Cụ thể, trong thời hạn tối đa 90 ngày kể từ ngày kết thúc IPO, tổ chức phát hành phải hoàn tất các thủ tục để đăng ký lưu ký cổ phiếu tại Trung tâm Lưu ký (VSD) và đăng ký giao dịch trên UPCoM.
Với quy định mới trên, khoảng cách kể từ khi DNNN hoàn tất IPO đến đăng ký giao dịch trên UPCoM được rút ngắn đáng kể so với quy định hiện hành.
Trước đó, theo Quyết định 51/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK của DNNN, thì trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký, DN CPH phải hoàn tất thủ tục đăng ký công ty đại chúng, đăng ký cổ phiếu để lưu ký tập trung tại VSD và đăng ký giao dịch trên UPCoM.
Quyết định 51/2014 là văn bản đầu tiên khống chế thời gian DNNN sau IPO phải đăng ký giao dịch trên UPCoM, nhưng cải cách như vậy là chưa đủ. Cùng là thời hạn 90 ngày, vẫn có sự khác biệt khá lớn giữa việc tính từ ngày kết thúc đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng và từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký DN, các DN phải đăng ký giao dịch trên UPCoM.
Trên thực tế, không ít DN sau IPO, khoảng thời gian làm thủ tục để được cấp giấy chứng nhận đăng ký DN kéo dài, nên nếu tính từ thời điểm được cấp giấy này cho đến khi đăng ký giao dịch trên UPCoM, thì sau IPO không phải 3 tháng, mà có khi cả năm trời. Điều này khiến NĐT bức xúc, bởi sau khi bỏ tiền ra mua cổ phiếu trong các đợt IPO DNNN, cổ phiếu của họ bị “nằm chết” cả năm không được giao dịch, chịu nhiều rủi ro. Hệ quả là NĐT không mặn mà tham gia các đợt IPO, trong khi Chính phủ đang muốn hoàn thành CPH hơn 200 DN từ nay đến cuối năm 2015.
Không chỉ rút ngắn khoảng cách kể từ khi DN IPO đến đăng ký giao dịch trên UPCoM, Nghị định 60/2015, cũng như dự thảo Thông tư hướng dẫn văn bản này mà UBCK vừa công bố lấy ý kiến các thành viên thị trường, còn “khóa” thời hạn đăng ký giao dịch cổ phiếu phát hành bổ sung với các DN đã đăng giao dịch trên UPCoM, vốn đang bị bỏ ngỏ. Theo đó, DN chào bán cổ phiếu ra công chúng phải đăng ký giao dịch trên UPCoM trong thời hạn tối đa 30 ngày kể từ ngày kết thúc đợt chào bán chứng khoán ra công chúng…
Thiết nghĩ, những quy định nói trên là rất tiến bộ. Tuy nhiên, nếu thiếu chế tài, quy định đó sẽ khó được nghiêm túc thực hiện như đầy rẫy những ví dụ minh chứng trên thị trường. Bởi vậy, chế tài này cần được cụ thể hóa vào dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 108/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK, mà UBCK có kế hoạch xây dựng trong 6 tháng cuối năm nay.