Mua bán - sáp nhập (M&A): Sức bật cho kỷ nguyên mới

Trong 10 năm qua, kể từ khi Diễn đàn mua bán và sáp nhập Việt Nam (M&A) được tổ chức, hoạt động M&A như một dòng chảy mạnh mẽ, tạo nên những con sóng lớn đưa dòng vốn đầu tư gián tiếp chuyển dịch từ những khu vực có hiệu quả thấp sang các địa chỉ có khả năng sinh lời cao hơn.
Mua bán - sáp nhập (M&A): Sức bật cho kỷ nguyên mới

Từ “dòng suối nhỏ” ...

Năm 2009, khi Diễn đàn M&A do Báo Đầu tư phối hợp với Công ty AVM Vietnam tổ chức lần đầu tiên cũng là năm ghi nhận thương vụ Viettel chi gần 702 tỷ đồng để mua lại 35 triệu cổ phần, qua đó nắm giữ 18,9% vốn của Vinaconex.

Sau 10 năm, có vẻ như “mối lương duyên” của Viettel và Vinaconex vẫn còn “đậm đà”, khi Viettel vẫn nắm giữ 21,3% vốn điều lệ của Vinaconex và Viettel đã “ra tay cứu bồ” vào năm 2012 khi mua lại Nhà máy Xi măng Cẩm Phả thua lỗ từ Vinaconex, tái cấu trúc thành công và kinh doanh có lãi. 

Năm 2009  cũng xuất hiện “thương vụ kinh điển” HSBC chi hơn 101 triệu USD để mua 8% cổ phần, nâng tỷ lệ sở hữu lên 18% tại Tập đoàn Bảo Việt, qua đó đặt bước chân vững chắc vào thị trường bảo hiểm còn sơ khai của Việt Nam, còn Bảo Việt thì có thêm nguồn tài chính bổ sung vốn điều lệ vào các công ty, mở rộng thị trường, đổi mới quản trị, công nghệ...

Đến cuối năm 2012, HSBC đã bán toàn bộ 18% vốn điều lệ đang sở hữu tại Bảo Việt, thu về 7.089 tỷ đồng (340 triệu USD), chưa kể hơn 234 tỷ đồng từ việc cung cấp dịch vụ cải tiến cho Bảo Việt và khoản lợi nhuận hơn 410 tỷ đồng cổ tức hàng năm.

Năm 2009 còn chứng kiến thương vụ khá thú vị liên quan đến đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng. Đó là việc BIDV thành lập Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển (IDCC) 100% vốn Việt Nam với vốn điều lệ 100 triệu USD, do BIDV và Công ty Phương Nam góp vốn. IDCC đã mua lại Ngân hàng Đầu tư thịnh vượng PIB (một ngân hàng tư nhân của Campuchia) và thành lập Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Campuchia (BIDC) tại Campuchia.

Đến cuối năm 2016, BIDC đứng thứ 6 thị trường Campuchia về quy mô vốn điều lệ, quy mô tổng tài sản đạt 740 triệu USD, dư nợ tín dụng đạt 520 triệu USD, huy động vốn đạt 600 triệu USD, hệ thống mạng lưới của BIDC được mở rộng với 10 chi nhánh tại các địa bàn kinh tế trọng điểm của Campuchia và Việt Nam.

Cả 3 thương vụ trên đều nằm trong Top 10 giao dịch M&A tiêu biểu nhất năm 2009 tại Việt Nam, do Diễn đàn M&A 2019 “Kinh nghiệm và cơ hội” điểm danh.

Năm 2009 cũng là năm đầu tiên giá trị thương vụ M&A đạt cột mốc 1 tỷ USD. Trước đó, mỗi năm, thị trường M&A Viêt Nam diễn ra không quá 50 thương vụ với tổng giá trị giao dịch cao nhất không quá 300 triệu USD. Thị trường M&A trước thời điểm này như những dòng suối nhỏ âm thầm, lặng lẽ chảy trong thị trường tài chính.

Và cũng bắt đầu từ thời điểm năm 2009, khi Diễn đàn M&A Việt Nam ra đời thì những những thương vụ M&A như Viettel - Vinaconex, HSBC - Bảo Việt, BIDV-PIB… mới bắt đầu được “trình làng”, xoá dần tâm lý ngại ngần trong các thương vụ M&A, các thương vụ M&A cũng bắt đầu được phân tích, mổ xẻ, đi vào hoạt động chuyên nghiệp hơn.

Từ đây, cùng với sự phát triển của thị trường M&A, Diễn đàn M&A thường niên trở thành người bạn đồng hành, thành kênh kết nối giữa doanh nghiệp với các nhà đầu tư.

“Không chỉ tạo nền tảng kết nối, trong suốt 10 năm qua, Diễn đàn là nơi chia sẻ, giao lưu kinh nghiệm trực tiếp, tư vấn, hỗ trợ, đưa ra những dự báo mang tính chính xác cao từ giới chuyên môn nhằm định hướng, thúc đẩy hoạt động M&A trong nước theo từng giai đoạn”, ông Đặng Xuân Minh, Tổng giám đốc Công ty AVM nhận xét.

... đến những “con sóng lớn” trên thị trường

Như đã nói ở trên, thị trường M&A suốt một thời gian dài trước thời điểm năm 2009 khá trầm lắng và tẻ tẻ xuất hiện các thương vụ M&A, tổng quy mô không vượt quá 300 triệu USD/năm, thì sau thời điểm này bắt đầu phát triển mạnh mẽ vượt mốc 1,14 tỷ USD vào năm 2009, 1,7 tỷ USD vào năm 2010 và đột phá lên mức 4,7 tỷ USD vào năm 2012.

Giai đoạn 2009 - 2014 được các chuyên gia đánh giá là đã xuất hiện làn sóng thứ nhất với sự gia tăng tốc độ, quy mô, số lượng giá trị các thương vụ M&A, khi giá trị thương vụ của giai đoạn này đạt tới 15,15 tỷ USD.

Đây là giai đoạn hình thành thị trường M&A tại Việt Nam từ những thương vụ đơn lẻ với tổng giá trị dưới 1 tỷ USD, trở thành một thị trường với quy mô 5 tỷ USD.

Làn sóng thứ nhất diễn ra trong bối cảnh phát triển và biến động của thị trường chứng khoán, nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc tái cấu trúc và tồn tại vượt qua khủng hoảng.

Đồng thời, Việt Nam, với môi trường chính trị ổn định, một thị trường mới nổi, đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư quốc tế đối với các lĩnh vực có nhiều tiềm năng như tiêu dùng, ngân hàng, bất động sản, công nghệ thông tin… cũng như các lĩnh vực mở cửa và các cam kết song phương và đa phương mà Việt Nam ký kết.

Về pháp lý, các hoạt động M&A manh nha tại Việt Nam với cơ sở pháp lý là Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán và các luật chuyên ngành khác.

Dấu mốc quan trọng là Luật Doanh nghiệp năm 2005, trong đó tạo khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nói chung và các hoạt động mua bán, chuyển nhượng cổ phần nói riêng, tạo tiền đề cho hoạt động M&A trong giai đoạn sau này.

Tuy nhiên, cơ sở pháp lý cho hoạt động M&A trong giai đoạn này được đánh giá là chưa đồng bộ và đang trong quá trình hoàn thiện.

Năm 2014, Diễn đàn M&A đã chọn chủ đề “Làn sóng thứ hai”, dự báo giai đoạn 2014-2018 sẽ xuất hiện một làn sóng M&A thứ hai tại Việt Nam với tổng giá trị kỳ vọng đạt 20 tỷ USD, so với mốc 15 tỷ USD của làn sóng thứ nhất.

Đúng như dự báo và vượt trên cả kỳ vọng, từ năm 2014 đến 6 tháng đầu năm 2018, tổng giá trị các thương vụ M&A đã đạt mốc kỷ lục gần 30 tỷ USD.

Mà “đỉnh sóng” của làn sóng thứ hai là năm 2017, khi thị trường đón nhận thương vụ M&A giữa ThaiBev - Sabeco, với giá trị 4,8 tỷ USD, thương vụ này chiếm gần 50% tổng giá trị M&A của năm 2017 và bằng 86,2% tổng giá trị của tất cả các thương vụ năm 2016.

Làn sóng thứ hai đã đạt “đỉnh sóng” đúng thời điểm chín muồi của thị trường khi nền kinh tế Việt Nam ổn định và tăng trưởng bền vững, môi trường kinh doanh được cải thiện, tiến trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước được đẩy nhanh, kinh tế kinh tế tư nhân phát triển vượt bậc.

Trong làn sóng thứ hai này, nền tảng khuôn khổ pháp lý đã hoàn chỉnh hơn. Các luật như: Luật Đầu tư sửa đổi 2014 và Luật Doanh nghiệp 2014, Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Ngân hàng và các tổ chức tín dụng… đã tạo hành lang cho hoạt động M&A.

Trong làn sóng thứ hai, thị trường đã chứng kiến “con sóng lớn” đến từ các nhà đầu tư Thái Lan với hàng loạt các thương vụ lớn như:

ThaiBev (thuộc sở hữu của TCC Holdings) chi 4,8 tỷ USD mua cổ phần của Sabeco; TCC Holdings chi hơn 56.000 tỷ đồng nắm 19,06% vốn Vinamilk, TCC Holdings chi 879 triệu USD mua hệ thống Metro Cash & Carry Việt Nam từ Tập đoàn Metro Cash & Carry (Đức);

Tập đoàn Central Group mua lại toàn bộ hệ thống Big C Việt Nam với giá 1,05 tỷ USD và mua 49% cổ phần của hệ thống siêu thị điện máy Nguyễn Kim, 49% cổ phần của Lan Chi Mart và mua 100% cổ phần của mạng thương mại điện tử Zalora; Singha Asia Holding Pte Ltd rót 1,1 tỷ USD vào Masan.

Thị trường cũng đã chứng kiến những “con sóng lớn” đến từ Việt Nam với sự trỗi dậy của các tập đoàn tư nhân lớn như Vingroup, Masan, Kinh Đô, Thành Thành Công, Viettel, Vinamilk, FPT… với hàng loạt thương vụ lớn.

Những “con sóng lớn” cũng đã xuất hiện trong ngành tài chính ngân hàng với sự tham gia của các đối tác nước ngoài như Mizuho (mua lại cổ phần Vietcombank), HSBC (với Bảo Việt), Shinhan (ANZ Việt Nam, Tài chính Prudential Việt Nam), Liên Việt Bank (với Tiết kiệm bưu điện), Sumimoto (với Bảo Việt), Lotte (với Techcombank), Warburg Pincus - Techcombank…

Sóng lớn cũng đã xuất hiện trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, thực phẩm, vật liệu xây dựng…

Có thể nói, với sự tham gia sâu rộng từ khối ngoại, sự trỗi dậy mạnh mẽ từ khối doanh nghiệp tư nhân trong nước và cơ hội lớn từ cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước đã khiến làn sóng M&A thứ hai cuộn trào mạnh mẽ.

Sức bật cho kỷ nguyên mới

Thương vụ ThaiBev - Sabeco và cột mốc 10,2 tỷ USD năm 2017 được kỳ vọng sẽ là bước ngoặt mới cho thị trường M&A mở ra một kỷ nguyên mới, kỳ vọng sẽ tiếp tục xuất hiện nhiều hơn nữa các thương vụ lớn và đạt tổng giá trị 2 con số tỷ USD.

Theo Báo cáo thị trường M&A Việt Nam năm 2017 - 2018, với dân số sớm đạt mốc 100 triệu dân trong thời gian tới, với tỷ trọng dân số trẻ và tầng lớp trung lưu đang gia tăng, Việt Nam được đánh giá là một thị trường hấp dẫn.

Vì vậy, các thương vụ M&A trong giai đoạn tiếp theo sẽ tiếp tục thực hiện mục tiêu tiếp cận và mở rộng thị trường. Đây được coi là yếu tố hấp dẫn thu hút nguồn vốn đầu tư gián tiếp từ thị trường nước ngoài vào Việt Nam, tạo nên một sự bùng nổ hoạt động M&A trong kỷ nguyên mới.

“Trong năm 2018 và những năm tiếp theo, các thương vụ M&A tiếp tục tập trung nhiều vào lĩnh vực hàng tiêu dùng, bán lẻ và bất động sản. Ngoài ra, các lĩnh vực viễn thông, năng lượng, hạ tầng, dược phẩm, giáo dục được kỳ vọng sẽ đóng góp giá trị đáng kể cho hoạt động M&A tại Việt Nam trong giai đoạn tới. Giai đoạn tới cũng có thể trông đợi các thương vụ quy mô lớn hơn, nhất là các thương vụ thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước lớn cổ phần hóa và sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài”, Báo cáo này nhận định.

Ông Seck Yee Chung, luật sư điều hành Baker & McKenzie tại Việt Nam đánh giá, Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho hoạt động M&A của nhà đầu tư nước ngoài. “Baker & McKenzie tin rằng, số lượng các thương vụ M&A từ nhà đầu tư nước ngoài và trong nước sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới”, ông Seck Yee Chung nhận định.

Còn theo ông Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam, thì đang có “những đợt sóng ngầm và đang chuẩn bị cho những làn sóng M&A lớn hơn trong tương lai”. Theo đó, nguồn cung trong tương lai sẽ đến từ làn sóng cổ phần hoá và đây cũng là chu kỳ thoái vốn của các nhà đầu tư trong nước sau khi mua được các doanh nghiệp rẻ trong thời điểm trước đây.

Trong kỷ nguyên mới, sự thăng hoa của thị trường M&A sẽ phụ thuộc lớn vào các yếu tố khách quan cũng như nội tại của nền kinh tế.

Hiện tiến trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước còn chậm, hành lang pháp lý cho hoạt động M&A như thuế, nới “room”… chưa hoàn thiện, vấn đề minh bạch hoá thông tin doanh nghiệp còn thấp. Nếu khai thông những rào cản này, thị trường M&A của Việt Nam trong kỷ nguyên mới hứa hẹn sẽ bùng nổ mạnh mẽ.

Diễn đàn mua bán sáp nhập Việt Nam (M&A Forum Việt Nam) thường niên lần thứ 10 - năm 2018

 Do Báo Đầu tư và AVM Vietnam phối hợp tổ chức, sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị GEM (TP.HCM), vào ngày 8/8/2018.

Với chủ đề “Bước ngoặt mới. Kỷ nguyên mới”, Diễn đàn sẽ nhìn lại chặng đường 10 năm hoạt động M&A tại Việt Nam và trao đổi những cơ hội và chiến lược M&A tại Việt Nam trong một kỷ nguyên mới.

Diễn đàn gồm các hoạt động chính: Hội thảo M&A với các diễn giả hàng đầu Việt Nam và quốc tế, Gala Diner vinh danh Thương vụ M&A tiêu biểu 2017 - 2018 và Thương vụ của thập kỷ, phát hành Đặc san “Một thập kỷ M&A tại Việt Nam & cơ hội M&A 2018-2019”, Khoá đào tạo quốc tế Chiến lược M&A để tăng trưởng đột phá.

Hữu Tuấn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục