Chiều cuối năm, lang thang trên con phố nhỏ, lời bài hát “Mùa Xuân của Mẹ” vang lên khiến lòng người con xa xứ rưng rưng một nỗi hoài cảm. Cứ như vậy, giai điệu đầm ấm, nhẹ nhàng của bài hát đó vẫn vang lên trong đầu. Mẹ ơi, con biết, Tết đang đến sau lưng mình.
Mỗi mùa Xuân đến, lòng con lại như chiếc đồng hồ cũ, được lên dây cót bằng những ký ức ngọt ngào về Mẹ. Xuân không chỉ là hoa đào, bánh chưng, hay những tiếng pháo nổ vang trời. Với con, xuân chính là ánh mắt dịu dàng, bàn tay chai sạn nhưng ấm áp của Mẹ, là những ngày hối hả nhưng tràn ngập yêu thương khi cả nhà cùng chuẩn bị Tết.
Thuở nhỏ, xuân đến là những buổi sáng lạnh giá, khi con còn cuộn tròn trong chăn, nhưng Mẹ đã dậy sớm hơn thường lệ, lọ mọ với mẻ bánh thuẫn, canh từng đợt lửa để bánh chín. Bóng dáng Mẹ mờ trong làn khói bếp, nhưng nụ cười vẫn hiện rõ trên gương mặt rám nắng. Con chợt hiểu, Tết là lúc nhà cửa phải đầy ắp yêu thương. Không cần gì nhiều, chỉ cần cả nhà bên nhau, thế là xuân trọn vẹn rồi.
Mẹ là người mang mùa Xuân đến, không chỉ cho con, mà còn cho mọi góc nhỏ trong ngôi nhà, từ gian bếp thơm nức mùi hành phi, chảo bánh ngọt vàng giòn, cho đến những cành hoa tươi Mẹ cắm vào bình gốm cũ.
Chỉ cần Mẹ ở đó, tất cả đều bừng lên sức sống, như một phép màu giản dị nhưng diệu kỳ.
Đối với con, mùa Xuân chính là Mẹ… |
Con trưởng thành, đã có mái ấm nhỏ cho riêng mình, rồi con cũng rời khỏi vòng tay Mẹ để đi qua bao mùa Xuân khác. Những lúc ấy, Tết dường như trở nên nhạt nhòa. Phố phường đông vui nhưng thiếu ánh mắt Mẹ dõi theo, thiếu mùi thơm từ những món ăn Mẹ nấu, con chỉ thấy lòng mình trống rỗng. Xuân không còn là xuân khi không có Mẹ bên cạnh.
Những mùa Xuân trước, khi con về nhà đón Tết, bước chân con rộn ràng như đứa trẻ chạy về nhà sau buổi học. Mẹ vẫn thế, nhưng lưng đã còng, tóc đã bạc, bàn tay gầy guộc vẫn thoăn thoắt đổ bánh. Ánh mắt Mẹ sáng lên khi thấy con, một niềm vui giản dị nhưng đủ để xua tan mọi lạnh giá trong lòng.
Mùa Tết, con thường mở nhạc Xuân, xem TVC quảng cáo Tết quê để lấy cảm hứng trong công việc, nhưng đôi lúc lòng con bỗng dậy lên nhiều xúc cảm. Tết với con không chỉ là những ngày độc lập nghiệt ngã trong chuyến đi xa, mà là được trở về, được thấy nụ cười rạng rỡ của Mẹ trong ngôi nhà nho nhỏ, giữa xóm nghèo mà ấm tình người.
Con hiểu, trong cảnh nhà đơn chiếc, sự trở về của con, không chỉ Mẹ có Tết, mà hàng xóm cũng vui lây.
Từ khi con rời xóm làng, nhà trở nên vắng lặng hơn. Mẹ nói, ngày Tết không có con, ngôi nhà dường như thiếu vắng một thứ gì đó. Hàng xóm vẫn qua lại, nhưng tiếng cười trong bữa cơm Tất niên cũng trở nên nhạt nhòa.
Những ngày Tết đoàn viên, với con, không chỉ là những ngày nghỉ lễ. Đó là khoảng thời gian quý báu để trở về, để cùng gia đình quây quần bên mâm cơm, để nghe những câu chuyện xưa cũ mà Mẹ vẫn kể, để cảm nhận hơi ấm của tình thân.
Có lẽ vì thế mà dù cuộc sống có bận bịu đến đâu, dù có phải lao chen với bao nhiêu thử thách ngoài kia, con vẫn luôn cố gắng trở về. Trở về như một cách để gieo mùa Xuân vào lòng mình, để tâm hồn con được sưởi ấm bởi những giá trị giản dị nhưng thiêng liêng.
Sài Gòn tháng cuối năm mưa và lạnh. Nhưng cơn mưa dữ dội của Sài Gòn lại khiến con hồi ức về cái Tết năm ấy, quê mình vừa ăn Tết vừa đón lũ.
Bữa cơm tối trước khi lũ về, bên ánh đèn dầu leo lắt cả nhà nhấp nhổm ăn cơm. Vừa ăn, vừa nghe ngóng tình hình lũ bên chiếc đài rè cũ kỹ. Chốc thoáng qua vài cơn rít của gió, Mẹ liền bỏ dở chén cơm, chạy chỗ này, chỗ kia để che chắn. Dù đã lường trước sức mạnh của gió, nhưng nước cứ xối xả, một mình Mẹ sao kịp trở tay.
Cơn mưa lùa xuống như thác đổ, làn nước ào ào dội xuống căn nhà nhỏ. Những phên tranh, rạ rách tơi tả. Nhìn Mẹ loay hoay tìm cách cứu vãn trong bất lực mà thấy xót cực độ. Mỗi làn nước dội xuống như xé ruột, xé gan. Gió ngoài trời thổi vù vù, rít mạnh, chực nuốt trôi tất cả.
Không còn cách nào khác, cả nhà phải ngồi một góc để trú. Gió mạnh dần lên bao nhiêu, nỗi lo lắng của Mẹ cũng tăng lên bấy nhiêu. Gió đánh đu, căn nhà chao đảo, như ánh đèn dầu cố trụ trước làn gió vô tình. Tiếng then cửa cứ kẽo cà kẽo kẹt làm chúng con càng sợ.
Sáng, con mở he hé cửa sổ, căng mắt nhìn xung quanh mênh mông là nước. Làng xóm tiêu điều, xơ xác, nom cây cối đến tội nghiệp, lá rách tươm trông như những chiếc lược, không còn lấy một chút nào lành lặn.
Mặt trời lên, những lá cây xơ mướp ấy khô queo, thân cây chỉ trơ lại toàn những cành gân guốc. Toàn cánh đồng bạc phếch một màu của đất phèn, để lại những bừa bộn rác rưởi và cả nỗi lo miếng cơm ngày mai hay những ngày sau sẽ có hay không.
Cái Tết năm đó làm con nhớ mãi, như cách con nhớ về Mẹ mỗi độ xuân về.
Mẹ ơi! Con lớn dần theo năm tháng và càng ngày ý thức sâu sắc hơn về sự chuyển mình của thời gian. Mùa Xuân - mùa của sự bắt đầu, của những chồi non xanh biếc, của trăm hoa đua nở. Nhưng mùa Xuân còn là lời nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng thấm thía về tuổi già, về sự trôi đi không ngừng nghỉ của đời người.
Trong những ngày trở về xưa ấy, con nhận ra rằng, mùa Xuân thực sự chỉ trọn vẹn khi có Mẹ. Câu hát “chỉ bên Mẹ là mùa Xuân thôi” quả thật đúng tâm trạng của con lúc này. Chỉ bên Mẹ, con mới thấy lòng mình nhẹ nhõm, an yên.
Bên Mẹ, con mới cảm nhận được cái đẹp của mùa Xuân, không chỉ qua cảnh vật, mà còn từ những điều giản dị Mẹ dành cho con: Một nụ cười hiền, một cái vuốt tóc âu yếm, đôi khi là ánh mắt Mẹ nhìn con mà không cần nói lời nào.
Thời gian trôi nhanh và con hiểu rằng, mùa Xuân của đời người không kéo dài mãi. Nhưng chính vì vậy mà con càng trân trọng hơn những mùa Xuân bên Mẹ. Đối với con, mùa Xuân không phải là hoa mai, hoa đào. Mùa Xuân chính là Mẹ, là sự hiện diện đầy yêu thương của Mẹ trong cuộc đời con.
Và vì thế, “dẫu gì rồi con cũng về”, không chỉ để đón xuân, mà còn để gìn giữ mùa Xuân trong lòng mình.