Một thùng container bị mắc kẹt, hình ảnh cho thấy sự trầm trọng của cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tại cảng Thượng Hải sầm uất nhất thế giới, một container phân bón nằm giữa hàng chục nghìn container khác đang chờ vận chuyển đến Mỹ.
Một thùng container bị mắc kẹt, hình ảnh cho thấy sự trầm trọng của cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu

Container này đã nằm tại bến tàu trong nhiều tháng vì bị mắc kẹt bởi cơn bão và các đợt bùng phát Covid-19 đã làm trầm trọng thêm tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng trong mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu.

Dù container phân bón này đã bị mắc kẹt tại đó kể từ tháng 5, nhưng đó mới chỉ là một điểm dừng trên hành trình dài từ miền Trung Trung Quốc đến miền Trung Tây nước Mỹ. Sự chậm trễ đã kéo dài thời gian giao hàng mà thông thường sẽ mất vài tuần đến hơn nửa năm. Khung thời gian đó sẽ tiếp tục mở rộng vì hàng hóa hầu như chưa bắt đầu chuyến đi khoảng 15.000 km để tới điểm đến.

Đây chỉ là câu chuyện điển hình về một chuyến hàng và hành trình khó khăn trong việc vận chuyển trên khắp thế giới. Cuộc hành trình này là biểu tượng của sức ì đã kìm hãm thương mại toàn cầu trong thời kỳ đại dịch.

Từ Mỹ, đến Sudan, đến Trung Quốc, các thùng container đang nằm la liệt tại các cảng, bãi chờ tàu hoả và trong các nhà kho khi đại dịch hoành hành. Trong một ngành công nghiệp với 25 triệu container và khoảng 6.000 con tàu vận chuyển, có thể dễ dàng nhận thấy sự gián đoạn là một vấn đề đau đầu lớn đối với lĩnh vực vận tải biển trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, mỗi thùng container bị trì hoãn sẽ dẫn tới hoạt động kinh tế bị hạn chế, người tiêu dùng bị tính giá hàng hoá cao hơn và khiến việc đưa hàng hoá tới tay người tiêu dùng cũng trở nên khó khăn hơn.

Đây cũng là một bài học về những tác động lan tỏa trên các chuỗi cung ứng toàn cầu và cho thấy hạn chế của việc thiếu đa dạng hóa khi tất cả các mạng lưới vẫn kết nối chặt chẽ với Trung Quốc.

Dawn Tiura, người đứng đầu Sourcing Industry Group (SIG) có trụ sở tại Mỹ cho biết: “Mọi con đường đều dẫn trở lại Trung Quốc và điều đó có ảnh hưởng lớn đến toàn bộ chuỗi cung ứng. Tình trạng tắc nghẽn tại một cảng hoặc nhà máy có tác động sâu rộng đến các cơ sở lân cận và lan ra khắp thế giới”.

Các đợt bùng phát Covid-19, thời tiết khắc nghiệt và sự tắc nghẽn lớn hơn trong mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu đã kéo dài thời gian giao hàng mà thông thường sẽ mất vài tuần đến hơn nửa năm.

Cảng Yantian ở Thâm Quyến đã bị đóng cửa vào tháng 5/2021 do một đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19, gây ra tắc nghẽn cho toàn bộ bờ biển phía Đông, từ đó gây ra hiệu ứng gợn sóng trên toàn bộ chuỗi cung ứng toàn cầu. Đầu tháng 8/2021, việc vận chuyển cũng phải chuyển hướng khỏi cảng Ninh Ba, cảng container đông đúc thứ ba trên thế giới sau khi một nhân viên tại cảng có kết quả dương tính với Covid-19.

Bên cạnh đó, bão và thời tiết khắc nghiệt đã làm cho vấn đề càng trở nên tồi tệ hơn. Vào tháng 7/2021, chiếc container bị mắc kẹt nói trên phải đối mặt với cơn bão In-Fa, cảng Thượng Hải và các cảng lân cận khác bị đóng cửa trong khoảng 4 ngày.

Glenn Koepke, Phó chủ tịch cấp cao của FourKites, một nhà cung cấp thông tin chuỗi cung ứng cho biết, sự chậm trễ có thể đạt mức cao nhất mọi thời đại trong những tuần tới nếu xu hướng này vẫn tiếp diễn.

Tuy nhiên, khi chiếc container phân bón cuối cùng cũng được vận chuyển đến Mỹ thì rủi ro vẫn chưa kết thúc. Thái Bình Dương có thể là một con đường nguy hiểm cho các thuyền trưởng chạy đua để hoàn thành thời hạn. Và khi hàng hóa đến bờ biển Bắc Mỹ một cách an toàn, sẽ có nhiều vấn đề đau đầu hơn đang chờ đợi.

Cửa ngõ thương mại lớn nhất của Mỹ với châu Á đã bị tắc nghẽn nghiêm trọng. Đầu tháng 8/2021, 35 con tàu đã neo đậu bên ngoài hai cảng Los Angeles và Long Beach, California để chờ cập bến. Trong khi đó, nhiều tàu đang được chuyển hướng đến Vancouver (Canada) cho kế hoạch dự phòng.

Tiếp theo là hành trình nội địa. Có thể mất thêm 1 - 3 tháng nữa để container đi từ cảng Bờ Tây đến Chicago bằng đường sắt hoặc xe tải.

Do đó, việc container mắc cạn dường như là cơn ác mộng tồi tệ nhất đối với bất kỳ ai tham gia vào thương mại toàn cầu.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục