Doanh nghiệp dồn dập khảo sát
Ngày 19/3 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Bình và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã tổ chức buổi gặp gỡ với các nhà đầu tư tiềm năng có nhu cầu đầu tư vào tỉnh Quảng Bình. Đây là hoạt động chuẩn bị cho Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào tỉnh Quảng Bình lần thứ nhất do hai bên phối hợp tổ chức vào ngày 5/4/2014.
Tại buổi gặp, ông Đặng Minh Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Sun Group cho biết, suốt 2 tháng nay, Sun Group đã tiến hành nhiều cuộc khảo sát tại Quảng Bình. Cuối tháng 3, đầu tháng 4 tới, Tập đoàn sẽ tổ chức tiếp một đoàn khảo sát nữa với sự tham gia của tư vấn nước ngoài, để đánh giá tiềm năng du lịch của tỉnh. Lãnh đạo Sun Group cũng bày tỏ quyết tâm và mong muốn được đầu tư vào lĩnh vực du lịch tại Quảng Bình.
Tương tự, ông Phạm Duy Hạnh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Vinatex cho biết, ngoài một số dự án đã có, sắp tới, Tập đoàn sẽ xây dựng một số nhà máy may mặc tại Lệ Thủy (Quảng Trạch, Quảng Bình). Vinatex cũng đề nghị Quảng Bình tạo điều kiện đất đai, ít nhất 500 ha để đầu tư thí điểm vùng nguyên liệu bông theo công nghệ mới của Israel.
Trước đề nghị của Vinatex, ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình khẳng định, Quảng Bình có hàng ngàn héc-ta đất cát ven biển không thể đưa vào sản xuất, mà chỉ trồng rừng phòng hộ (chủ yếu là phi lao) để chắn cát. Vì vậy, sắp tới, tỉnh sẽ làm việc với Chính phủ để chuyển đổi một phần đất rừng phòng hộ sang trồng bông.
Cũng rất quan tâm đến thị trường Quảng Bình, ông Vũ Phạm Nguyên Tùng, Giám đốc phát triển của VietJet Air cho biết, Tập đoàn đã tiếp xúc nhiều lần với UBND tỉnh Quảng Bình, đồng thời rà soát tần suất bay và lượng khách đến Đồng Hới để chuẩn bị khai thác tuyến bay TP.HCM - Đồng Hới. “Hiện chúng tôi có 11 máy bay, sắp tới, sẽ về thêm 7 máy bay nữa. Chính vì vậy, không đợi tỉnh kêu gọi, chúng tôi cũng phải tìm đường bay để phát triển. Chúng tôi đang phấn đấu để khai thác đường bay TP.HCM - Đồng Hới trong khoảng tháng 5, tháng 6 tới”, ông Tùng nói.
Ngoài Vinatex, Sun Group, Viet Jet Air, nhiều nhà đầu tư cũng bày tỏ mong muốn và cam kết đầu tư vào Quảng Bình. Đơn cử như Habeco (tăng công suất nhà máy bia hiện có); Petro Lào (dự án đầu tư khu công nghiệp cảng biển, kho ngoại quan, đương ống dẫn dầu từ Việt Nam sang Lào; FLC (dự án Hòn La II); Tập đoàn Trường Thịnh (đầu tư Khu đô thị Bảo Ninh), HB (xây dựng nhà máy đá ốp lát, cấp phép nhà máy thu nhiệt)...
Tỉnh bắt tay ngân hàng trải thảm đỏ
Ông Nguyễn Hữu Hoài cho biết, tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện ưu đãi nhất đối với nhà đầu tư. Ngoài các ưu đãi cao nhất trong khung Chính phủ cho phép, tỉnh còn có thêm nhiều ưu đãi về giải phóng mặt bằng (tạo đất sạch, hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng 500 triệu đồng - 1 tỷ đồng), hỗ trợ đào tạo nhân lực, cơ sở hạ tầng.
Được biết, trước khi sự kiện này diễn ra, đích thân lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã “gõ cửa”, gặp gỡ nhiều doanh nghiệp lớn để mời gọi đầu tư. Theo đó, rất nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã tổ chức các đoàn khảo sát để tìm hiểu khả năng đầu tư vào tỉnh miền Trung này.
Ông Đặng Xuân Quang, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khẳng định, Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Quảng Bình là cơ hội tốt để Quảng Bình giới thiệu tiềm năng, lợi thế tới nhà đầu tư. Cục Đầu tư nước ngoài cũng cam kết vận động các nhà đầu tư nước ngoài tham gia tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Quảng Bình.
“Đầu tư FDI vào Quảng Bình thời gian qua còn hạn chế. Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Quảng Bình ngày 5/4 tới, Cục Đầu tư nước ngoài cam kết vận động các nhà đầu tư FDI lớn đã đầu tư tại Việt Nam, cũng như các nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam đến Quảng Bình”, ông Quang nói.
Là đối tác đồng hành với địa phương, ông Phan Đức Tú, Tổng giám đốc BIDV cũng khẳng định, nhà đầu tư rót vốn vào Quảng Bình sẽ được BIDV cho vay với lãi suất ưu đãi nhất, thời hạn dài nhất. Phía BIDV và UBND tỉnh Quảng Bình kỳ vọng, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Quảng Bình được tổ chức lần đầu tiên ngày 5/4 tới đây, sẽ có ít nhất 7-8 thỏa thuận về nguyên tắc sẽ được ký kết giữa các nhà đầu tư và UBND tỉnh Quảng Bình.