Có cơ sở để định giá 0 đồng/cổ phiếu
Chia sẻ sự mất mát của các cổ đông ngân hàng yếu kém, đề nghị NHNN cần xây dựng thiết chế để bảo vệ cổ đông nhỏ lẻ, song bà Lê Thị Nga, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, đây là bài học của các cổ đông trong trao gửi niềm tin cho các nhà đầu tư.
Cũng theo bà Nga, giải pháp mua ngân hàng 0 đồng là phù hợp trong điều kiện hiện nay nhằm bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền và đây cũng là bước đi đầu tiên rất quan trọng để tiến tới triển khai thủ tục phá sản tổ chức tín dụng theo tố tụng tư pháp quy định tại Luật Phá sản mà Quốc hội thông qua năm 2014.
Đồng tình với ý kiến trên và viện dẫn các quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Các tổ chức tín dụng và nhiều quyết định của Chính phủ, nhiều đại biểu Quốc hội và các luật sư cũng khẳng định, việc mua lại 3 ngân hàng với giá 0 đồng của NHNN thời gian qua là có đầy đủ cơ sở pháp lý và là giải pháp cần thiết và khả thi nhất hiện nay.
“Việc NHNN mua lại bắt buộc các ngân hàng yếu kém với giá 0 đồng là có cơ sở pháp lý vững chắc. Đây cũng là biện pháp có tính khả thi nhất trong bối cảnh hiện nay, hạn chế tới mức thấp nhất có thể những tổn thất xảy ra trong quá trình tái cơ cấu ngân hàng yếu kém. Quyết định này không những có tác dụng phòng ngừa đổ vỡ của hệ thống, phòng ngừa yếu kém lây lan, mà còn có tác dụng răn đe đối với những nhà quản trị ngân hàng”, Luật sư Đặng Dung, Công ty Luật Đặng Dung bình luận.
Chỉ nên coi là giải pháp tình thế
Bên cạnh sự ủng hộ, các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, mua lại ngân hàng 0 đồng chỉ nên được coi là giải pháp tình thế. Chính Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam cũng đánh giá, giải pháp NHNN mua lại bắt buộc ngân hàng yếu chỉ nên là bước đi đầu tiên hướng tới khuôn khổ phù hợp về thanh lý và phá sản ngân hàng.
Bà Lê Thị Nga cho rằng, Luật Phá sản mới được Quốc hội khóa XIII thông qua đã mở ra hành lang pháp lý cho việc thực hiện các thủ tục phá sản các tổ chức tín dụng theo con đường tòa án và đây là phương án mà Việt Nam cần tính đến.
“Để một ngân hàng phá sản sẽ là một bài học tốt cho cả giới ngân hàng lẫn người gửi tiền, một biện pháp hữu hiệu chống lại thói ‘ỷ thế làm liều’ của cả hai bên. Hơn nữa, để các tổ chức tín dụng phá sản sẽ công bằng hơn, vì Nhà nước sẽ không phải can thiệp giải cứu dựa trên tiền thuế từ những người dân không được lợi gì từ những ngân hàng này”, bà Nga khuyến nghị.
Có ý kiến cho rằng, nên để phá sản ngân hàng, để cổ đông điều hành các ngân hàng yếu kém phải tự gánh thiệt hại, thay vì dồn gánh nặng cho Nhà nước. Thế nhưng, chuyện phá sản ngân hàng không đơn giản, không chỉ vướng các quy định của Luật Phá sản, mà ngân sách có khi còn thiệt hại nặng nề hơn.
Liên quan đến vấn đề này, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế khẳng định, thực ra NHNN không tốn đồng nào. “Họ mua không phải là ‘xòe tiền’ ra mua lại tài sản, mà mua là để chấn chỉnh lại hệ thống của ngân hàng đó, sau đó bán lại cho một ngân hàng khỏe mạnh hơn. Trong trường hợp đặc biệt, NHNN có thể cho vay tái cấp vốn đặc biệt đối với ngân hàng này”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh thanh tra NHNN giải thích: “Đừng nghĩ ngân hàng phá sản thì Nhà nước không mất gì, bởi Bảo hiểm Tiền gửi, tổ chức tài chính của Nhà nước phải chi trả cho người gửi tiền”.
Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico nhận xét, việc NHNN mua lại ngân hàng yếu là giải pháp duy nhất phù hợp trong bối cảnh mọi lựa chọn như duy trì ngân hàng, hợp nhất - sáp nhập ngân hàng, giải thể, phá sản, quốc hữu hóa… đều bất khả thi trước việc cấp bách an nguy, đe dọa an toàn của cả hệ thống.
Tuy vậy, Luật sư Đức cũng cho rằng, việc mua ngân hàng với giá 0 đồng diễn ra trong bối cảnh đặc biệt và trong tình hình hệ thống pháp luật chưa đầy đủ. Vì vậy, sự việc đã ảnh hưởng khá mạnh đến tâm lý nhà đầu tư nói chung và cổ đông ngân hàng nói riêng. Theo ông, để đảm bảo chắc chắn và rõ ràng cơ sở pháp lý trong xử lý các trường hợp trên, cần xem xét sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 hoặc sửa Luật Trưng mua, trưng dụng năm 2008 theo hướng cho phép nhận chuyển nhượng bắt buộc phần vốn góp hoặc cổ phần, cổ phiếu của các tổ chức tín dụng trong trường hợp cần thiết.