Một ASEAN Thống nhất trong hành động ứng phó với COVID- 19

Hành động táo bạo và quyết đoán của một ASEAN gắn kết và thích ứng sẽ giúp khu vực 600 triệu dân này vượt qua những thách thức của đại dịch COVID -19 - Bà Lan Mercado, Giám đốc Khu vực, Oxfam tại Châu Á đưa ra những quan điểm phân tích về vấn đề này.
Bà Lan Mercado, Giám đốc Khu vực, Oxfam tại Châu Á. Bà Lan Mercado, Giám đốc Khu vực, Oxfam tại Châu Á.

Số ca nhiễm COVID-19 trong khu vực ASEAN đã vượt qua con số 10.000 vào đầu tuần này. Với tình hình số ca nhiễm tiếp tục tăng từng ngày, cộng đồng ASEAN với gần 650 triệu dân đang chứng kiến số ca nhiễm tăng lên hàng ngày. Cuộc sống của người dân và nền kinh tế của cả khối ASEAN đang phải hứng chịu những ảnh hưởng nặng nề ngày một gia tăng.

Tuyên bố của chủ tịch ASEAN cuối tháng 2/2020 đã kêu gọi “một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” trong việc ứng phó với dịch COVID-19. Tuyên bố nhấn mạnh sự cần thiết phải hành động cùng nhau để ASEAN có thể vượt qua cuộc khủng hoảng này thành công.

Đã đến lúc phải hành động

Indonesia đang kêu gọi một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt cấp khu vực về chiến lược ứng phó với COVID-19. Công việc cấp thiết hiện nay là phải đưa ra được một kế hoạch rõ ràng và nhanh chóng, nhằm giải quyết các nhu cầu về sức khỏe, nhân đạo, xã hội và kinh tế của người dân ASEAN, phù hợp với phương châm “nỗ lực tập thể trong việc hạn chế sự lây lan của dịch bệnh” như đã nêu trong tuyên bố của Chủ tịch ASEAN.

Cơ sở hạ tầng y tế hiện có ở nhiều quốc gia thành viên, vốn quá quen thuộc với hình ảnh bệnh nhân phải xếp hàng dài chờ đợi và chất lượng dịch vụ thấp, sẽ cần được cải thiện đáng kể để đối phó với đại dịch. Tại 5 quốc gia đông dân nhất khu vực, tỷ lệ bác sĩ trên 1.000 người dân hiện ở mức 0,8, và người bệnh đang phải chi trả trung binh  44% chi phí khám chữa bệnh.

Tình hình hiện tại vẽ nên một bức tranh ảm đạm cho hơn 36 triệu người ở Đông Nam Á đang sống trong nghèo đói cùng cực (thu nhập dưới 1,90 Đô la mỗi ngày). Sự thiếu hụt 20% thu nhập do cuộc khủng hoảng hiện tại có thể đẩy 60 triệu người ở Đông Á và Thái Bình Dương vào tình trạng nghèo đói cùng cực và 160 triệu người khác tồn tại chật vật với ít hơn 3,2 USD mỗi ngày.

Cuộc khủng hoảng thậm chí sẽ tác động nghiêm trọng hơn đến những người đang phải vật lộn với nghèo đói, nhóm dễ bị tổn thương và phân biệt đối xử. Bởi lẽ, họ không những sẽ phải xoay sở khó khăn để được tiếp cận với dịch vụ y tế chất lượng tốt, mà nguy cơ khiến họ là nhóm đầu tiên hứng chịu những hệ quả của cuộc khủng hoảng kinh tế cũng lớn hơn. Người lao động phi chính thức chủ yếu nhận lương theo ngày, trong đó phụ nữ và trẻ em gái sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Tuy nhiên, do tính chất nguy hiểm và không loại trừ ai của đại dịch, không người nào trong số chúng ta, không cộng đồng, quốc gia hay khu vực nào được an toàn trừ khi tất cả chúng ta được an toàn. Do đó, chúng ta phải chung tay hành động và ASEAN là nền tảng trong đối phó với dịch bệnh. Việc giải quyết các vấn đề về giới, bất bình đẳng và kinh tế là vô cùng cấp thiết trong việc kiểm soát COVID-19. Việc ưu tiên hỗ trợ cho những người có rủi ro cao nhất, bao gồm những đội ngũ tuyến đầu chống dịch, nhân viên chăm sóc sức khỏe chủ yếu là phụ nữ, người di cư và người tị nạn là cấp thiết đối với sự phục hồi nhanh chóng cho tất cả chúng ta.

Chúng ta có thể học hỏi từ thành công của các quốc gia thành viên. Số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy các quốc gia có hệ thống y tế công cộng tốt hơn như Singapore, Thái Lan và Việt Nam thành công hơn trong việc quản lý các ca nhiễm, trong khi Indonesia đã phải tăng chi tiêu y tế lên tới 4,5 tỷ USD. Là một phần của gói hỗ trợ kinh tế trị giá 150 tỷ USD cho đến nay, Malaysia, Philippines, Singapore và Việt Nam là những quốc gia tiên phong trong khối ASEAN có những gói an sinh xã hội quan trọng.

Hành động nhanh chóng, tính đến nhu cầu của tất cả mọi người, đặc biệt là những người có khả năng bị ảnh hưởng nặng nề hơn, sẽ thể hiện cam kết của ASEAN về “một môi trường hòa bình, an toàn và hạnh phúc cho người dân.” Sự phục hồi từ đại dịch và tương lai của các quốc gia thành viên ASEAN phụ thuộc vào hành động quyết định của “cam kết ASEAN nhằm ứng phó với sự bùng nổ của COVID-19.”

Những việc cần làm ngay

Để thực hiện các cam kết và bảo vệ cuộc sống, đảm bảo an sinh cho người dân, ASEAN cần:

    Hành động đoàn kết và trở thành một nền tảng để chia sẻ kiến thức rộng rãi và điều phối chính sách gắn kết. 

        Triển khai các hành động ứng phó được đầu tư nguồn lực tốt, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau, thông qua Quỹ Ứng phó Khẩn cấp COVID của ASEAN từ các khoản đóng góp của các quốc gia thành viên và đối tác đối thoại. Tăng cường năng lực của các quốc gia có hệ thống y tế công cộng yếu hơn để bảo vệ toàn bộ ASEAN.

            Thiết lập các khuôn khổ mạnh hơn và các cấu trúc công bằng và minh bạch để đối phó với các rủi ro xuyên biên giới hiện nay và để ngăn chặn các đại dịch trong tương lai của khu vực. 

                Hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ và người lao động bằng cách huy động các nguồn lực từ các tổ chức tài chính để đối phó với khủng hoảng và phục hồi. 

                  Trong nỗ lực chung, mỗi quốc gia thành viên của ASEAN cũng phải ngay lập tức:

                    Nâng cấp trang thiết bị xét nghiệm và điều trị; đảm bảo những người có nhu cầu, đặc biệt là các cộng đồng nghèo và dễ bị tổn thương được tiếp cận.  

                        Đảm bảo nhân viên chăm sóc sức khỏe và những người ở tuyến đầu chống dịch được bảo vệ, có thiết bị và hỗ trợ đầy đủ để thực hiện các dịch vụ thiết yếu.

                            Đảm bảo tất cả những người bị ảnh hưởng, đặc biệt là các cộng đồng bị cách ly, có đủ thực phẩm và nhu yếu phẩm. Tất cả người lao động mất thu nhập cần được bảo trợ xã hội.

                                Thực hiện các giải pháp để đảm bảo nhu cầu bảo vệ và phúc lợi của người lao động di cư, lao động bị mất việc làm và các nhóm bị thiệt thòi khác. 

                                    Thực hiện các biện pháp thúc đẩy tiếng nói, tinh thần tự chủ và lãnh đạo của nữ giới, hỗ trợ thực hiện bình đẳng giới đối với phụ nữ, và ngăn chặn bạo lực trên cơ sở giới. 

                                      Huy động các tổ chức xã hội dân sự trong việc đánh giá tác động và triển khai các biện pháp ứng phó để đáp ứng nhu cầu của các nhóm dễ bị tổn thương.

                                        Gắn kết và thích ứng

                                        ASEAN sẽ được hưởng lợi từ việc tăng cường cơ chế liên minh qua quá trình ứng phó mạnh mẽ với đại dịch này. Trong tuyên bố của Chủ tịch ASEAN, ngành Y tế được giao nhiệm vụ điều phối xuyên biên giới (như dịch vụ lãnh sự và vận chuyển). Tuy nhiên, một phương án phối hợp và toàn diện có cân nhắc tất cả các khía cạnh về sức khỏe và an toàn của người dân ASEAN cần được đặt ưu tiên cao. Trung tâm Điều phối Hỗ trợ Nhân đạo ASEAN (AHA) đã được ủy nhiệm và có mạng lưới đối tác đủ để có thể triển khai phản ứng khẩn cấp.

                                        Ngành Y tế ASEAN và trung tâm AHA đóng vai trò nòng cốt trong việc điều phối khu vực và phối hợp các nước thành viên để đối phó với dịch COVID-19. Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN cần chứng tỏ vai trò một đối tác hữu ích trong việc thu hút khối tư nhân cung cấp các dịch vụ và thiết bị thiết yếu cũng như hỗ trợ người lao động bị mất việc làm trong chuỗi giá trị của họ.

                                        Hội đồng điều phối ASEAN đã được giao nhiệm vụ theo dõi phản ứng toàn thể của ASEAN trong việc đối phó với dịch COVID-19, trình bày các khuyến nghị và báo cáo cho Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 vào tháng 6. Để ngăn chặn sự lây lan và dập tắt dịch COVID-19 và xa hơn nữa, Hội đồng điều phối ASEAN phải xem xét quan điểm của các cộng đồng bị ảnh hưởng, nhóm phản ứng khẩn cấp, xã hội dân sự và các tổ chức quyền phụ nữ, và các đối tác khác trong khu vực.

                                        Sát cánh cùng nhau để ứng phó với đại dịch, đằng sau đó là việc thiết lập Quỹ Ứng phó Khẩn cấp, đi cùng những chính sách đúng đắn, hợp tác cởi mở và trung thực sẽ tạo nên một bước tiến lớn trong việc ngăn chặn sự bùng phát dịch COVID-19, đặc biệt là đối với các quốc gia thành viên kém phát triển nhất ASEAN cũng như các cộng đồng bị thiệt thòi nhất.

                                        ASEAN đóng vai trò vô cùng to lớn trong việc cứu giúp hàng triệu người. Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 36 dự định diễn ra vào ngày 8-9 tháng 4 đã phải lùi lại do bệnh dịch. Chỉ khi hành động táo bạo và quyết đoán, chúng ta mới có thể ngăn chặn thảm họa này và đảm bảo một cộng đồng Đông Nam Á bền vững, an toàn và bình đẳng hơn.

                                        Phương Hảo
                                        baodautu.vn

                                        Tin liên quan

                                        Tin cùng chuyên mục