Mua bán chứng khoán theo hội, nhóm: Khoảng hở cộng tác viên môi giới nhìn từ vụ "nhóm Ngô Nam"

(ĐTCK) Một tuần qua, trên thị trường xôn xao bàn tán câu chuyện “Ngô Nam lừa đảo chứng khoán”. Thực tế đúng sai sẽ có cơ quan pháp luật phán xử, nhưng từ sự việc này cho thấy, khoảng hở trong việc môi giới tự do đối với các công ty chứng khoán (CTCK).

Chỉ định CTCK mở tài khoản

Đối với nhóm nhà đầu tư tham gia vào group nào đó, yêu cầu đầu tiên thường sẽ phải mở tài khoản tại một CTCK do trưởng nhóm chỉ định, và dĩ nhiên sẽ có một đầu mối đứng ra sắp xếp mở tài khoản cho các khách hàng.

Như tại câu chuyện đầu tư theo Ngô Nam, theo phản ánh của một số nhà đầu tư tham gia nhóm này, họ phải mở tài khoản chứng khoán tại Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV). Đây là yêu cầu bắt buộc đối với tất cả nhà đầu tư thông qua môi giới chỉ định để bảo đảm bí mật các mã cổ phiếu được mua. Các khách hàng muốn tham gia đầu tư theo nhóm này được trưởng nhóm chỉ định thông qua nhân viên môi giới tên Đinh Hồng Đăng để thực hiện mở tài khoản.

Sau khi mở tài khoản, các nhà đầu tư tiếp tục phải tuân thủ yêu cầu phải đặt mua theo lệnh trưởng nhóm, tiếp theo là khoe các khoản lãi và bước cuối cùng là chụp ảnh tài khoản số dư tiền để cho tuần tiếp theo. Định kỳ vào thứ Bảy, Chủ nhật, các nhà đầu tư phải chụp số dư tiền mặt trên tài khoản KBSV để chuẩn bị cho việc mua mới tuần kế tiếp, gửi vào các nhóm đang tham gia.

Theo nhóm đầu tư Ngô Nam, có nhiều tài khoản chỉ vài ba trăm triệu, nhưng cũng có những tài khoản lên đến 5-7 tỷ đồng, nhóm này chủ yếu “tất tay” vào cổ phiếu BNA (doanh nghiệp bánh kẹo); cổ phiếu VPG (chuyên về quặng sắt và than cốc), ADS, VC2… So với vùng đỉnh, nhóm cổ phiếu này hiện đã “bay hơi” hơn 50%. Ví dụ cổ phiếu ADS được trưởng nhóm khuyến nghị mua ở mức hơn 36.000 đồng/CP, nay đang giao dịch ở mức 19.000 đồng/CP….

Việc yêu cầu mở tài khoản tại một CTCK được chỉ định bởi nhiều lý do, như có thể quản lý được hoạt động mua bán của khách hàng trong nhóm, quản lý được dòng tiền, các mã chứng khoán và quan trọng hơn là dễ dàng tính hoa hồng phí môi giới. Trong câu chuyện cộng tác viên môi giới của KBSV, thực tế ông Đinh Hồng Đăng chỉ là nhân viên chăm sóc khách hàng của KBSV, còn người ký hợp đồng làm cộng tác viên là bà Ngô Thị Thuý Hằng.

Giám đốc môi giới một CTCK lớn chia sẻ, việc các hội/nhóm yêu cầu các khách hàng mở tài khoản và giao dịch tại CTCK nơi mình cộng tác là khá phổ biến trong thời gian qua. Đặc biệt trong thời gian dịch bệnh, khi chứng khoán bùng nổ, việc người người, nhà nhà đều muốn tham gia đầu tư sinh lời nhanh là yếu tố thuận lợi để các nhóm hô hào. Khi thị trường diễn biến tích cực, các tài khoản sinh lời thì không ai nói gì, nhưng khi thị trường đảo chiều đi xuống, nhìn thấy tài khoản bốc hơi chóng mặt, có những nhà đầu tư tham gia với nguồn vốn nhàn rỗi, nhưng cũng không ít nhà đầu tư đi vay mượn, cắm nhà cắm xe để đầu tư theo thủ lĩnh và bị thiệt hại nghiêm trọng, các nhà đầu tư lúc bấy giờ mới “tá hoả” đi kiện.

