Với tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều tài sản nằm trong khu vực ven biển hoặc trong vùng ảnh hưởng của bão... chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, nhu cầu bảo hiểm thảm họa thiên nhiên của Việt Nam sẽ được quan tâm nhiều hơn nữa.
Nghiên cứu mới đây của Quỹ Châu Á chỉ ra rằng, trong 20 năm qua, Việt Nam là 1 trong 5 nước có rủi ro thiên tai cao nhất thế giới. Theo đánh giá của Viện Khoa học khí tượng thủy văn và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), trong 5 năm gần đây, mỗi năm thiên tai làm chết khoảng 500 người, gây thiệt hại 14.500 tỷ đồng, tương đương 1,2% GDP cả nước.
Được biết, châu Á trong những năm gần đây liên tiếp gặp nhiều thiên tai nghiêm trọng từ bão, lụt, động đất tới sóng thần. Thống kê cho thấy, chỉ trong năm 2014, thiên tai đã gây ra tổn thất kinh tế thế giới lên đến 110 tỷ USD, còn riêng tại châu Á, con số này lên đến 52 tỷ USD, chiếm 47% tổng thiệt hại kinh tế gây ra bởi thiên tai trên toàn cầu. Gần đây nhất, vụ động đất ở Nepal đã gióng lên hồi chuông về sự cần thiết của bảo hiểm.
Phát biểu tại hội thảo tổ chức tại TP. HCM gần đây, ông Bala Suppliah, Phụ trách Phân tích rủi ro châu Á -Thái Bình Dương, Công ty Bảo hiểm AIG nhận định rằng, nhu cầu bảo hiểm thảm họa thiên nhiên tại Việt Nam sẽ được các doanh nghiệp trong và ngoài ngành bảo hiểm quan tâm nhiều hơn.
“Trong bối cảnh thiên tai xảy ra thường xuyên, mối quan ngại hàng đầu của các doanh nghiệp châu Á trong đó có Việt Nam không chỉ là thiệt hại về tài sản mà còn là tổn thất kinh tế do gián đoạn kinh doanh. Doanh nghiệp hiểu rằng, bằng việc mua bảo hiểm thảm họa thiên nhiên doanh nghiệp đã giảm bớt phần nào sự lo lắng và thiệt hại tài chính cho chính mình”, ông Bala nói và cũng cho biết, điều làm nên sự khác biệt giữa các công ty bảo hiểm là khả năng lên mô hình đánh giá tỷ lệ rủi ro, tư vấn và khuyến cáo, đề xuất những giải pháp và công nghệ hữu hiệu để giảm thiểu rủi ro ở mức thấp nhất có thể. Các công ty bảo hiểm đa quốc gia còn có ưu thế ở tiềm lực tài chính mạnh để bồi thường hỗ trợ các doanh nghiệp trong những hoàn cảnh thảm họa lớn.
Ở Việt Nam hiện nay, bảo hiểm thiên tai cũng như những sản phẩm bảo hiểm hậu thiên tai là bảo hiểm gián đoạn kinh doanh… còn chưa thực sự được chú trọng. Tuy nhiên, sau cơn “siêu giông” tại Hà Nội hồi trung tuần tháng 6 vừa qua, dù thiệt hại về tài sản không quá lớn, sơ bộ khoảng trên dưới 10 tỷ đồng và tổn thất chủ yếu là xe cơ giới nhưng “vai trò tấm lá chắn” cũng được nhìn nhận tích cực hơn.
Để đối phó với thảm họa thiên nhiên, cũng trong đầu tháng 7 vừa qua trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ kỹ thuật của Ngân hàng thế giới (WB) về “Giải pháp tài chính và bảo hiểm cho rủi ro thiên tai ở cấp quốc gia, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm và WB phối hợp tổ chức Hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về bảo hiểm cho tài sản của Nhà nước.
Theo tính toán sơ bộ của WB, thiệt hai đối với trường học, bệnh viện, trụ sở cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở hạ tầng ở vùng nông thôn Việt Nam chiếm tỷ lệ từ 40% tổng giá trị tổn thất ước tính do thiên tai gây ra.
Tuy nhiên, do các tài sản Nhà nước này không được bảo hiểm nên việc tái thiết, phục hồi sau thiên tai phụ thuộc phần lớn vào nguồn hỗ trợ tài chính eo hẹp của Nhà nước và các nhà tài trợ quốc tế.
Vì vậy, cơ sở hạ tầng cần thiết phải được bảo hiểm để đảm bảo nguồn tài chính cho phục hồi và tái thiết sau thiên tai, đóng góp cho an toàn tài chính của Chính phủ, đảm bảo tính kinh tế của chi phí khắc phục thiên tai.
Được biết, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nghiên cứu, đánh giá, đề xuất các phương án bảo hiểm đối với tài sản công hiệu quả ở Việt Nam.