Một số mỏ khí Việt Nam có thể ngưng cung cấp vào năm 2018

(ĐTCK) Bên cạnh giá dầu rơi mạnh, ngành dầu khí Việt Nam còn đối mặt với thách thức khác đến từ các mỏ khí khi sản lượng bắt đầu suy giảm.
Một số mỏ khí Việt Nam có thể ngưng cung cấp vào năm 2018

Vừa qua tại Hà Nội diễn ra Hội thảo Kế hoạch khai thác và những thách thức khi phát triển các nguồn khí tại Việt Nam giai đoạn đến năm 2025.

Hội thảo do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tổ chức đã đưa ra các bất hợp lý của ngành công nghiệp khí Việt Nam, đặc biệt là vấn đề giá khí. 

Các ban chuyên môn của PVN cho biết, ngành công nghiệp khí Việt Nam đang phải đối mặt với một số thách thức từ khai thác, phân phối đến giá khí.

Về khai thác, các mỏ khí của Việt Nam có giá trị khai thác, phân phối thấp (dưới 5 USD/m3 khí) đang bắt đầu suy giảm sản lượng, một số mỏ khí chuẩn bị đưa vào khai thác lại xa bờ và giá phân phối cao lên đến gần 10 USD/m3 khí.

Dự đoán đến năm 2018 các mỏ khí có giá thấp sẽ có thể suy giảm đến mức độ ngừng cung cấp khí cho toàn bộ các vùng Đông Nam bộ, Tây Nam bộ.

Ngành công nghiệp khí Việt Nam đang phải đối mặt với một số thách thức từ khai thác, phân phối đến giá khí.

Vì thế, cùng với việc phát triển các nguồn khí truyền thống trong nước, PVN còn thực hiện Dự án nhập khẩu khí LNG, đồng thời nghiên cứu khả năng mua khí thông qua đường ống dẫn khí Trans - Asean từ các nước lân cận cũng như lập phương án phát triển các nguồi khí phi truyền thống như khí than. Song song với việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng khí khu vực Nam Bộ, thị trường khí miền Bắc và miền Trung cũng đang được PVN xem xét, lên kế hoạch triển khai.

Tổng giám đốc PV Gas Dương Mạnh Sơn cho biết, khó khăn của các đơn vị đang gặp phải là vấn đề về giá khí khi giá dầu xuống thấp.

PV GAS đề nghị, nên xem xét thực hiện nhập khẩu LNG trong thời điểm giá dầu đang xuống thấp như hiện nay sẽ đem lại giá trị không nhỏ khi tiến hành phân phối cho các khách hàng tại Việt Nam.

Các chuyên gia ngành dầu khí đặc biệt nhấn mạnh, phải có một cơ chế về giá khí phân phối đến từng ngành tiêu dùng, từng vùng, từng khách hàng. Đồng thời, nên có sự cân bằng lợi ích giữa các bên từ nhà đầu tư khai thác, phân phối đến đơn vị tiêu dùng sao cho minh bạch, cân bằng và hợp lý. Có như vậy, mới thực hiện đúng theo quy hoạch ngành của Chính phủ và giải quyết vấn đề về giá.

Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực Việt Nam Nguyễn Duy Giang cũng cho biết: “Để chuẩn bị cho việc chào giá của thị trường điện cạnh tranh cần phải có một chính sách giá khí riêng cho từng khách hàng, từng khu vực. Chỉ có làm như vậy mới có thể phát điện cạnh tranh, giá thành minh bạch và lành mạnh về tài chính”.

Mai Hạnh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục