Mùa công bố báo cáo soát xét bán niên chậm chạp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều doanh nghiệp đại chúng đồng loạt xin gia hạn công bố báo cáo soát xét bán niên 2021 với lý do là ảnh hưởng của dịch bệnh.
Mùa công bố báo cáo soát xét bán niên chậm chạp

95 doanh nghiệp xin gia hạn

Dù đã gần hết quý III, nhưng Tổng công ty Sản xuất xuất nhập khẩu Bình Dương (mã PRT) vẫn chưa công bố báo cáo tài chính quý II/2021.

Theo quy định hiện hành về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, doanh nghiệp niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn phải công bố báo cáo tài chính quý trong vòng 20 ngày kể từ ngày kết thúc quý và công bố báo cáo tài chính bán niên trong vòng 45 ngày kể từ ngày kết thúc quý II (báo cáo tài chính quý II công bố muộn nhất vào ngày 20/7 và báo cáo niên công bố muộn nhất vào ngày 15/8).

Trước đó, vào đầu tháng 8/2021, Công ty thông báo xin gia hạn nộp báo cáo tài chính quý II/2021 và báo cáo tài chính bán niên soát xét năm 2021. Lý do PRT đưa ra là Công ty triển khai làm việc tại nhà từ ngày 19/7/2021 đến ngày 15/8/2021 để đảm bảo thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội theo quyết định của UBND tỉnh Bình Dương.

Công ty xác định, việc đảm bảo báo cáo tài chính được hoàn chỉnh (bao gồm báo cáo đã ký và đóng dấu) là việc khó khăn. Công ty xin lùi thời hạn công bố thông tin đến ngày 6/9/2021.

Tương tự, Công cổ phần Hóa chất cơ bản miền Nam (mã CSV) giải thích, dịch bệnh tại TP.HCM diễn biến phức tạp, dịch vụ kiểm toán báo cáo tài chính không thuộc nhóm hàng hóa, dịch vụ thiết yếu nên các nhân sự liên quan không được ra đường, ảnh hưởng tới tiến độ lập và hoàn thiện báo cáo soát xét.

Công ty đề nghị được tạm hoãn công bố thông tin nhưng không nêu rõ ngày khắc phục.

YEG dự kiến chậm nhất đến ngày 20/9 sẽ công bố báo cáo soát xét bán niên.

Cùng với lý do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp như Công ty cổ phần Container Miền Trung (mã VSM), Công ty cổ phần Công nghệ viễn thông Sài Gòn (thành viên của Saigon Invest Group, mã SGT), Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah 1 (mã YEG), Công ty cổ phần Viễn Liên (mã UNI), Công ty cổ phần Kỹ thuật ô tô Trường Long (mã HTL)… trễ hẹn công bố báo cáo soát xét bán niên 2021.

YEG cho hay, việc TP.HCM tăng cường giãn cách xã hội khiến Công ty và đơn vị kiểm toán gặp khó trong việc sắp xếp, bố trí nhân viên cùng làm việc và hoàn thành báo cáo tài chính giữa niên độ kịp thời, chưa kể có nhiều nhân viên đang trong khu cách ly, khu phong tỏa. Công ty dự kiến chậm nhất đến ngày 20/9 sẽ thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin.

Thông tin được ông Lê Công Điền, Vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, tính đến hết tháng 8/2021, có khoảng 95 doanh nghiệp có đơn đề nghị tạm hoãn công bố thông tin báo cáo bán niên soát xét năm 2021 do dịch Covid-19.

Theo ông Điền, Thông tư 96/2020/TT-BTC hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán đã quy định cụ thể về những trường hợp được tạm hoãn công bố thông tin vì những lý do bất khả kháng như thiên tai, hỏa hoạn, chiến tranh, dịch bệnh và các lý do khác (khoản 1, Điều 8).

UBCK sẽ xem xét việc gia hạn công bố thông tin của từng công ty và các công ty phải thực hiện công bố thông tin khi có ý kiến chấp thuận của UBCK.

Tránh “cá mè một lứa”

Tình trạng doanh nghiệp xin gia hạn công bố thông tin báo cáo tài chính năm nào cũng xảy ra, thậm chí quý nào cũng xảy ra, nhưng năm nay, trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, số doanh nghiệp chậm công bố báo cáo soát xét bán niên tăng mạnh.

Dưới góc nhìn của luật sư Nguyễn Minh Đức (Công ty Luật DNAS), dịch bệnh Covid-19 là rủi ro bất khả kháng và pháp luật cho phép trong những tình huống bất khả kháng này, doanh nghiệp có thể tạm hoãn công bố thông tin.

Tuy vậy, báo cáo tài chính, đặc biệt là báo cáo tài chính được kiểm toán/soát xét là căn cứ quan trọng cho việc ra quyết định của nhà đầu tư, việc doanh nghiệp chậm công bố thông tin báo cáo này có thể gây thiệt hại cho nhà đầu tư.

Bởi ngoài lý do khách quan thì không ngoại trừ có trường hợp doanh nghiệp “vin” vào dịch Covid-19 để kéo dài thời gian “chế biến số liệu”.

Luật sư Đức cũng khuyến nghị các doanh nghiệp, hãy xem việc công bố thông tin đúng thời hạn là cơ hội để chứng minh với cổ đông rằng hệ thống quản lý, kiểm soát, tài chính kế toán... của doanh nghiệp đang ổn định, “khỏe mạnh” và trong bất kỳ hoàn cảnh bất lợi nào, doanh nghiệp vẫn tuân thủ đúng những “deadline”. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể nâng tín nhiệm, uy tín của mình trên thị trường, tránh rơi vào tình cảnh “cá mè một lứa”.

Đỗ Mến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục