Việc mở ra cơ chế nộp tiền thay thế việc tạm giam dễ khiến người dân nghi ngờ hiệu quả chống tham nhũng, lãng phí...

Thứ hai, các bị can, bị cáo phạm tội tham ô gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng nhưng vẫn được áp dụng biện pháp đặt tiền, hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm thay thế biện pháp tạm giam, sẽ khiến người dân đặt câu hỏi: Cơ quan chức năng “nhẹ tay” với các loại tội phạm này? Việc cho phép các bị can, bị cáo tham nhũng, tham ô… được đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm thay thế biện pháp tạm giam, dễ làm giảm tính răn đe của các biện pháp đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tham ô, lãng phí...

 

Theo dự thảo Thông tư, cơ quan điều tra, viện kiểm sát nhân dân, tòa án quyết định mức tiền, trị giá tài sản cụ thể mà bị can, bị cáo phải đặt để bảo đảm hiệu quả ngăn chặn của biện pháp này, nhưng không dưới 10 triệu đồng đối với tội phạm ít nghiêm trọng; 50 triệu đồng đối với tội phạm nghiêm trọng; 150 triệu đồng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và 350 triệu đồng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng… Theo ông, những mức tiền này có hợp lý?

Tất nhiên, khi đưa ra các mức này, Ban soạn thảo đã cân nhắc để đảm bảo tính khả thi, nhưng với mức như Dự thảo thì không ổn. Lý do là bởi các bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội, nhưng chỉ phải đặt một khoản tiền khá thấp là đã được tại ngoại, thậm chí có thể tạo cảm giác chỉ cần có số tiền không lớn là tội phạm có thể nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

Bởi vậy, dự thảo Thông tư cần xem xét điều chỉnh theo hướng, với những hành vi phạm có mức độ rất nghiêm trọng, mức tiền mà các bị can, bị cáo phải đặt tối thiểu là 500-600 triệu đồng, còn đối với tội đặc biệt nghiêm trọng phải tăng lên hàng tỷ đồng, để đảm bảo tính tương xứng khi thay thế cho biện pháp tạm giam, tránh tạo chênh lệch quá lớn về trách nhiệm mà các bị can, bị cáo phải đối mặt giữa biện pháp ngăn chặn là đặt tiền và tạm giam.

Hữu Đạo thực hiện.
Hữu Đạo thực hiện.

Tin cùng chuyên mục