Trật tự mới của nhóm ngân hàng niêm yết

(ĐTCK) Xét trên quy mô vốn, chiếm vị trí dẫn đầu trong bảng xếp hạng các ngân hàng niêm yết vẫn là những đơn vị có vốn nhà nước chi phối. Tuy nhiên, xét trên tiêu chí hiệu quả kinh doanh thì thứ bậc này đang có sự thay đổi.    

 

MBB vươn lên dẫn đầu trong nhóm ngân hàng niêm yết về hiệu quả kinh doanh MBB vươn lên dẫn đầu trong nhóm ngân hàng niêm yết về hiệu quả kinh doanh

6 tháng đầu năm nay, ngoại trừ BID tăng vốn từ mức 28.112 tỷ đồng lên 31.481 tỷ đồng sau khi nhận sáp nhập MHB, 8 ngân hàng niêm yết còn lại đều không có sự thay đổi về vốn điều lệ.

Tổng hợp báo cáo tài chính bán niên soát xét của các ngân hàng niêm yết, có thể thấy, xét về quy mô vốn, Top đầu vẫn thuộc về ngân hàng thương mại cổ phần có gốc quốc doanh. Vietcombank (VCB), VietinBank (CTG) và BIDV (BID) chiếm 3 vị trí cao nhất, với vốn chủ sở hữu lần lượt đạt 54.595 tỷ đồng; 45.830 tỷ đồng và 35.244 tỷ đồng. So với thời điểm đầu năm, quy mô vốn chủ sở hữu của CTG giảm 1,12%, trong khi 2 ngân hàng còn lại đều tăng trên 5%.

Đứng ở vị trí kế tiếp là STB và MBB, với số vốn chênh nhau không nhiều. STB vừa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận kế hoạch nhận sáp nhập Ngân hàng Phương Nam (SouthernBank), khi việc sáp nhập hai ngân hàng hoàn tất, vốn điều lệ của Ngân hàng mới sẽ được nâng lên trên 18.000 tỷ đồng. MBB cũng vừa được NHNN cho phép phát hành tăng vốn điều lệ từ mức 11.594 tỷ đồng hiện tại lên 16.000 tỷ đồng. Nếu kế hoạch tăng vốn của MBB thành công, khoảng cách về quy mô vốn điều lệ của STB và MBB với ba “ông lớn” NHTM cổ phần gốc quốc doanh sẽ được rút ngắn.

Tuy nhiên, xét trên tiêu chí hiệu quả kinh doanh, thứ bậc của các ngân hàng lại có sự thay đổi. 6 tháng đầu năm nay, MBB dẫn đầu nhóm ngân hàng niêm yết về hiệu quả kinh doanh, với thu nhập trên mỗi cổ phần 6 tháng đầu năm (EPS) đạt 2.170 đồng. VCB và BID vẫn giữ được vị thế trong Top 3, với mức EPS lần lượt đạt 2.076 và 1.914 đồng, trong khi người “anh cả” CTG lại tụt xuống vị trí thứ 5 (1.536 đồng), đứng sau cả STB (1.857 đồng).

So sánh theo tiêu chí chỉ tiêu khả năng sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) và trên tổng tài sản (ROA), thứ tự này cũng có những thay đổi nhỏ. Theo đó, BID có chỉ số ROE cao nhất trong nhóm, với 16,2%; MBB và STB đứng vị trí thứ hai và ba; tiếp theo là VCB, CTG.

Một ngân hàng có chỉ số ROE từ 10-20% được xem là bình thường, chỉ số ROA của một ngân hàng lành mạnh thông thường nằm trong ngưỡng 1 - 2% và tỷ lệ này còn phụ thuộc vào điều kiện của từng thị trường, quốc gia. Một ngân hàng có ROE nhỏ hơn 10% và ROA nhỏ hơn 0,5% phản ánh khả năng sinh lời yếu kém, hay do trích lập dự phòng rủi ro nhiều. Ngược lại, khi mức ROE của ngân hàng lớn hơn 20% và ROA lớn hơn 2% cho thấy hiệu quả của ngân hàng tốt, tuy nhiên, điều này cũng thể hiện rủi ro của ngân hàng cao hơn khi tham gia vào những nghiệp vụ cho lợi nhuận cao.

Quay trở lại với diễn biến giao dịch của các cổ phiếu ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán, từ đầu năm đến nay, nhóm ngành này đã có mức tăng khá tốt, đặc biệt BID tăng đến gần 110% từ mức 12.700 đồng/CP lên 26.600 đồng/CP (đóng cửa phiên giao dịch ngày 16/9). Trong hai phiên giao dịch gần nhất, BID liên tục giảm sàn khi quỹ VNM thông báo loại BID ra khỏi danh mục do việc tính toán nhầm trước đó.

CTG, VCB cũng là những mã có mức tăng khá mạnh, khoảng 40% so với thời điểm đầu năm. Chính vì thế, theo đánh giá của nhiều chuyên gia chứng khoán, định giá của những mã ngân hàng đang cao so với mặt bằng chung.

Trong nhóm cổ phiếu ngân hàng đang niêm yết hiện nay, MBB được đánh giá rẻ, với mức P/E khoảng 6,9 lần. Kế đến là STB và SHB cũng có mức P/E thấp hơn nhiều so với trung bình ngành (khoảng 16,5 lần).

Trật tự mới của nhóm ngân hàng niêm yết ảnh 1

Có thể thấy, dù xét theo tiêu chí nào, yếu tố quan trọng nhất đối với hoạt động ngân hàng chính là sự ổn định, để đảm bảo an toàn cho cả hệ thống cũng như nền kinh tế. Tính trên toàn hệ thống, quy mô vốn của có thể giảm, nhưng xét cụ thể hơn, sẽ có những ngân hàng lớn tăng quy mô và cũng có những ngân hàng nhỏ, yếu kém buộc phải hợp nhất, sáp nhập, thậm chí một số ngân hàng phải bán lại với giá 0 đồng. Đây cũng là tất yếu khi ngành ngân hàng đang bước vào giai đoạn cuối của quá trình tái cơ cấu, theo định hướng của Chính phủ và NHNN là giảm số lượng TCTD, nâng cao quy mô, tiềm lực, đủ sức cạnh tranh với các định chế tài chính trong khu vực.           

Huyền Vy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục