Hôm rồi bảo cu tý, con bắt đầu kỳ nghỉ hè rồi. Hắn mừng quá, nhẩy cẫng lên. Ngẫm, thấy y như mình hồi bé, gì chứ nghe tin cô giáo bận, ốm, được nghỉ là đám học sinh mải chơi hơn học mừng phải biết. Riêng với Hè là cả một niềm háo hức rất dài, vì nó mang theo bao nhiêu dự định, kế hoạch và trò chơi phía trước.
"Chuồn chuồn cắn rốn biết bơi" - biết bao đứa trẻ đã bị lừa điều này. Ảnh: Thành Nguyễn. |
Tôi còn nhớ, ngày bé, Hè là dịp cho rất nhiều “khởi sự” buổi đầu. Từ việc lần đầu được đi xét cua (móc cua), câu nhái, hôi cá, tát cá… cho đến những buổi sinh hoạt thiếu nhi: tập thể dục và đá bóng sớm. Còn trò chơi thì nhiều lắm, từ súng phốc, chơi chuyền, bắn bi, đánh khăng, đánh đáo, ô ăn quan…
Một phần ký ức. Ảnh: Thành Nguyễn. |
Ngày ấy, cánh đồng sau mùa gặt là sân khấu lớn của đám trẻ quê. Nhà tôi thì chẳng có trâu, bò, nhưng vì thèm cái không khí đồng quê với nhiều trò chơi và món lạ miệng, tôi thường bám càng theo các anh, đám bạn trong xóm.
Sau mùa gặt, cánh đồng quê tạm thời trống trơn. Gặt xong, tất cả châu chấu, ếch nhái và nhất là chuột bị dồn lại những ruộng cỏ voi. Đây là những thửa ruộng được các hộ gia đình nuôi bò sữa chuyển đổi, từ lúa sang cỏ để làm thức ăn. Khi ấy, ngày thì câu nhái, tối thì soi châu chấu, bắt chim. Nhưng vui nhất vẫn là những buổi được ra đồng đào chuột.
Thường nhóm vài ba đứa trẻ sẽ mang theo 1 cái xô, cái giỏ hay túi, cuốc thuổng và một chú chó. Các chú chó có khả năng đánh hơi tìm và bắt chuột rất tốt, xô thì dành có thể đúc nước với những hang đơn giản.
Cánh đồng sau mùa gặt. Ảnh: Thành Nguyễn. |
Chuột mùa này béo ú vì đẫy đà sau một mùa thóc lúa. Bắt xong, đem về lột da, chặt đầu và chân, chỉ lấy thịt phần thân, đùi rồi ướp lên đem nướng là nhanh gọn mà ngon nhất.
Mùa Hè, đứa trẻ nào chả có cái lồng nho nhỏ. Ở quê, thường nhà nào cũng có vài ba cây cau. Hè về, những đứa giỏi leo trèo sẽ có trách nhiệm tìm tổ chim non, bắt xuống chia nhau nuôi. Những con chim sẻ non háu đói, đầy bọng cứt, miệng lúc nào cũng há to đòi ăn khi thấy người. Thức ăn là cơm nguội, nhưng phổ biến hơn cả là châu chấu, thế nên nếu ngày nào không ra đồng, thì cũng phải chạy ra rau xanh (khu vực ruộng 5% để các hộ dân trồng rau) bắt ít châu chấu mang về làm thức ăn cho chim.
Xướng họa. Ảnh: Thành Nguyễn. |
Tôi nhớ, ngày bé nuôi chim được bố mẹ dạy phải cho chim uống nước muối nhạt, có vậy thành quen, dầu khi lớn chim có bay đi thì vẫn phải tìm về để uống nước. Niềm vui trong trẻo đó cứ lớn dần, từ lúc chim non đến lúc chim dần đầy lông, bay chuyền và lớn.
Tôi còn nhớ hồi những năm 90, nuôi ốc bươu vàng là mốt trong đám trẻ. Đợt mới rộ lên phong trào ấy, tôi phải xin tiền bố mẹ để mua. Đâu 1.000 đồng/cặp ốc nhỏ, hoặc một vài nghìn một con ốc cụ, đem về thả vào cái chum sành hay bể cá để nuôi.
Ngày ngày đi vớt bèo tấm, bèo hoa dâu hay thập cẩm các loại lá cho ốc ăn. Khi ốc đẻ, từng buồng trứng hồng to như quả dâu sẽ chuyển dần sang màu trắng, đó là lúc có thể lấy những que tăm gậy ra để lấy ốc con.
Nuôi ốc, nuôi chim cũng tỷ mẩn và mất thời gian ra trò, nhưng vui. Rồi mãi sau này, mới biết loại “đồ chơi” một thuở là thứ tàn phá đồng lúa ghê gớm. Dấu ấn trò chơi thời bé đến giờ vẫn chưa hết khi không ít lần về quê, trên thành mương hay các cọc tre ao hồ, vẫn đầy các ổ trứng của đám “phản loạn” nông nghiệp này.
Ổ trứng ốc bươu vàng gắn với tuổi thơ nhiều đứa trẻ quê. Ảnh: Thành Nguyễn. |
Hè về mang theo những cơn mưa rào. Sau các bữa như thế, ao chuôm rộn tiếng ếch nhái, chẽo chuộc, uôm oam. Tôi và đám bạn lại xách cần đi câu. Ếch cốm (ếch con chừng bằng ngón chân cái) thì đem về thả nuôi ở đâu đó trong vườn, ao nhà. Ếch to thì phải sắm cần trúc dài, hoa mướp để nhử. Có ếch, thể nào cũng có nồi canh dưa. Ngày ấy kiếm được con ếch bằng 3 ngón tay đã là to lắm rồi, chẳng như bây giờ, ếch nuôi to như nắm đấm mà ăn sao cứ bờn bợt.
Hè về, với đám trẻ quê còn là mùa trộm vặt, vì đây là mùa nhiều hoa trái nhất. Từ mía, ổi, sấu, cóc, cam quýt, xoài, quéo, đu đủ,… Hôm rồi về quê, thằng bạn tôi còn đọc vanh vách “danh bạ” hoa thơm quả ngọt, nhà ai có cây gì, quả gì ngon, nó thuộc lòng. Đấy, mùi vị của hoa quả hái trộm nó ngon và hấp dẫn đến độ, sau hơn 20 năm người ta vẫn nhớ.
Ngày ấy, bọn trẻ con hay ngó nghiêng là quả gấc, nhà nào có gấc chín, thậm chí mới ương mà không cắt nhanh thể nào cũng bị bọn trẻ vặt trộm, chỉ để lấy hạt chơi đánh đáo. Còn các loại quả khác thì vô cùng, mỗi hôm đổi món một loại. Ngày ấy, chiến lợi phẩm thường được đám trẻ mang lên lô-cốt trên bờ đê để đánh phá. Không biết đã có bao nhiêu buổi trăng sáng, con đê làng lại rộn lên những tiếng cười đùa, ăn uống và nói chuyện như thế.
Và điều thú vị nhất, ngày đó, chuyện trộm hoa quả chả mấy khi bị các bậc phụ huynh quan tâm, đó như là một điều được chấp nhận. Có chăng lâu lâu chỉ là vài câu quở trách, bởi hình như ai cũng ngầm thừa nhận, đó là một phần tuổi thơ của mỗi người.