Mùa ĐHCĐ: Nóng chuyện giá cổ phiếu, lợi nhuận và cổ tức

(ĐTCK) Mùa ĐHCĐ thường niên là dịp tốt để ban lãnh đạo doanh nghiệp và cổ đông, nhà đầu tư ngồi lại với nhau, để cùng chia sẻ và đồng thuận hướng phát triển mới cho doanh nghiệp. Thế nhưng, những vấn đề nóng bỏng tại các cuộc họp ĐHCĐ lớn lại rất cụ thể, là giá, là lợi nhuận và cổ tức được chia.
Những mối quan tâm của cổ đông lại là những vấn đề rất cụ thể, là giá cổ phiếu, cổ tức. Những mối quan tâm của cổ đông lại là những vấn đề rất cụ thể, là giá cổ phiếu, cổ tức.

Sốt ruột về giá cổ phiếu…

Tại cuộc họp ĐHCĐ thường niên của một doanh nghiệp lớn đang niêm yết trên HOSE, khi phần trao đổi vừa bắt đầu, một cổ đông đặt câu hỏi: Tình hình kinh doanh của Công ty thời gian qua như thế nào mà giá cổ phiếu lại giảm như vậy? Hỏi là vậy, nhưng khi Ban lãnh đạo vừa bắt đầu giải trình về tình hình kinh doanh, thì dường như sự chi tiết của Chủ tịch HĐQT về các vấn đề kinh doanh của doanh nghiệp lại khiến các cổ đông… sốt ruột, dù các thông tin ấy hoàn toàn tích cực.

Một cổ đông bắt đầu lên tiếng: “Chúng tôi không nắm hết được đâu, đề nghị cho biết giá cổ phiếu có lên được không? Khi nào tăng và tăng ở giá nào?”. Ngạc nhiên là, ý kiến này được rất nhiều cổ đông ủng hộ.

Câu chuyện này dường như diễn ra không chỉ ở một doanh nghiệp. Chỉ có điều, ở nhiều doanh nghiệp khác, câu hỏi có phần… tế nhị hơn, khi cổ đông lựa chọn khoảng thời gian bên lề cuộc họp chính thức để hỏi.

Dường như, giá cổ phiếu là vấn đề quan tâm hàng đầu tại các cuộc họp ĐHCĐ của doanh nghiệp niêm yết, đặc biệt là trong trường hợp cổ phiếu của doanh nghiệp bị thay đổi mạnh (mà bi quan hơn là giảm mạnh) do có liên quan đến yếu tố giao dịch cổ phiếu của cổ đông lớn, cổ đông nội bộ, phát hành thêm, hoặc không hoàn thành kế hoạch kinh doanh.

Trong không ít cuộc họp ĐHCĐ, nhiều cổ đông đã đứng lên chất vấn với nội dung: đề nghị doanh nghiệp có chương trình truyền thông phù hợp để hỗ trợ giá và thanh khoản. 

… lợi nhuận bao nhiêu

Sau những bức xúc hoặc quan tâm đầu tiên về giá, cái mà nhà đầu tư hiểu là sẽ tác động không nhỏ đến giá cổ phiếu, vẫn là lợi nhuận. Đi kèm với những con số về doanh thu, lợi nhuận đó là các kế hoạch kinh doanh cụ thể, nhất là phương án kinh doanh với các dự án được kỳ vọng có lợi nhuận cao hoặc các dự án bị tồn đọng.

Tại cuộc gặp nhà đầu tư diễn ra tháng 3/2016 của CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. HCM (CII), lợi nhuận dường như không phải là điều mà các bên quan tâm nhất, mà vấn đề chủ yếu là phương án khai thác quỹ đất tại Thủ Thiêm, câu chuyện về thâu tóm Năm Bảy Bảy, cổ phiếu quỹ và sau đó mới là các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh các mảng khác.

Điểm thú vị tại nhiều cuộc họp ĐHCĐ là có nhiều cổ đông cũng chính là chuyên gia trong lĩnh vực mà doanh nghiệp kinh doanh. Tại CTCP Cơ Điện lạnh REE, cuộc họp ĐHCĐ thường niên vừa qua cũng ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của một cổ đông rất am hiểu về lĩnh vực điện. Hay tại CTCP Đầu tư F.I.T, một cổ đông từ Nha Trang – Khánh Hòa đã bay ra Hà Nội họp sau khi chứng kiến sự thay đổi ngoạn mục của CTCP Nước khoáng Khánh Hòa kể từ khi có sự tham gia của F.I.T. Nhiều mối lương duyên công việc đã phát sinh, bắt đầu tư mối quan hệ cổ đông - doanh nghiệp như thế. 

… và cổ tức thế nào?

Có một điểm khá thú vị là, khi giá cổ phiếu đang trong giai đoạn tăng tốt, nhà đầu tư dường như ít quan tâm đến vấn đề chia cổ tức, trừ các nhà đầu tư tổ chức không tham gia điều hành. Hoặc vấn đề nếu có, cũng chỉ xoay quanh câu chuyện tỷ lệ chia cổ tức bao nhiêu phần trăm, mà không quá quan trọng phương thức chia cổ tức: bằng tiền hay cổ phiếu.

Nhưng đó là câu chuyện của những mùa ĐHCĐ khi hầu như mọi cổ đông đều vui. Vào những ngày “xấu trời”, nhất là khi cổ phiếu đã trải qua một giai đoạn giảm giá mạnh có xu hướng về mệnh giá hoặc thấp hơn, thì chia cổ tức lại trở thành vấn đề nóng bỏng, xếp thứ ba sau câu chuyện giá, lợi nhuận và định hướng phát triển.

“Chúng tôi đầu tư vào doanh nghiệp, giờ bị lỗ nên chỉ mong được chia cổ tức bằng tiền để có thêm tiền chi tiêu hàng ngày”, một cổ đông đã chia sẻ như thế. Trong khi đó, chính tại công ty này, chỉ 1 năm về trước, hàng loạt nhà đầu tư đưa ra ý kiến: Công ty đang trong giai đoạn tăng trưởng tốt, đề nghị chia cổ tức bằng cổ phiếu, không nhất thiết phải chia bằng tiền!

Chia cổ tức bằng tiền hay cổ phiếu, ngoài ý chí chủ quan của cổ đông, ban lãnh đạo doanh nghiệp, trong nhiều trường hợp chịu tác động của chiến lược kinh doanh dài hạn của doanh nghiệp. Thế nhưng, với các nhà đầu tư bên ngoài, điều tác động nhất đến quan điểm chia cổ tức lại là câu chuyện giá cổ phiếu, đặc biệt là tương quan so sánh giữa mệnh giá và thị giá cổ phiếu.

Uyên Phạm

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục