Bất chấp những bất ổn của nền kinh tế toàn cầu, ASEAN có một triển vọng tươi sáng với GDP dự kiến vượt 4.000 tỷ USD vào năm 2023 và có khả năng trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới vào năm 2030.
Tăng cường kết nối, cả trên phương diện hạ tầng lẫn môi trường số, để thúc đẩy hội nhập và giao thương giữa các nền kinh tế trong khối là chìa khóa mang đến sự thịnh vượng của ASEAN trong tương lai.
Thành công trong dài hạn của ASEAN cũng phụ thuộc vào phát triển bền vững. Từ trái phiếu xanh đến các khoản vay hợp vốn, ASEAN sẽ cần các giải pháp tài chính sáng tạo để thúc đẩy hoạt động kinh doanh, tạo dựng công ăn việc làm và tăng trưởng một cách bền vững.
Hướng tới một khu vực mậu dịch chung
Ông Nirukt Sapru, Tổng giám đốc Việt Nam và nhóm 5 nước ASEAN và Nam Á, Ngân hàng Standard Chartered.
Một giải pháp để ASEAN cải thiện hơn nữa hoạt động thương mại và năng lực kết nối là tăng cường hiệu quả của khu vực mậu dịch tự do, từ đó tạo ra sự bình đẳng về tiếp cận hàng hóa và dịch vụ cho tất cả các quốc gia thành viên.
Liên minh Châu Âu (EU) - khối thương mại lớn nhất thế giới và đối tác thương mại hàng đầu của 80 quốc gia - đã cho thấy một minh chứng rõ ràng về những lợi ích mang lại cho các nước thành viên từ việc giảm thiểu các rào cản thương mại, thủ tục giấy tờ, và điều chỉnh hài hòa các tiêu chuẩn trong khối.
Hài hòa các quy định về đầu tư trực tiếp từ nước ngoài giữa các quốc gia ASEAN có thể là một ý tưởng khởi đầu tốt.
Việc đồng bộ các quy định và khung pháp lý về đầu tư sẽ giúp ASEAN trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư trong khối, cũng như ngoài khối.
Để hàng hóa và dịch vụ có thể lưu thông tự do, kết nối hạ tầng hiệu quả đóng một vai trò quan trọng.
Các chính phủ ASEAN đã xác định hạ tầng giao thông là yếu tố then chốt để phát triển kinh tế và tăng cường năng lực cạnh tranh thương mại.
Một khi hoạt động giao nhận có thể tiếp cận tới mọi ngóc ngách trong khu vực sẽ mang tạo ra tiềm năng tăng trưởng vượt bậc về thương mại.
ASEAN cần một sự kết nối hiệu quả trên môi trường số. Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới, ASEAN đang là thị trường phát triển Internet nhanh nhất thế giới, với nền kinh tế số dự kiến sẽ đóng góp 1.000 tỷ USD vào GDP của khu vực trong 10 năm tới.
Để hiện thực hóa tiềm năng này, các chính phủ ASEAN cần xây dựng những chính sách liên lãnh thổ cho lĩnh vực viễn thông, để từ đó giúp cho khu vực này nắm bắt tốt hơn các cơ hội do nền kinh tế số mang lại.
Những ý tưởng trên phải được xây dựng dựa trên cơ sở phát triển bền vững của các nền kinh tế và doanh nghiệp tại ASEAN.
Các doanh nghiệp cần tận dụng tối đã những giải pháp tài chính sáng tạo để phục vụ mục tiêu phát triển và tăng trưởng.
Lấy Công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (Gelex), đơn vị tiên phong trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam làm ví dụ.
Vào tháng 1/2020, Ngân hàng Standard Chartered đã phân phối thành công 1.150 tỷ đồng (tương đương 50 triệu USD) trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Gelex để cấp vốn cho dự án năng lượng mặt trời của doanh nghiệp.
Bên cạnh cấp vốn cho mục tiêu phát triển bền vững, đợt phát hành còn là một minh chứng cho những lợi ích mà sự hợp tác trong ASEAN mang lại cho các doanh nghiệp trong quá trình hiện thực hóa các mục tiêu và tham vọng.
Đợt phát hành được bảo lãnh bởi CGIF, quỹ đầu tư tín thác do ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc (ASEAN+3) phối hợp với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) thành lập để hỗ trợ các giao dịch phát hành trái phiếu bằng nội tệ.
Việt Nam ở vị thế tiên phong
Nằm ở vị trí chiến lược trong khu vực, Việt Nam đang đi tiên phong trong thúc đẩy hoạt động thương mại và phát triển bền vững thông qua vai trò Chủ tịch ASEAN.
Với chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng”, năm chủ tịch ASEAN đặt trọng tâm vào thúc đẩy hội nhập kinh tế và kết nối khu vực, bên cạnh những khía cạnh khác. Đáng chú ý, Việt Nam đang đi đầu trong nhiều lĩnh vực.
Đơn cử, theo Báo cáo Trade 20 do Standard Chartered phát hành, Việt Nam đang có những bước tiến mạnh mẽ nhất so với các nền kinh tế trong ASEAN về tiềm năng tăng trưởng thương mại nhờ những cải thiện về cơ sở hạ tầng và điều kiện kinh doanh.
Trong khi đó, Chính phủ cũng thực hiện những sáng kiến để phát triển thương mại và cơ sở hạ tầng, bao gồm việc ký kết thỏa thuận thương mại tự do với EU và ban hành luật mới để khuyến khích sự hợp tác giữa khu vực nhà nước và tư nhân.
Việt Nam cũng đưa ra kế hoạch xây dựng một nền kinh tế số hàng đầu khu vực vào năm 2030.
Đáng chú ý, Việt Nam đang chú trọng vào tăng trưởng bền vững. Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại thúc đẩy tín dụng xanh cho các dự án có mục đích rõ ràng về bảo vệ môi trường và khuyến khích các hoạt động kinh doanh thân thiện với môi trường.
Hiện thực hóa tiềm năng của ASEAN
Để ASEAN có thể hiện thực hóa tiềm năng, các quốc gia thành viên cần không ngừng nỗ lực thực hiện các chính sách hướng đến tầm nhìn chung của khối.
Các chính phủ và doanh nghiệp cũng cần hợp tác chặt chẽ để tận dụng hiệu quả các cơ hội trong khu vực.
Là ngân hàng duy nhất hoạt động trên tất cả 10 thị trường ASEAN và có lịch sử hơn một thế kỷ hiện diện tại Việt Nam, Standard Chartered hiểu rõ vai trò của mình trong việc giúp Chính phủ Việt Nam đạt được các mục tiêu trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 , cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp đạt được tiềm năng tăng trưởng.
Ngân hàng tiếp tục tập trung vào các giải pháp tài chính sáng tạo để hỗ trợ ASEAN và các doanh nghiệp hiện thực hóa sứ mệnh và mục tiêu của mình.
Bằng cách tăng cường hội nhập thông qua các quy định hài hòa về thương mại và cơ sở hạ tầng, đồng thời thúc đấy phát triển bền vững, ASEAN sẽ kiến tạo một môi trường thuận lợi cho sự phát triển của người dân và doanh nghiệp.