Đây không chỉ là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của nhiều nhà băng bị “ăn mòn”, mà còn thể hiện tính hiệu quả trong hoạt động của các ngân hàng.
BCTC hợp nhất quý II/2016 của Sacombank (STB) cho thấy, lợi nhận sau thuế trong quý II và lũy kế 6 tháng đầu năm của Ngân hàng đạt 147 tỷ đồng và 309 tỷ đồng, cùng giảm mạnh khoảng 74% so với cùng kỳ năm 2015, cho dù doanh thu từ các hoạt động kinh doanh đều khả quan hơn so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của STB sụt giảm mạnh là do khoản chi phí dự phòng rủi ro lên tới 682 tỷ đồng, tăng hơn 86% so với cùng kỳ năm trước.
STB nhận sáp nhập SouthernBank từ tháng 10 năm ngoái và ngân hàng phải tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu của SouthernBank chuyển sang. Tính đến cuối tháng 6, tỷ lệ nợ xấu của STB là 2,83%, tăng so với mức 1,85% tại thời điểm đầu năm; tổng tài sản đạt trên 312.000 tỷ đồng, tăng 6,8%; cho vay khách hàng đạt 199.000 tỷ đồng, tăng 7,1%; tiền gửi của khách hàng đạt 280.000 tỷ đồng, tăng 7,2%.
Tương tự, BCTC quý II/2016 hợp nhất của Vietinbank (CTG) thể hiện lợi nhuận thuần từ hầu hết các hoạt động chính đều gia tăng, tuy nhiên, do chi phí hoạt động trong kỳ tăng 25% lên hơn 3.000 tỷ đồng và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 53% lên 1.568 tỷ đồng, nên lợi nhuận sau thuế trong kỳ của CTG bị suy giảm đáng kể, xuống còn 1.488 tỷ đồng, tức giảm 17% so với cùng kỳ 2015. Mặc dù vậy, lũy kế 6 tháng đầu năm, CTG vẫn đạt 3.408 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ nợ xấu tính đến 30/6/2016 ở mức 0,9%, giảm không đáng kể so với thời điểm đầu năm; tổng tài sản đạt 850.000 tỷ đồng, tăng 9,1%; cho vay khách hàng đạt 592.000 tỷ đồng, tăng 10%; tiền gửi của khách hàng đạt 576.000 tỷ đồng, tăng 17%.
Hay như tại Vietcombank (VCB), nhà băng có mức lợi nhuận cao nhất trong số các ngân hàng niêm yết, khi thông báo lãi ròng 1.580 tỷ đồng trong quý II/2016 và 3.421 tỷ đồng 6 tháng đầu năm, tăng lần lượt 19% và 39% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, chi phí hoạt động trong kỳ của VCB cũng tăng vọt, với mức tăng gần 77% so với cùng kỳ, lên tới 2.631 tỷ đồng, chủ yếu do chi cho nhân viên và hoạt động quản lý công vụ, trong đó chi phí dự phòng rủi ro tín dụng xấp xỉ 1.700 tỷ đồng. Tính đến 30/6/2016, tổng tài sản của VCB đạt 678.000 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cuối năm 2015. Nợ xấu của VCB, xét về số tuyệt đối, đã tăng thêm 334 tỷ đồng so với đầu năm, nhưng tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,84% xuống 1,74%.
Riêng với BIDV (BID), mặc dù lợi nhuận sau thuế quý II/2016 tăng 58% lên 975 tỷ đồng, nhưng BID lại đang có mức trích lập dự phòng rủi ro cao nhất, gần 2.536 tỷ đồng (tương đương 67% lợi nhuận trước dự phòng), bỏ khá xa so với mức trích lập của VCB và CTG. Đáng lưu ý, tổng giá trị nợ xấu của BID tại thời điểm 30/6/2016 đã tăng trên 3.000 tỷ đồng so với đầu năm, đạt 13.183 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng hơn 1.100 tỷ đồng lên 6.343 tỷ đồng, nợ nhóm 4 tăng đột biến từ gần 888 tỷ đồng lên hơn 2.326 tỷ đồng, duy có nợ dưới chuẩn (nợ nhóm 3) giảm từ 4.515 tỷ đồng xuống 3.975 tỷ đồng. Tổng tài sản tại thời điểm cuối kỳ đạt hơn 930.000 tỷ đồng, tăng 9,2% so với đầu năm và tiếp tục là ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất trong hệ thống.
Song đặc biệt nhất trong các ngân hàng niêm yết có lẽ là Eximbank (EIB), khi tính đến 30/6/2016, EIB có 4.285 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 5,3% tổng dư nợ và tăng đột biến so với tỷ lệ nợ xấu chưa đến 2% tại thời điểm cuối năm 2015. Trong các nhóm nợ xấu, nợ dưới chuẩn của EIB là 2.415 tỷ đồng, chiếm hơn 1/2 tổng nợ xấu và tăng 13 lần so với đầu năm; nợ nghi ngờ tăng 34,8% lên 797 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn cũng tăng tương đương, lên 1.073 tỷ đồng. Nợ xấu lớn dẫn đến phải trích lập dự phòng rủi ro cao, nên dễ hiểu khi lợi nhuận ròng 6 tháng đầu năm của EIB chỉ còn vỏn vẹn 79 tỷ đồng, giảm 88% so với cùng kỳ 2015. Tính đến hết tháng 6, tín dụng của EIB là âm 4,62%, trong khi huy động vốn tăng trưởng 2,33%, tổng tài sản giảm 3,3% so với đầu năm, xuống 121.682 tỷ đồng.