Có hay không việc các trưởng nhóm hô hào, kêu gọi nhà đầu tư để xả cổ phiếu đúng đỉnh thì chỉ người trong cuộc và cơ quan điều tra mới nắm rõ, nhưng nếu nhìn một cách tổng quan trong giai đoạn vừa qua, kể cả các nhà đầu tư tự nghiên cứu đầu tư cũng không tránh được các khoản thua lỗ vì thị trường điều chỉnh chung.

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, một quan chức của UBCK cho biết, trong hoạt động kinh doanh, các CTCK phải thực hiện đúng chức năng, nghiệp vụ, tuân thủ theo quy định trong hoạt động của CTCK theo Thông tư Số 121/2020/TT-BTC. Cụ thể, CTCK phải thiết lập hệ thống kiểm soát nội bộ, quản trị rủi ro và giám sát, ngăn ngừa những xung đột lợi ích trong nội bộ công ty và trong giao dịch với người có liên quan. Trong hoạt động môi giới, các CTCK phải bảo đảm nhân viên làm việc tại bộ phận nghiệp vụ phải có chứng chỉ hành nghề chứng khoán phù hợp với nghiệp vụ thực hiện theo quy định của pháp luật chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, CTCK khi cung cấp dịch vụ cho khách hàng không được trực tiếp hoặc gián tiếp thực hiện các hành vi như Quyết định đầu tư chứng khoán thay cho khách hàng; thỏa thuận với khách hàng để chia sẻ lợi nhuận hoặc lỗ; Quảng cáo, tuyên bố rằng nội dung, hiệu quả, hoặc các phương pháp phân tích chứng khoán của mình có giá trị cao hơn của công ty chứng khoán khác; Có hành vi cung cấp thông tin sai sự thật để dụ dỗ hay mời gọi khách hàng mua bán một loại chứng khoán nào đó; Cung cấp thông tin sai lệch, gian lận, hoặc gây hiểu nhầm cho khách hàng và các hành vi khác trái với quy định của pháp luật.

Theo chia sẻ của Tổng giám đốc một công ty chứng khoán, đối với hoạt động môi giới chứng khoán, đầu vào quan trọng nhất chính là yếu tố con người và con người được xem là những nhà cung ứng chủ chốt trong hoạt động kinh doanh. Hiện nay, các môi giới lành nghề có nhiều CTCK để lựa chọn với xu hướng chính sách hoa hồng ngày càng cao.

Cạnh tranh trong ngành đang ở mức cao và dự kiến sẽ ngày càng gay gắt với sự xuất hiện của những đối thủ tiềm năng, đặc biệt là CTCK có vốn nước ngoài. Để tăng thị phần, nhiều CTCK sẵn sàng giảm phí môi giới, nhưng tăng tỷ lệ hoa hồng và các cơ chế đãi ngộ nhằm thu hút thêm các cộng tác viên. Nhiều môi giới đang làm cho CTCK A nhưng vẫn có thể làm cộng tác viên cho CTCK B, thậm chí doanh số bên công ty cộng tác còn cao hơn cả công ty đang làm việc… Chưa kể, số lượng môi giới có chứng chỉ hành nghề có tỷ lệ thấp nên “lách luật” bằng cách tuyển cộng tác viên.

KBSV nói gì?

Trở lại với câu chuyện nhân viên tên Đinh Hồng Đăng, người được chỉ định làm “cầu nối” giới nhà đầu tư mở tài khoản tại KBSV, trong trường hợp này, nếu KBSV trực tiếp thoả thuận với khách hàng sẽ vi phạm pháp luật, còn nếu cá nhân cộng tác viên thoả thuận với khách hàng với tư cách là các dân sự với nhau, thì điều này lại không quy định trong pháp luật. Đây cũng là khoảng hở trong việc quản lý các cộng tác viên môi giới chứng khoán.

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Choi Yun Sun, Giám đốc tài chính KBSV cho biết, các cộng tác viên của KBSV được tôn trọng để tạo dựng môi trường kinh doanh độc lập và được xác định mức thu nhập hợp tác dựa trên hiệu quả công việc. Tuy nhiên, để quản lý một cách hiệu quả, KBSV yêu cầu nghiêm ngặt đối với hoạt động của các cộng tác viên này. Họ luôn phải tuân thủ các điều khoản trong hợp đồng và quy định của Công ty.

"KBSV luôn đảm bảo rằng khách hàng của chúng tôi được bảo vệ toàn diện và được cung cấp dịch vụ môi giới chứng khoán thuận tiện", ông Choi Yun Sun nói và cho biết, trong câu chuyện với nhóm khách hàng Ngô Nam, ông Đinh Hồng Đăng là Chuyên viên hỗ trợ khách hàng với nhiệm vụ hỗ trợ, hướng dẫn khách hàng mở tài khoản và giao dịch tại KBSV. Còn bà Ngô Thị Thúy Hằng ký Hợp đồng dịch vụ phát triển khách hàng (gọi tắt là DSF hay còn gọi là Cộng tác viên) với KBSV từ ngày 07/01/2022 đến ngày 16/06/2022. Bà Hằng có thể giới thiệu và phát triển các khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ giao dịch chứng khoán tại KBSV.

Theo ông Choi, tất cả các khách hàng có nhu cầu mở tài khoản và thực hiện giao dịch tại KBSV (bao gồm cả nhóm Ngô Nam) đều được Công ty thực hiện tư vấn mở tài khoản theo đúng quy trình của KBSV. Sau đó, hoạt động giao dịch của tất cả khách hàng nói chung và nhóm Ngô Nam nói riêng đều được khách hàng tự xử lý thông qua các ứng dụng giao dịch của KBSV, hoặc thông qua Chuyên viên khách hàng cao cấp của Công ty.

Theo quy trình, các lệnh đặt thông qua Chuyên viên khách hàng cao cấp của KBSV sau đó đều được khách hàng tự xác nhận đặt lệnh trên hệ thống. Trong quá trình khách hàng sử dụng dịch vụ, KBSV bắt buộc phải đảm bảo bảo mật thông tin đối với danh mục của Khách hàng, tuân thủ theo đạo đức nghề nghiệp của Công ty.

"Đặc biệt, với nhóm khách hàng bà Ngô Thị Thuý Hằng quản lý, KBSV không thực hiện hoạt động tư vấn đầu tư. Họ hoàn toàn độc lập trong việc đưa ra quyết định giao dịch. KBSV khẳng định không liên quan đến quy trình hoạt động nội bộ của nhóm khách hàng này", đại diện KBSV khẳng định.

Đối với các mã chứng khoán mà nhóm khách hàng này thực hiện giao dịch như BNA, VPG, ASD, VC2… KVSV có cấp hạn mức cho vay ký quỹ (margin) đối với 2 mã BNA và ADS với tỷ lệ là 30%. KBSV cũng cho biết, theo quy định, khách hàng phải ký hợp đồng với KBSV để sử dụng khoản vay ký quỹ. Các khoản vay ký quỹ chỉ được cung cấp cho các cổ phiếu đáp ứng các tiêu chí theo quy định của Công ty.

Theo đó, khách hàng sử dụng khoản vay ký quỹ phải duy trì số dư theo tỷ lệ mà công ty yêu cầu. Khi tài sản của khách hàng biến động, chẳng hạn như khi thị trường chứng khoán giảm mạnh, Công ty sẽ yêu cầu quản lý sự cân bằng cho tài sản. KBSV sẽ thông báo cho khách hàng về tình trạng danh mục ký quỹ để Khách hàng có các biện pháp quản lý rủi ro.

Hoàng Minh - Huy Hoàng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục