Ngày bé, buổi trưa chỉ muốn trốn ngủ đi chơi, bắn chim, hái quả ruối, bất quả hồng (bất – từ địa phương, tương đương với hái), hay lang thang ra bờ sông chơi.
Ngày bé, trưa quê là cả chuỗi kỷ niệm đáng nhớ.
Ngày đó, trưa quê yên ả vô ngần. Có chăng, thanh âm ồn ào chỉ là của tiếng gà cục tác, vài tiếng bò gọi bạn triền đê, tiếng đàn sẻ đá nô nhau trên tàng cây trứng gà, cây bưởi.
Ngoài ngõ, là tiếng cót két của rặng tre vọng về theo con gió.
Đến giờ, đê và sông vẫn là không gian chung đầy hấp dẫn với đám trẻ. Ảnh: Thành Nguyễn.
Tôi nhớ ngày đó, cứ ban trưa, thể nào cũng trốn ngủ để cùng mấy thằng bạn bắn tầm phốc. Ngày thường, tầm phốc bắn bằng đạn giấy. Mỗi đứa lấy một nắm nhỏ báo cũ, ngâm qua nước cho mềm, rồi vo tròn lại, nhét vào ruột cành tre vầu để bắn.
Riêng những ngày tháng 3, tháng 4, đạn giấy được thay bằng những quả bưởi nhỏ. Gọi là quả, nhưng thật ra đây chỉ là phần “thịt” của các bông hoa hay các quả non bé xíu, chỉ bằng đầu đũa, chúng đoản mệnh rụng xuống.
Hết chơi tầm phốc, cả đám lại xuống vườn bạch đàn ở chân đê đúc dế. Đúc xong lại cho vào cái lọ, hay cái hộp xà phòng Lux cho chúng chọi nhau. Vui ra trò.
Thả diều trên đên. Ảnh: Thành Nguyễn.
Nhà tôi chỉ cách con sông quê đúng một nhà hàng xóm và con đê. Và các trò chơi thuở nhỏ, gắn với con đê lại rất nhiều, như là thả diều, đúc dế, chơi cỏ gà, toét bắn... Thậm chí cả những đêm trăng sáng, mất điện, cả xóm đem chiếu lên triền đê nằm.
Những lần như thế, trong cái inh ỏi xa xa của đám ve vô duyên, gió sông mát lịm từ bên Lời, bên Trịnh, bên Việt Trì thổi sang ối lần khiến chúng tôi say giấc.
Nhà tôi dẫu gần sông, ấy nhưng kỷ niệm với con sông lại ít ỏi. Tôi vốn mệnh Thủy, nhưng lại vụng bơi, nên gần như chẳng mấy khi dám tắm. Có chăng chỉ là một vài bận tắm trộm, tập bơi cùng đám bạn. Cũng chỉ dám loanh quanh trong bờ, chứ không dám buông gành, hay bơi sang bãi. Nhưng nói thật, sông quê luôn có một sức hút khó cưỡng, nhất là với đám trẻ.
Trẻ nhỏ được người lớn dạy bơi mỗi chiều về. Ảnh: Thành Nguyễn.
Mấy thằng bạn tôi thủy tính giỏi, còn leo lên cây nhãn ven sông rồi lộn vài ba vòng trước khi tiếp nước. Có đứa còn lặn xuống sâu, mò củi chìm, bắt tôm, cua các kiểu.
Ngày bé, cất vó vừa là trò chơi, vừa là lao động. Những cái màn xô cũ được trưng dụng để làm vó, chỉ cần một mảnh màn xô, thêm hai cọng tre uốn cong, thắt lại với nhau thế là thành cái vó. Mỗi bận đi cất vó vui đáo để, nhà tôi thì không có vó nên nếu muốn đi thì phải mượn anh hàng xóm, rồi đeo tòng teng cả đống vó được gập gọn trên một cái sào.
Thính nhử tôm cá là ít cám gạo rang tới, thơm lừng mũi, nếu có thêm tý hoa hồi rang cùng thì càng tốt. Sau đó, thính được trộn với nước thành dạng sệt, để khi ném chuẩn xác vào lòng vó, dễ chìm và không bị gió thổi bay. Thính này sẽ chìm xuống và "ngự" trên mặt vó ở đáy sông (dĩ nhiên là ven bờ, đoạn chỉ sâu chừng 50 – 60 cm nước. Một bộ vó khoảng đâu 10 – 15 cái, cứ nhấc lên, thả xuống lại ném một lượt thính và cất cái kế tiếp, một vòng như thế là xong lượt.
Ngày ấy, tôm cá thường được đựng vào cái rá, trên có mất cành tre và lá, vừa để che nắng, vừa để tôm cá đỡ nhảy ra ngoài. Tôm chạng vang, cá rạng đông, nên thường nếu cất vó sông thì hay đi vào cữ thời gian này.
Hoàng hôn sông quê. Ảnh: Thành Nguyễn.
Ngày bé, cái gì cũng bé bé, xinh xinh. Bắt được con cá chầy, cá gáy bằng đâu ba, bốn ngón tay là vui lắm. Nếu được con cá bằng bàn tay thì chắc hò hét vang cả bến sông quê.
Còn tôm sông, loại bé xíu, quê tôi gọi là tôm riu cũng không hiếm, râu dài, khỏe, đổ vào rá tre rồi mà chúng vẫn nhảy tanh tách. Rồi còn tép sông (là loại cá bé, như không phải tôm như nhiều nơi vẫn gọi), có bữa gặp đàn, nhử được ối. Con nào con nấy đều chằn chặn, bằng cỡ ngón tay út, vảy bạc lấp lóa, nhảy nhót rào rào trong rổ một lúc mới chịu cạm phận làm đồ ăn.
Những hôm như thế, buổi chiều thể nào cũng có nồi rau sắn chua nấu tép, hay nồi tép kho khô với lá gừng.
Chiều này, ngồi lách cách gõ bài ở Hà Nội, trong những ngày cách ly xã hội, lại tưởng đâu trong khói chiều cũng mằn mặn vị tép kho thuở nào.