Một kỷ niệm làm “mai mối” cho doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Công việc hàng ngày không chỉ là khai thác và cung cấp thông tin cho độc giả, mà trong thời gian qua, phóng viên còn đóng vai trò là “ông mai, bà mối” cho các doanh nghiệp.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng, cung - cầu không dễ gặp nhau. Trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng, cung - cầu không dễ gặp nhau.

Từ chức năng thông tin…

Là phóng viên một tờ báo kinh tế và được phân giao theo dõi mảng bất động sản, tôi thường hay liên hệ với các tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp. Phần vì để trao đổi thông tin liên quan đến bài viết, phần là để giúp doanh nghiệp, doanh nhân nói lên được tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của bản thân khi gặp khúc mắc.

Chẳng hạn, khi Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 44/2014/NĐ-CP đề xuất sửa đổi, bổ sung phương pháp định giá đất, giảm 2 phương pháp định giá đất khi lồng ghép phương pháp chiết trừ vào phương pháp so sánh, đồng thời không sử dụng phương pháp thặng dư, lãnh đạo một số doanh nghiệp cho rằng, như vậy có thể làm gia tăng khó khăn cho công tác định giá đất.

Trao đổi nhanh với một chuyên gia về vấn đề định giá, vị này nhận định, công tác định giá đất vốn dĩ đã rất phức tạp, nếu việc sửa đổi các quy định không được nghiên cứu kỹ sẽ dẫn đến hệ lụy là nhiều phân khúc của thị trường bất động sản nói chung và các dự án đầu tư có liên quan đến đất đai nói riêng sẽ không được định giá phù hợp, gây ra tình trạng tắc nghẽn thị trường trong điều kiện Việt Nam đang có nhu cầu phát triển dự án rất lớn.

Báo chí nói chung, phóng viên nói riêng còn đóng vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với nhà đầu tư để tạo đầu ra cho sản phẩm.

Nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề và nỗi lo của các doanh nghiệp bất động sản, Báo Đầu tư đã nhanh chóng “huy động lực lượng” để tổ chức một cuộc hội thảo khoa học với chủ đề: “Định giá đất phù hợp để khơi thông dự án”. Các chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp tham gia đã tập trung thảo luận các phương pháp định giá đất để kiến nghị giải pháp tối ưu.

Các doanh nghiệp kỳ vọng, cùng với sự lên tiếng của nhiều chuyên gia, tổ chức nghiên cứu khác, các phương pháp định giá đất sẽ ngày càng hoàn thiện và được quy định rõ ràng trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), qua đó trút bỏ được nỗi lo về việc định giá đất, nhất là khi Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường bổ sung vào dự thảo Luật các quy định về nguyên tắc, điều kiện áp dụng, phương pháp định giá đất đang áp dụng phổ biến như so sánh, thu nhập, thặng dư, hệ số.

Việc bổ sung này cần dựa trên đánh giá khách quan nguyên nhân tồn tại từng phương pháp, điều kiện áp dụng để không xảy ra khoảng trống, dẫn tới ách tắc, ảnh hưởng môi trường đầu tư, kinh doanh.

… tới vai trò cầu nối

Ngoài chức năng cập nhật thông tin và phản biện xây dựng chính sách, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, các nhà báo còn có thể đóng vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với nhà đầu tư để tạo đầu ra cho sản phẩm.

Đơn cử, một doanh nghiệp địa ốc có trụ sở tại huyện Bình Chánh, TP.HCM gần đây triển khai dự án mới tại tỉnh Bình Phước, với quy mô hơn 200 lô đất nền. Vấn đề pháp lý đã được hoàn thiện, thậm chí chủ đầu tư còn cẩn thận tách sổ riêng từng nền để dễ “chào hàng”, nhưng do hơn 1 năm trước đó ở trong tình trạng “cầm cự” vì thị trường gặp khủng hoảng, việc bán hàng trở lại gặp nhiều khó khăn.

“Do công ty không có hàng để bán trong thời gian dài nên hầu hết nhân viên kinh doanh cốt lõi đã xin nghỉ việc. Khi triển khai dự án mới, chúng tôi không dám tuyển dụng ồ ạt trở lại, vì sợ không gánh nổi chi phí để nuôi quân. Trong khi đó, kinh phí quảng cáo không nhiều, nên việc bán hàng rất chậm”, vị lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, sau đó ngỏ lời: “Em có quen sàn giao dịch nào chuyên về phân khúc đất nền thì giới thiệu giúp anh, chứ tình trạng này mà kéo dài là rất căng thẳng”.

Người viết nhanh chóng liên hệ với các sàn giao dịch bất động sản nhằm mục đích kết nối cho doanh nghiệp. Sau những cuộc trao đổi thông tin qua lại thì doanh nghiệp đã “bắt tay” với một công ty môi giới có trụ sở tại Bình Dương. Với sự am hiểu thị trường và có sẵn lực lượng môi giới “tinh nhuệ”, nhiều lô đất tại dự án đã tìm được chủ.

“Nhờ những sản phẩm được bán trong thời gian này mà doanh nghiệp có chi phí để duy trì hoạt động, đồng thời có ngân sách để chuẩn bị triển khai dự án tiếp theo”, vị lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ.

Mới đây, khi liên hệ lại với doanh nghiệp để phỏng vấn cho một bài viết, vị lãnh đạo doanh nghiệp trên hồ hởi khoe: “Dự án ở Bình Phước đã bán gần hết, hiện tại, doanh nghiệp đã vượt qua giai đoạn khó khăn và đang triển khai dự án mới tại tỉnh Đồng Nai”.

“Nếu em có nhu cầu mua để ở hay để đầu tư thì công ty sẽ chiết khấu 10% so với giá bán thị trường”, vị CEO nói.

Dù lời mời chào rất hấp dẫn và chân thành, nhưng người viết không dám nhận, vì nguồn tài chính eo hẹp và khu đất ở quá xa so với nơi làm việc. Song qua những lần như vậy, người làm “nghề viết” như tôi nhận được một thứ quý giá hơn tiền, đó chính là niềm tin của các doanh nghiệp. Đó chính là “tài sản” quý giá trong chặng đường tác nghiệp tới đây.

Việt Dũng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục