Câu hỏi:
Ông A là cổ đông của Công ty cổ phần B. Ông A làm đơn kiến nghị đến Công ty B về việc không nhận được thông báo mời họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên của Công ty, đồng thời không chấp nhận phiếu chuyển phát nhanh mà Công ty B đưa ra như là bằng chứng về việc đã gửi thư mời họp, cũng như tài liệu vì lý do là chữ ký giả mạo, nội dung phiếu không kê khai chi tiết, không có khối lượng, không cước phí… Do vậy, ông A đã làm đơn khởi kiện, yêu cầu tòa án hủy bỏ Nghị quyết ĐHCĐ thường niên 2016 của Công ty B. Xin hỏi, việc khiếu kiện của ông A có đúng luật?
Bà Nguyễn Thị Thùy Dương, Chuyên viên tư vấn Quản trị doanh nghiệp phụ trách EzGSM (ĐHCĐ trực tuyến), CTCP Chứng khoán FPT (FPTS):
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 139 Luật doanh nghiệp 2014 - Mời họp ĐHCĐ: “Thông báo được gửi bằng phương thức bảo đảm đến được địa chỉ liên lạc của cổ đông, đồng thời đăng trên trang thông tin điện tử của công ty và đăng báo hằng ngày của trung ương, hoặc địa phương, khi xét thấy cần thiết theo quy định của Điều lệ công ty”.
Như vậy, việc không nhận được thông báo mời họp cũng là một trong những lý do để cổ đông khiếu nại, hoặc khởi kiện doanh nghiệp do không đảm bảo quyền lợi cho cổ đông, không thực hiện đúng trình tự, thủ tục tổ chức họp ĐHCĐ.
Một số khuyến nghị cho công tác gửi thông báo mời họp ĐHCĐ:
Ngoài việc trực tiếp gửi thư mời họp cho cổ đông, doanh nghiệp nên:
- Công bố thư mời họp và các tài liệu phải gửi kèm thư mời họp lên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp, bên cạnh gửi thông báo cho các cổ đông;
- Gửi email, tin nhắn SMS… để thông báo với cổ đông về việc đã gửi thư mời họp;
- Kiểm tra phản hồi về việc cổ đông chưa nhận thư mời họp và các tài liệu kèm theo thư mời;
- Lưu giữ bằng chứng có xác nhận của đơn vị chuyển phát nhanh về việc cổ đông đã nhận được thông báo mời họp.