Xử lý nợ xấu tại ngân hàng 0 đồng, giải pháp nào từ phía luật pháp?

(ĐTCK) Nguyên nhân khiến một số ngân hàng trở thành Ngân hàng 0 đồng là nợ xấu - hệ quả của các yếu kém trong quản trị điều hành, lũng đoạn và cố tình làm trái các quy định của pháp luật trong hoạt động ngân hàng. 
Trong các tài sản xấu, chỉ có một phần là dư nợ tín dụng, còn lại nằm ở các dạng tài sản khác Trong các tài sản xấu, chỉ có một phần là dư nợ tín dụng, còn lại nằm ở các dạng tài sản khác

Trong đó, trách nhiệm của HĐQT, ban kiểm soát và hệ thống kiểm soát nội bộ chưa được thực thi hiệu quả; vai trò của cơ quan quản lý trong việc bảo vệ cổ đông nhỏ/lẻ bị xao lãng… và một phần nhỏ nguyên nhân từ yếu tố thị trường và môi trường kinh tế.

Các ngân hàng 0 đồng có một đặc điểm chung là theo các báo cáo của kiểm toán độc lập và định giá độc lập, toàn bộ tài sản của ngân hàng và các tài sản bảo đảm cho các khoản vay tại thời điểm xem xét thấp hơn rất nhiều so với nguồn vốn ngân hàng đang huy động (từ thị trường 1 và thị trường 2) và vốn điều lệ thực góp.

Điều này là do lỗ lũy kế của ngân hàng rất lớn (chủ yếu do phải trích lập dự phòng rủi ro cao) dẫn đến âm vốn tự có.

Mặc dù được NHNN trao cho cơ hội để bù đắp phần âm vốn này, nhưng cổ đông của các ngân hàng không thực hiện được. Do đó, NHNN cần phải tham gia bằng cách mua lại ngân hàng với giá 0 đồng và thông qua đó nhằm bảo đảm an toàn, tránh những cú sốc và “hiện tượng domino” cho toàn hệ thống.

Việc mua lại ngân hàng với giá 0 đồng của NHNN cũng đồng nghĩa với việc toàn bộ quyền và nghĩa vụ của cổ đông các ngân hàng sẽ được chuyển giao cho NHNN để đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền.

Xử lý nợ xấu tại ngân hàng 0 đồng, giải pháp nào từ phía luật pháp? ảnh 1

Ông Đỗ Tất Khá,  Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên Xây dựng (CB) 

Sau khi mua 0 đồng, định hướng tái cơ cấu đối với các ngân hàng này sẽ là tách bạch việc xử lý nợ xấu (ngân hàng xấu) với việc tái cơ cấu tổ chức, hoạt động để dần đưa ngân hàng trở lại với thị trường (ngân hàng tốt).

Để làm được điều này, việc xử lý nợ xấu là khởi nguồn; sự hỗ trợ của Chính phủ, NHNN về cơ chế là nhân tố động lực và nỗ lực của cán bộ, nhân viên ngân hàng cùng sự giúp đỡ từ ngân hàng tham gia quản trị điều hành là yếu tố quyết định.

Trước hết, cần phải có một định nghĩa rộng hơn về “xử lý nợ xấu” tại các ngân hàng đã bị mua 0 đồng và rộng hơn là tại các ngân hàng yếu kém, đó chính là “xử lý tài sản xấu”. Theo đó, nợ xấu ở đây không chỉ là dư nợ tín dụng, mà còn ở loại hình khác của tài sản ngân hàng, như các khoản phải thu, các khoản cho vay cổ đông, các khoản tạm ứng, các khoản đầu tư tài sản cố định nhưng chưa quyết toán, các khoản bảo lãnh bằng tiền gửi liên ngân hàng, các khoản đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, đầu tư vào dự án bất động sản, các khoản ủy thác đầu tư…

Do mỗi loại tài sản có tính đặc thù riêng, đặc biệt các ràng buộc, quy định về pháp lý của các loại hình tài sản xấu này rất phức tạp, chồng chéo, nằm ở các thẩm quyền khác nhau, do đó, bên cạnh các giải pháp tổng thể, cần các phương án xử lý cụ thể cho từng loại tài sản xấu này.

Đối với ngân hàng 0 đồng, xử lý nợ xấu là nhiệm vụ tiên quyết để thực hiện thành công Đề án Tái cơ cấu hệ thống tín dụng. Vì thế, các giải pháp cần nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ Chính phủ và NHNN, nhằm tháo gỡ các vướng mắc pháp lý đang ràng buộc các ngân hàng này.

Thứ nhất, cần phải xác định lại giá trị của toàn bộ tài sản đảm bảo cho các khoản vay và các tài sản có khác của các TCTD, để có được bức tranh toàn cảnh về chất lượng tài sản cũng như xác định được mức trích lập dự phòng cho các “tài sản xấu”. Để có thể phản ánh toàn bộ chất lượng tài sản của TCTD 0 đồng lên báo cáo tài chính kiểm toán, về mặt pháp lý, cần phải được cấp có thẩm quyền (trước là cổ đông, sau là NHNN) phê duyệt nội dung này. Sau khi có kết quả về chất lượng tài sản, các tài sản xấu này mới được phân loại theo khả năng thu hồi và có biện pháp xử lý phù hợp.

Thứ hai, như đã nói ở trên, trong các tài sản xấu, chỉ có một phần là dư nợ tín dụng (có thể bán cho VAMC), còn lại nằm ở các dạng tài sản khác. Do đó, để có căn cứ xử lý các tài sản này thì về mặt pháp lý, cần phải coi các khoản phải thu; các khoản bảo lãnh, tạm ứng; tài sản có khác… được xác định liên quan đến các nhóm cổ đông lũng đoạn… là dư nợ xấu, để thực hiện các biện pháp như xử lý nợ bình thường.

Thứ ba, đối với các khoản dư nợ tín dụng gắn với tài sản bảo đảm, cần có cơ chế tháo gỡ từ phía NHNN, VAMC và cơ quan điều tra trong việc bán các khoản nợ cho VAMC. Thực tế, các ngân hàng 0 đồng thường liên quan đến vụ án, trong đó, các khoản nợ và tài sản đảm bảo liên quan đều được kê biên để phục vụ công tác điều tra.

Do đó, để có thể bán được các khoản nợ này cho VAMC, thì cần phải được các cơ quan bảo vệ pháp luật cho phép tạm thời giải tỏa để đưa sang VAMC. Việc bán các khoản nợ xấu sang VAMC rất quan trọng vì nó cho phép ngân hàng 0 đồng có thể tạo nguồn vốn tạm thời (phục vụ thanh khoản và hoạt động) thông qua chiết khấu trái phiếu đặc biệt VAMC.

Thứ tư, đối với các khoản nợ không có tài sản đảm bảo, hoặc giá trị tài sản đảm bảo lúc định giá cho vay bị đẩy lên quá cao, thì kể cả khi xử lý được tài sản, ngân hàng 0 đồng chỉ có thể thu hồi được một phần rất nhỏ khoản nợ liên quan.

Do vậy, một mặt, ngân hàng 0 đồng cần phải có sự hỗ trợ của NHNN và các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc xác định trách nhiệm của các nhóm con nợ quan trọng và sự hỗ trợ của các cơ quan hữu quan (tòa án, viện kiểm sát, UBND các tỉnh, thành phố…) về mặt pháp lý trong việc yêu cầu các con nợ tiếp tục bổ sung tài sản để bù đắp cho các khoản nợ tại các ngân hàng này.

Mặt khác, để tăng tính thanh khoản cho các tài sản bảo đảm và tài sản dự kiến thu hồi bù đắp các khoản nợ, ngân hàng 0 đồng phải có một cơ chế đặc biệt từ Nhà nước cho phép đẩy nhanh tiến trình hợp pháp hóa các tài sản đang thiếu giấy tờ pháp lý theo đúng quy định thì mới có thể phát mãi các tài sản này để thu hồi nợ.

Thứ năm, ngoài biện pháp bán nợ cho VAMC, NHNN và các bộ ngành liên quan cần có cơ chế xác định giá trị thị trường của các khoản nợ để ngân hàng có thể bán cho các nhà đầu tư quan tâm. Hiện nay, VAMC đang thí điểm mô hình bán nợ theo giá thị trường, tuy nhiên, các quy định về pháp lý vẫn chưa rõ ràng để các ngân hàng 0 đồng triển khai giải pháp này.

Thứ sáu, khi các ngân hàng này xử lý được nợ, có nguồn tiền, thì vấn đề làm sao để ngân hàng tiếp tục hoạt động được lại được đặt ra. Các ngân hàng 0 đồng đều hầu như không thể đáp ứng các tỷ lệ đảm bảo an toàn theo các quy định thông thường, do nợ xấu, do âm vốn…

Vì vậy, cần có sự tháo gỡ từ phía Chính phủ và NHNN cho phép các ngân hàng này xây dựng lộ trình đáp ứng các tỷ lệ bảo đảm an toàn hoạt động phù hợp với lộ trình tái cơ cấu.

Xử lý nợ xấu ở TCTD bình thường đã rất khó khăn, thì xử lý nợ xấu ở ngân hàng 0 đồng được xem là một thử thách thực sự khi các cơ chế, chính sách, quy định bình thường nếu áp dụng cho ngân hàng 0 đồng thì các ngân hàng này sẽ hầu như không thể làm gì được.

Vì vậy, trong bối cảnh tái cấu trúc ngành đang diễn ra mạnh mẽ, mà trọng tâm là xử lý nợ xấu, việc có các giải pháp đột phá về pháp lý và trong dài hạn kiện toàn, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan nhằm hỗ trợ tốt hơn cho quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại là nhiệm vụ nặng nề với Chính phủ, NHNN và các TCTD.

Tuy nhiên, khi xử lý thành công khối nợ xấu này, thì đó chính là động lực để ngành ngân hàng nói riêng, nền kinh tế nói chung có thể hồi phục mạnh mẽ trên cơ sở một nền tảng vững chắc hơn.

Đỗ Tất Khá

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục