Mùa đại hội động cổ đông 2017: Tăng vốn sẽ là vấn đề “nóng”

(ĐTCK) Nhiều doanh nghiệp đang lên kế hoạch tăng vốn điều lệ bằng nhiều phương thức, nếu không có phương án thuyết phục thì khả năng cổ đông không thông qua có thể xảy ra.
Viglacera dự kiến sẽ phát hành 120 triệu cổ phiếu, bán đấu giá với giá khởi điểm 12.200 đồng/CP Viglacera dự kiến sẽ phát hành 120 triệu cổ phiếu, bán đấu giá với giá khởi điểm 12.200 đồng/CP

Để chuẩn bị cho cuộc họp Đại hội đồng cổ đông sắp tới, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đã thông qua một số vấn đề trọng điểm, trong đó có nội dung tăng vốn điều lệ.

Cụ thể, HPG dự kiến trình Đại hội đồng cổ đông tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2016 là 50% bằng cổ phiếu, thực hiện trong quý I hoặc quý II/2017. Bên cạnh đó, Công ty sẽ phát hành thêm 250 triệu cổ phiếu cho cổ đông theo tỷ lệ 10:2, bắt đầu từ quý II/2017, nhằm huy động vốn đầu tư Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất và bổ sung vốn kinh doanh.

Nếu kế hoạch trên được thực hiện, vốn điều lệ của HPG sẽ tăng từ 8.427 tỷ đồng lên 15.170 tỷ đồng.

Những doanh nghiệp nhỏ, nền tảng cơ bản chưa vững, tỷ lệ tăng vốn cao, phương án sử dụng vốn thiếu sức thuyết phục, giá phát hành không thấp hơn nhiều thị giá, thường bị các cổ đông từ chối mua.  

Ngoài ra, HPG sẽ trình Đại hội đồng cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2017, với chỉ tiêu doanh thu dự kiến đạt 38.000 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 5.000 tỷ đồng, cổ tức 30%, tùy vào tình hình thực tế mà Công ty sẽ trả cổ tức bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu.

Một nội dung khác là HPG sẽ tăng vốn góp tại Công ty cổ phần Thép Hòa Phát, với số vốn góp dự kiến tăng thêm 1.000 tỷ đồng, lên mức 3.500 tỷ đồng.

Với Tổng công ty Viglacera - công ty cổ phần (VGC), Tổng công ty sẽ xin ý kiến cổ đông thông qua phương án phát hành cổ phiếu ra công chúng. Viglacera dự kiến phát hành 120 triệu cổ phiếu, bán đấu giá công khai cho các nhà đầu tư, với mức giá khởi điểm 12.200 đồng/cổ phiếu và không bị hạn chế chuyển nhượng.

Số cổ phần phát hành mới tương đương 39,09% tổng lượng cổ phiếu đang lưu hành của Tổng công ty, dự kiến chào bán trong quý II/2017. Sau phát hành, vốn điều lệ của Viglacera sẽ được nâng lên từ 3.070 tỷ đồng lên 4.270 tỷ đồng.

Theo Viglacera, tổng số vốn thu về từ đợt phát hành dự kiến đạt 1.464 tỷ đồng sẽ dùng 691,69 tỷ đồng đầu tư vào Dự án Xây dựng và Kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Yên Phong mở rộng; 292 tỷ đồng đầu tư xâu dựng Nhà máy sứ Viglacera Mỹ Xuân; 310 tỷ đồng đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất kính nổi siêu trắng; 154,2 tỷ đồng đầu tư vào Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Đồng Văn IV giai đoạn 1 - Hà Nam; phần còn lại bổ sung vốn lưu động.

Một doanh nghiệp lớn khác là Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (NVL) đang xin ý kiến cổ đông về kế hoạch phát hành riêng lẻ để tăng vốn điều lệ trong nửa đầu năm 2017.

Có doanh nghiệp chỉ lên kế hoạch tăng vốn điều lệ bằng cách phát hành cổ phiếu thưởng, trả cổ tức bằng cổ phiếu. Chẳng hạn, ngày 28/2 tới, Công ty cổ phần Nhựa Tân Phú (TPP) sẽ tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông năm 2017.

Ngoài việc trình xin ý kiến cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2017 với chỉ tiêu doanh thu dự kiến đạt 723 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế khoảng 38 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 30,4 tỷ đồng, Ban lãnh đạo TPP dự kiến tăng vốn điều lệ bằng hai phương thức trên. Một nội dung khác là Công ty dự kiến sẽ đàm phán, ký hạn mức vay trung hạn với lãi suất ưu đãi, tiếp tục giải ngân nguồn vốn vay giá rẻ từ các ngân hàng.

Thực tế, hầu hết doanh nghiệp đều có nhu cầu huy động vốn cổ phần, nhưng không ít trường hợp bị “ế”, thậm chí phải hủy đợt phát hành, vì diễn biến thị trường không thuận lợi, hoặc phương án phát hành không phù hợp.

Chẳng hạn, Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG) vừa có báo cáo kết quả chào bán cổ phiếu ra công chúng. Số lượng cổ phần đăng ký chào bán là 199,18 triệu đơn vị, giá chào bán 10.000 đồng/CP, nhưng chỉ có 16 cổ đông đăng ký mua, với khối lượng hơn 54,91 triệu đơn vị, chiếm 27,57%. Tổng số tiền DLG thu về từ đợt phát hành này 549 tỷ đồng. Số cổ phiếu còn lại chưa bán hết là 144,27 triệu đơn vị được Hội đồng quản trị Công ty thống nhất không tiếp tục phân phối vì không tìm được nhà đầu tư phù hợp.

Nhìn chung, những doanh nghiệp nhỏ, nền tảng cơ bản chưa vững, tỷ lệ tăng vốn cao, phương án sử dụng vốn thiếu sức thuyết phục, giá phát hành không thấp hơn nhiều thị giá, thường bị các cổ đông từ chối mua.       

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục