Mùa kinh doanh 2017: Bước đi mới của nhiều doanh nghiệp trên sàn

(ĐTCK) Doanh nghiệp niêm yết, doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM đang lên kế hoạch kinh doanh 2017 với kỳ vọng sẽ đạt được sự tăng trưởng cao hơn.
Thông tin ủng hộ cho các doanh nghiệp ngành thép là năm 2017, Bộ Công thương sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại Thông tin ủng hộ cho các doanh nghiệp ngành thép là năm 2017, Bộ Công thương sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại

Doanh nghiệp niêm yết kỳ vọng tăng trưởng

CTCP Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu dịch vụ và Đầu tư Tân Bình - Tanimex (TIX) đã thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh cho năm 2017 với doanh thu gần 570 tỷ đồng, gấp 3 lần năm cũ và lợi nhuận sau thuế 87,5 tỷ đồng, tăng 31% so với con số thực hiện năm 2016.

Lý giải về dự kiến doanh thu đột biến trong niên độ tài chính 2017, TIX cho biết, Công ty sẽ ghi nhận doanh thu từ việc bán chung cư Tanibuilding Sơn Kỳ 1.

Cũng trong niên độ này, TIX sẽ triển khai công tác thiết kế mới dự án cụm Chung cư KCN Tân Bình II, quy mô 2.000 căn hộ, hoàn chỉnh các thủ tục pháp lý chuyển đổi dự án nhà lưu trú công nhân KCN Tân Bình II thành nhà ở xã hội, đồng thời bàn giao 100% căn hộ chung cư Tanibuilding Sơn Kỳ 1 và hoàn tất các thủ tục chủ quyền căn hộ cho khách hàng.

Về kế hoạch đầu tư, TIX dự kiến triển khai dự án xây dựng kho xưởng cho thuê quy mô 50.000 -70.000 m2 tại một trong các địa điểm thuộc TP. HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai hoặc các khu công nghiệp lân cận, cách trung tâm TP. HCM khoảng 30 km. Vốn đầu tư ước tính từ 300 đến 400 tỷ đồng; trong đó vốn tự có 100 -150 tỷ đồng, vốn vay 167 tỷ đồng.

Những tín hiệu khởi sắc từ giá dầu thô, đặc biệt là sau quyết định cắt giảm sản lượng của các nước trong và ngoài OPEC đang là yếu tố ủng hộ cho các doanh nghiệp ngành dầu khí trong năm 2017.

Ông Phan Thanh Tùng, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Kỹ thuật dầu khí - PTSC (PVS) cho biết, năm 2016, PVS đã đạt kết quả tương đối khả quan khi lợi nhuận hợp nhất trước thuế ước đạt 1.140 tỷ đồng. PVS dự kiến đưa ra chỉ tiêu hoạt đông cho năm 2017 với mục tiêu cố gắng đạt mức tăng trưởng so với năm 2016, song vẫn phải đưa ra một số kịch bản phù hợp với quốc tế.

Nói về kế hoạch 2017, ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Thương mại SMC cho biết, Công ty đặt sản lượng tiêu thụ đạt 1,05 triệu tấn thép các loại và lợi nhuận sau thuế từ 70 - 80 tỷ đồng. Ông Ngọc Anh cũng cho biết, biến động của giá thép và tỷ giá chi phối đến hoạt động kinh doanh của SMC.

Dù năm 2016, Công ty được hưởng lợi từ việc giá thép tăng, nhưng diễn biến giá thép trong năm 2017 vẫn sẽ là một ẩn số mà khó lường. Tuy vậy, thông tin ủng hộ cho các doanh nghiệp ngành thép nói chung và SMC nói riêng, đó là năm 2017, Bộ Công thương sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo đảm cạnh tranh công bằng với hàng nhập khẩu.

CTCP Tập đoàn Hà Đô (HDG) vừa thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh trong năm 2017 với các chỉ tiêu doanh thu hợp nhất 2.620,9 tỷ đồng, tăng trưởng 32% so với năm 2016, trong đó, công ty mẹ đặt kế hoạch sản lượng đầu tư tăng trưởng 372%, sản lượng thu hồi vốn tăng trưởng 61%.

Ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch HĐQT HDG cho biết, Tập đoàn đang đưa  ra kế hoạch dài hạn từ 2017 - 2020 với mức đầu tư tăng trưởng trung bình từ 10-15%, trong đó sẽ  đẩy mạnh đầu tư thủy điện nâng công suất lên 200 MW vào năm 2020, nhận thầu xây lắp tăng trưởng từ 10-20%/năm và tầm nhìn 2021-2030, với tốc độ tăng trưởng trung bình 10%/năm. Kế hoạch là vậy, song với các doanh nghiệp thường có “ độ trễ” nhất định, bởi hoạt động của các doanh nghiệp phụ thuộc diễn biến của thị trường nhà đất trong thời gian tới 

Doanh nghiệp UPCoM, nhiều “điểm sáng”

Trên sàn UPCoM, các tập đoàn, tổng công ty gốc Nhà nước cũng như các doanh nghiệp ngành bia, hàng không trên UPCoM đã công bố kết quả ước tích năm 2016 và bắt đầu hé lộ triển vọng kinh doanh năm 2017.

Tập đoàn Dệt may Việt Nam- Vinatex (VGT) vừa công bố doanh thu toàn Tập đoàn năm 2016 ước đạt 41.337 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2015; lợi nhuận trước thuế hợp cộng toàn Tập đoàn (không bao gồm đơn vị phụ thuộc) ước đạt 1.430 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2015.

Dù kết quả có tăng trưởng, song năm 2016 được ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex đánh giá là năm chật vật với ngành dệt may, khi tăng trưởng toàn ngành chỉ đạt 5,7%, lần đầu tiên ở mức tăng trưởng “một con số” kể từ 2009.

Năm 2017, Vinatex đặt mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp toàn Tập đoàn tăng 14%, kim ngạch xuất khẩu tăng 11% so với năm 2016; Doanh thu và lợi nhuận trước thuế tăng lần lượt 12% và 6% so với năm 2016.

Ông Trường nhận định năm 2017, ngành dệt May Việt Nam được dự báo sẽ vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức khi các thị trường nhập khẩu lớn vẫn trong xu hướng giảm cầu. Dù đã có đủ đơn hàng tới hết quý I/2017, doanh nghiệp vẫn lo ngại sự cạnh tranh đơn hàng xuất khẩu đến từ các quốc gia có chính sách hỗ trợ về thuế, tỷ giá. Trong khi đó, các hiệp định thương mại tự do (FTA) được kỳ vọng vẫn chưa có hiệu lực, đặc biệt là FTA Việt Nam – EU.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2017, ông Trường cho biết, Vinatex sẽ thực hiện hàng loạt biện pháp để giữ vững thị trường đô thị, liên kết các chuỗi cửa hàng trên toàn quốc để phân phối hàng, giảm chi phí thuê mặt bằng và nhân công... Mặt khác trong năm 2017, tập đoàn sẽ tập trung cải tiến năng suất, chất lượng, thay vì tập trung cho đầu tư.

Khác với Vinatex, năm 2016 là năm “sáng” của Tổng công ty Thép Việt Nam - Vnsteel khi các yếu tố thị trường và chính sách (quyết định áp thuế tự vệ của Bộ Công thương) đều hỗ trợ, giúp Công ty mẹ có năm thứ 3 liên tiếp có lãi và nhiều công ty con liên kết xóa lỗ lũy kế.

Tổng kết năm, Vnsteel công bố doanh thu đạt được là 60.386 tỷ đồng, trong đó, Công ty mẹ đạt 1.315 tỷ đồng, khối công ty con đạt 22.504 tỷ đồng và khối công ty liên kết đạt 36.567 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế ghi nhận là 1.822,5 tỷ đồng, trong đó Công ty mẹ đạt 170 tỷ đồng, khối công ty con đạt 697,3 tỷ đồng và 955,2 tỷ đồng từ khối công ty liên kết.

Năm 2017, Tổng công ty mong muốn Chính phủ có các chích sách, giải pháp để kiểm soát và ngăn chặn việc nhập khẩu tràn lan các mặt hàng mà ngành thép trong nước đã sản xuất được, ngăn chặn sự nhập khẩu ồ ạt thép giá rẻ từ Trung Quốc, gây thiệt hại cho các nhà sản xuất thép trong nước.

Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc TKV – CTCP (MVB) công bố kết quả doanh thu toàn Tổng Công ty đạt 4.479 tỷ đồng, hoàn thành 102% kế hoạch năm 2016. Lợi nhuận trước thuế 105 tỷ đồng, bằng 117% kế hoạch.

Năm 2017, MVB đặt kế hoạch doanh thu: 4.314 tỷ đồng, Lợi nhuận trước thuế lãi: 93,8 tỷ đồng, phấn đấu lãi:100,7 tỷ đồng, trong đó: Sản xuất than 20 tỷ đồng, sản xuất xi măng 71,5 tỷ và sản xuất kinh doanh khác lãi 9,2 tỷ đồng.

Tại Tổng công ty Khoáng sản - TKV (KSV), Năm 2017, doanh thu hợp nhất mục tiêu KSV là 4.742 tỷ đồng, bằng 122 % so với năm 2016.  Doanh thu Công ty mẹ 2.109 tỷ đồng,  Lợi nhuận trước thuế hợp nhất toàn Tổng công ty: 25,6 tỷ đồng, lợi nhuận Công ty mẹ 12,1 tỷ đồng.

Cổ phiếu bia và hàng không là làm nóng sàn giai đoạn cuối năm 2016 và đầu 2017 tại UPCoM, với những cái tên lớn như ACV, BHN và HVN. Những doanh nghiệp thuộc “họ” các ông lớn này cũng rất được giới đầu tư quan tâm như SAS, SGN, WSB, BSP, SMB…

Trong số này, CTCP Bia Sài Gòn - Phú Thọ (BSP) và CTCP Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SGN-hiện là cổ phiếu đắt giá nhất trên sàn UPCoM) là 2 doanh nghiệp đầu tiên đưa ra kế hoạch kinh doanh 2017.

Năm 2017, SGN đặt kế hoạch sản lượng phục vụ chuyến bay với 100.418  lượt chuyến quốc nội  và 42.049 lượt chuyến quốc tế tăng lần lượt 29 và 25% so với năm 2016. Qua đó, mục tiêu tổng doanh thu SGN năm 2017 là 1.006 tỷ đồng, tăng 16% so với thực hiện 2016, lợi nhuận sau thuế đạt 215 tỷ đồng, tăng 26% so với thực hiện 2016.

Năm 2017, SGN dự chi 95 tỷ đồng cho đầu tư phát triển, trong đó chi cho xây dựng nhà xưởng 14,5 tỷ đồng và chi cho thiết bị mặt đất gần 77,8 tỷ đồng.

Hoàng Anh - Anh Quốc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục