Một năm “được mùa” chính sách chứng khoán

(ĐTCK) “2015 là một năm ‘được mùa’ chính sách đối với lĩnh vực chứng khoán, trong đó có những quy định mang tính cải cách, giải tỏa những vướng mắc tồn tại trong nhiều năm qua…”, TSKH Nguyễn Thành Long, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chia sẻ với ĐTCK.
Với Thông tư 155/2015, nghĩa vụ công bố thông tin đặt ra nhiều hơn và chặt chẽ hơn đối với DN niêm yết Với Thông tư 155/2015, nghĩa vụ công bố thông tin đặt ra nhiều hơn và chặt chẽ hơn đối với DN niêm yết

Tính chất “được mùa” như ông nói bao hàm cả chất lượng và số lượng, hay thiên về số lượng văn bản được ban hành?

Được cả về chất lượng và số lượng. Các nội dung cải cách của chính sách hướng tới đa mục tiêu, tạo hiệu ứng tích cực lâu dài, bền vững. Trong đó nổi bật là về chất lượng, đặc biệt là Nghị định 60/2015 sửa đổi, bổ sung Nghị định 58/2012 hướng dẫn Luật Chứng khoán; Nghị định 42/2015/NĐ-CP quy định về chứng khoán phái sinh.

Có hai nội dung cải cách lớn tại Nghị định 60/2015. Thứ nhất, văn bản này định thêm các nguyên tắc về thúc đẩy tái cơ cấu DNNN, gắn cổ phần hóa, chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) với đăng ký niêm yết, giao dịch trên TTCK.

Điều này không chỉ đảm bảo tuân thủ theo thông lệ quốc tế, mà còn giải tỏa một nút thắt kéo dài suốt nhiều năm qua là NĐT sau khi mua cổ phiếu trong các đợt IPO, họ không biết giao dịch ở đâu và khi nào. Điều này làm xói mòn lòng tin của NĐT, gây khó khăn cho việc cổ phần hóa các DNNN, cũng như hoạt động IPO của các DN khu vực tư nhân.

Một năm “được mùa” chính sách chứng khoán ảnh 1

TSKH Nguyễn Thành Long
 

Thứ hai, Nghị định 60/2015 đã chính thức tạo cơ chế, hành lang pháp lý để các DN niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK Việt Nam được nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần cho NĐT nước ngoài (nới room). Đây là quy định mà thị trường, giới đầu tư trong và ngoài nước chờ đợi suốt nhiều năm qua.

Cơ chế này không chỉ đơn thuần tạo hiệu ứng thu hút vốn ngoại tham gia TTCK Việt Nam nhiều hơn, mà còn góp phần cải cách hoạt động của các DN, mở ra kênh huy động vốn mới cho các DN, gia tăng sức hấp dẫn cho TTCK Việt Nam trong bối cảnh đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt với các thị trường lân cận trong thu hút vốn ngoại…

Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đang nỗ lực phối hợp, tìm kiếm sự đồng thuận từ các Bộ, ngành liên quan để tháo gỡ tiếp các vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nới room trong năm tới.

Nghị định 42/2015/NĐ-CP tạo nền tảng để xây dựng một mảng mới của TTCK, đó là các sản phẩm phục vụ cho hoạt động phòng ngừa rủi ro. Việc triển khai sản phẩm này là cần thiết, trước mắt, giúp NĐT trên TTCK có thêm công cụ để phòng ngừa rủi ro, từ đó hạn chế sự biến động không đáng có trên TTCK và củng cố lòng tin cho NĐT.

Về lâu dài, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, cùng với nhu cầu giao thương quốc tế nhiều hơn, thị trường này còn cung cấp các sản phẩm giúp cho các nhà sản xuất, kinh doanh, các nhà xuất nhập khẩu có thêm công cụ để phòng ngừa rủi ro trong quá trình sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu. Từ đó gia tăng sức đề kháng cho nền kinh tế trước những cú sốc trên thị trường quốc tế về giá nguyên nhiên vật liệu, giá hàng hóa, tỷ giá…

Liên quan đến điểm cải cách thứ nhất như ông vừa chia sẻ, hiện có hàng nghìn công ty đại chúng chưa vào sàn. Với các quy định mới đang được triển khai, theo ông liệu có sự đột biến về số lượng DN lên sàn, nhất là lên UPCoM trong năm 2016?

Chỉ trong vòng 4 tháng sau khi triển khai Nghị định 60/2015, Bộ Tài chính, UBCK đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn về gắn hoạt động cổ phần hóa, IPO với đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK tập trung như: Thông tư 180/2015/TT-BTC hướng dẫn đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết, Quyết định 999/2015 của UBCK về Quy chế mẫu bán đấu giá cổ phần theo lô tại Sở GDCK.

Điều này không chỉ góp phần thúc đẩy tiến trình thoái vốn Nhà nước diễn ra nhanh hơn, minh bạch và công bằng hơn, mà còn tạo đột biến về số lượng DN đăng ký lên giao dịch trên sàn UPCoM. Tính đến giữa tháng 12/2015, đã có tới gần 100 công ty đăng ký giao dịch trên UPCoM, tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2014, nâng tổng số mã cổ phiếu đăng ký giao dịch lên 243 mã, với tổng giá trị 47.574 tỷ đồng, tăng 97% so với năm 2014…

Với tín hiệu tích cực trên, cộng với UBCK sẽ đề xuất một số chế tài mới đối với các DN đại chúng chây ì việc lên sàn trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 108/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, nên trong năm 2016 và các năm tới, hứa hẹn sẽ bùng nổ số lượng DN lên sàn.

Lượng hàng hóa tăng nhanh gây lo ngại khó đảm bảo chất lượng. UBCK có giải pháp nào để xử lý vấn đề này, thưa ông?

Vấn đề này được xử lý đồng bộ bởi nhiều quy định mới được áp dụng từ năm 2016 nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa trên TTCK. Đó là các quy định mới tại: Thông tư 155/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên TTCK; Thông tư 162/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn chào bán chứng khoán ra công chúng, chào bán cổ phiếu để hoán đổi, phát hành thêm cổ phiếu, mua lại cổ phiếu, bán cổ phiếu quỹ và chào mua công khai cổ phiếu; Thông tư 202/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về hoạt động niêm yết trên TTCK.

Với Thông tư 155/2015, nghĩa vụ công bố thông tin đặt ra nhiều hơn và chặt chẽ hơn đối với các DN niêm yết, đăng ký giao dịch. Nội hàm thông tin nhiều hơn, đối tượng thực hiện công bố thông tin nhiều hơn, nghĩa vụ công bố phải kịp thời hơn.

Ngoài ra, Thông tư còn có các cơ chế khuyến khích DN áp dụng các chuẩn cao hơn về minh bạch thông tin, nhằm hướng tới phát triển bền vững, tăng trưởng xanh - xu hướng đầu tư mới đang được giới đầu tư chuyên nghiệp quốc tế quan tâm, như là khuyến khích DN công bố thông tin bằng tiếng Anh, lập và công bố báo cáo phát triển bền vững theo chuẩn mực quốc tế…

Để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho NĐT tốt hơn, nhất là NĐT nhỏ lẻ, Thông tư 162/2015 đưa ra hai điểm mới quan trọng. Thứ nhất, buộc DN phải có xác nhận của kiểm toán về báo cáo sử dụng vốn huy động từ các đợt phát hành ra đại chúng, qua đó tăng thêm một kênh giám sát, đảm bảo việc DN sử dụng vốn hiệu quả nhất. Thứ hai, tạo cơ chế cho NĐT kiểm soát tốt hơn các hoạt động chào bán riêng lẻ của công ty đại chúng. Ví dụ, tỷ lệ hoán đổi phải được ĐHCĐ phê duyệt sau khi đã có ý kiến của tổ chức kiểm toán...

Với Thông tư 202/2015, các quy định mới sẽ ngăn ngừa việc lợi dụng hoạt động hợp nhất, sáp nhập, hoán đổi cổ phiếu để đưa lên sàn các DN không đảm bảo chất lượng. Quy định mới này sẽ ngăn ngừa tình trạng chẳng hạn: một DN chỉ có vốn 50-70 tỷ đồng đang niêm yết, nhưng tiến hành hợp nhất, sáp nhập với một DN ngoài sàn có vốn lên đến 500-1.000 tỷ đồng (không qua kiểm toán), từ đó gây nguy cơ đưa DN có giá trị “ảo” lên sàn, dẫn đến rủi ro cho NĐT.

Ngoài ra, Thông tư 202/2015 buộc công ty ngoài sàn phải kiểm toán báo cáo tài chính trước khi hợp nhất, sáp nhập. Trong trường hợp số lượng cổ phiếu hoán đổi quá lớn dẫn đến tỷ lệ pha loãng cao, thì phải sau một năm hợp nhất, sáp nhập, DN mới được đăng ký niêm yết trở lại… Đồng thời tỷ lệ hoán đổi phải được ĐHCĐ phê duyệt sau khi đã có ý kiến của tổ chức kiểm toán.

Hữu Hòe thực hiện

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục