Mua “nhầm” bảo hiểm và chuyện cắt lỗ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo ông Nguyễn Bá Phước, đồng sáng lập Công ty cổ phần EasyFinteach, đơn vị chuyên đào tạo tài chính cho gia đình và trẻ em, “nếu lỡ mua lầm bảo hiểm, khách hàng cũng nên xem xét cắt lỗ”.
Bảo hiểm là sản phẩm tài chính phức tạp, không phải khách hàng nào đủ hiểu biết để chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu Bảo hiểm là sản phẩm tài chính phức tạp, không phải khách hàng nào đủ hiểu biết để chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu

Sau một số vụ việc ồn ào “mua nhầm” trên thị trường bảo hiểm nhân thọ năm 2023, nhận thức của người dân về bảo hiểm có bước tiến, nhưng không phải ai cũng có đủ thông tin, kiến thức để biết mình có đang mua đúng, mua đủ sản phẩm bảo hiểm. Ông nghĩ sao về điều này?

Những lùm xùm vừa qua trên thị trường bảo hiểm nhân thọ khiến người dân chủ động hơn trong việc tìm hiểu thông tin về sản phẩm bảo hiểm, các loại phí khấu trừ khi tham gia bảo hiểm là bao nhiêu, phạt hủy hợp đồng trước thời hạn là thế nào... Trong khi trước đó, những thông tin kể trên bị nhiều đại lý bảo hiểm “quên” không nói cho khách hàng, hoặc đại lý có tư vấn nhưng khách hàng không hiểu, không chú ý và chỉ đến khi chi trả bảo hiểm trên thực tế mới biết và ngã ngửa, ngậm đắng nuốt cay.

Tôi biết một vài trường hợp chi trả quyền lợi bảo hiểm của một công ty bảo hiểm lớn. Khách hàng A tham gia hợp đồng có số tiền bảo hiểm 1,1 tỷ đồng, phí hàng năm là 110 triệu đồng, sau khi đóng được 770 triệu đồng phí bảo hiểm thì khách hàng không may bị ung thư vòm họng, nên được bảo hiểm chi trả 1,1 tỷ đồng và 88 triệu đồng tiền lãi. Công ty bảo hiểm chi trả bảo hiểm cho ung thư vòm họng xong thì khách hàng cũng không còn quyền lợi tử vong.

Câu hỏi đặt ra ở đây là khách hàng có nên bỏ ra 110 triệu đồng/năm chỉ để được bảo vệ 1,1 tỷ đồng hay không? Đại lý bảo hiểm có nên tư vấn cho khách hàng hợp đồng bất hợp lý kiểu này không?

Đáng nói là, có không ít hợp đồng bảo hiểm dạng này đang tồn tại trên thị trường lâu nay.

Ông Nguyễn Bá Phước, đồng sáng lập Công ty cổ phần EasyFinteach

Ông Nguyễn Bá Phước, đồng sáng lập Công ty cổ phần EasyFinteach

Vì sao lại tồn tại nhiều hợp đồng bảo hiểm bất hợp lý kiểu này, theo ông?

Nguyên nhân có nhiều hợp đồng dạng này vì trước năm 2019, để được học sản phẩm Bảo hiểm liên kết đầu tư UL thì phải làm 6 tháng, nên những đại lý mới vào nghề chỉ được bán bảo hiểm tiết kiệm (các công ty hay gọi là bảo hiểm truyền thống), bảo hiểm tử kỳ, nhưng bảo hiểm tử kỳ thì phí rất thấp nên nhiều đại lý bảo hiểm chưa biết đến sự tồn tại của nó.

Chưa kể trước đó, bảo hiểm liên kết đầu tư UL chưa thịnh hành nên trên thị trường, người sở hữu bảo hiểm tiết kiệm khá nhiều. Theo thống kê của Bộ Tài chính, đến hết năm 2020, Việt Nam có 3.743.426 trong tổng số 11.631.790 hợp đồng bảo hiểm là bảo hiểm hỗn hợp (gọi là bảo hiểm tiết kiệm cho dễ hiểu) chiếm 32,18%. Đến tháng 6/2023, bảo hiểm tiết kiệm giảm tỷ trọng còn 23,2%, xuống 3.098.215 hợp đồng.

Nói như vậy để thấy rằng, không phải tất cả đại lý bảo hiểm đều yếu kém mà tư vấn sản phẩm này cho khách hàng để ký hợp đồng. Đó có thể là do định hướng kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm thời gian trước, họ muốn thúc đẩy đại lý mới chốt được hợp đồng trước khi hiểu hết các dòng sản phẩm, hoặc “ém” thông tin không cho đại lý bảo hiểm biết là có sản phẩm tốt hơn lúc mới vào nghề, vì nếu nói ra khác nào bảo đại lý chờ sau 6 tháng đào tạo rồi mới bán hàng. Người tuyển dụng cũng cần doanh số, cần hoạt động bán hàng của đại lý mới.

Nếu khách hàng “mua nhầm” những hợp đồng bảo hiểm kiểu này, theo ông, nên xử lý như thế nào để giảm thiểu thiệt hại?

Đây là loại bảo hiểm mà tôi thường nói với các học viên rằng nên xem xét kỹ nhu cầu. Nếu nhu cầu không phải là tiết kiệm, mà là bảo vệ tài chính khi người trụ cột không may gặp rủi ro thì nên xem xét “cắt lỗ”.

Sau vụ một diễn viên nổi tiếng livestream trên mạng xã hội, nhiều khách hàng đã kiểm tra lại hợp đồng, xem tiếp tục hay dừng lại, thậm chí có khách hàng nghiên cứu “cắt lỗ”. EasyFinteach có nhận tư vấn tài chính cá nhân cho một khách hàng ngoài 40 tuổi, chị này nhờ tôi xem có nên hủy một hợp đồng bảo hiểm loại tiết kiệm và sau khi được tư vấn những lợi ích cũng như bất lợi của hợp đồng, chị ấy quyết định hủy. Khi nhận được tiền từ công ty bảo hiểm, chị còn nhắn với tôi: “Chị đã nhận được 64 triệu đồng, may quá, nếu đóng tiếp phí bảo hiểm 13 năm nữa, chị sẽ lỗ thêm 10 triệu đồng/năm, cộng lãi suất hàng năm khi gửi ở kênh khác. Lấy lại bây giờ lỗ có 65 triệu đồng thôi”.

Nói thêm về hợp đồng bảo hiểm của khách hàng này, hợp đồng có số tiền bảo hiểm 250 triệu đồng, nếu khách hàng có con nhỏ mà không may vợ chồng chị có sự kiện bảo hiểm thì con của chị sẽ được nhận thêm 250 triệu đồng khi 18 tuổi. Nhưng khi tôi đề cập quyền lợi này thì chị ấy bảo: “Chị chưa có con”.

Thực tế, có những quyết định là do khách hàng muốn thế. Cá nhân tôi khi còn làm bảo hiểm cũng có hai khách hàng vừa muốn được bảo vệ vừa phải, vừa muốn có một khoản tiết kiệm nhỏ, chứ không muốn mất phí, trong đó có một khách hàng cũng là nhà đầu tư có tài sản rất lớn.

Khi EasyFinteach bắt đầu chia sẻ lớp học miễn phí tư vấn bảo hiểm dưới góc nhìn tài chính, nhiều học viên đã cắt lỗ sản phẩm này sau khi họ hiểu và họ tự phân tích thiệt hơn về nó. Đại lý bảo hiểm có thể phân tích theo cách sau để giúp khách hàng hiểu và tự ra quyết định:

Nếu tính tỷ suất lợi nhuận theo công thức tài chính thì bảo hiểm loại tiết kiệm tỷ suất lợi nhuận trung bình khoảng 3%/năm. Sau 24 năm, tài sản tăng gấp đôi, khá lâu, nhưng được cái an toàn, đảm bảo. Khách hàng chắc chắn sẽ có số tiền này dù có sự kiện bảo hiểm hay không. Có điều, lỡ có sự kiện bảo hiểm, như ở trường hợp trên thì khách hàng A chỉ nhận được 1,1 tỷ đồng cho lượng phí 110 triệu đồng/năm, thay vì chỉ đóng 15 triệu đồng/năm ở dòng bảo hiểm liên kết chung UL, khoảng 6 triệu đồng/năm ở sản phẩm bảo hiểm tử kỳ.

Nếu tỷ suất lợi nhuận là 6%/năm như gửi ngân hàng thì sau 12 năm, tài sản tăng gấp đôi, tuy nhiên không được bảo hiểm.

Nếu tỷ suất lợi nhuận 15%/năm như một số quỹ bảo hiểm liên kết đơn vị ILP thì sau 4,8 năm, tài sản tăng gấp đôi, nhưng phải mua một hợp đồng bảo hiểm với phí 15 - 40 triệu đồng/năm. Số tiền này có thể nhận lại được, thậm chí nhiều hơn nếu công ty bảo hiểm đầu tư tốt.

Nếu tỷ suất lợi nhuận 20%/năm như đầu tư chứng khoán giỏi thì cần 3,6 năm để tài sản tăng gấp đôi, tuy nhiên không được bảo hiểm.

Như trên đã đề cập, có nhiều lựa chọn mà khách hàng phải hiểu và tự quyết định trước khi tham gia bảo hiểm, tham gia đầu tư hoặc cắt lỗ.

“Cắt lỗ” là khái niệm phổ biến trong đầu tư chứng khoán, bất động sản, nhưng khá mới với sản phẩm bảo hiểm?

Thường thì mọi người hay nghe khái niệm “cắt lỗ”, hay “dừng lỗ” trên thị trường chứng khoán. Ví dụ, nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu của công ty A, đến thời điểm hiện tại thì đã thua lỗ 20%, nhưng tình hình hoạt động hiện tại của công ty kém cỏi, triển vọng tương lai không khả quan. Khi đó, nếu quyết định cắt lỗ thì nhà đầu tư chỉ lỗ tối đa 20%, còn nếu cứ tiếp tục nắm giữ thì có thể lỗ nhiều hơn và quan trọng là mất đi cơ hội mua cổ phiếu khác có triển vọng tích cực hơn.

Tôi nghĩ, trong cuộc sống nói chung, đầu tư tài chính nói riêng đã sai thì phải sửa và buộc chấp nhận thua lỗ, mất mát. Có câu “Fail fast is fail cheap”, tạm dịch ra là thất bại xảy ra càng sớm bao nhiêu thì thiệt hại của nó càng ít bấy nhiêu. Bởi thế, với bảo hiểm, nếu có cơ hội làm lại thì cắt lỗ cũng là một chuyện nên làm.

Cần lưu ý rằng, cá nhân tôi không xúi giục ai cắt lỗ bảo hiểm và cũng không nói sản phẩm bảo hiểm nào tốt hơn sản phẩm bảo hiểm nào, sản phẩm của công ty nào tốt hơn sản phẩm công ty nào.

Những ai nghiên cứu về tài chính đều biết, mỗi khách hàng đều có lựa chọn riêng và chịu trách nhiệm với lựa chọn của chính mình. Lựa chọn đó có thể để lại một kết quả hoặc một hậu quả. Thực tế thì ai cũng có lúc đúng, lúc sai, nếu lỡ sai thì nên tìm cách sửa, lỡ mua nhầm bất kể một sản phẩm tài chính nào, không chỉ bảo hiểm, thì “cắt lỗ” cũng là một lựa chọn.

Kim Lan thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục