Cuộc thăm dò này cho thấy, tỷ phú 86 tuổi được đánh giá cao trong mắt các nhân công bởi triết lý kinh doanh, phong cách quản lý của ông cũng như tình hình hoạt động hiệu quả với khả năng sinh lời cao của tập đoàn mà ông sở hữu.
Khởi nghiệp ở tuổi 50
Morris Chang sinh năm 1931 tại Ninh Ba, một thành phố ven biển Trung Quốc. Sau đó, ông tới Harvard và Học viện Công nghệ Massachusetts để học chuyên ngành kỹ thuật cơ khí.
Tới năm 1955, Chang tìm được công việc đầu tiên của mình tại Sylvania Semiconductor. Sau đó, ông làm nhân viên cho Texas Instrument suốt 25 năm, được công ty cử đi học Tiến sỹ tại Stanford trước khi quay lại quê nhà khởi nghiệp.
Năm 1987, Chang thành lập TSMC khi đã ngoài 50 tuổi. Ông chính là người tiên phong trong việc xây dựng một nhà máy sản xuất con chip theo yêu cầu của khách hàng trên toàn thế giới. Trong khi những gã khổng lồ từ Intel đến Fairchaild Semiconductor đều nhận sản xuất chip trọn gói, thì TSMC lại sản xuất chip cho cả những công ty như Qualcomm, Broadcom và Nvidia - những đơn vị tập trung vào thiết kế và chuyển phần sản xuất cho công ty của Chang.
Trở thành tỷ phú ở tuổi 86
Qua ba thập kỷ, Chang đã biến TSMC trở thành nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới với giá trị thị trường 190 tỷ USD. TSMC cũng là công ty có giá trị thị trường lớn nhất tại sàn giao dịch chứng khoán Đài Loan. Trong năm vừa qua, giá cổ phiếu của TSMC đã tăng gần 25%, giúp Morris Chang trở thành tỷ phú ở tuổi 86 với khối tài sản vượt ngưỡng 1 tỷ USD, theo Chỉ số tỷ phú của Bloomberg.
Giá cổ phiếu TSMC tăng mạnh do giới đầu tư dự báo công ty sẽ nhận được một cú huých doanh thu từ Apple. Trong năm 2016, mặc dù thị trường điện thoại thông minh trên toàn cầu có dấu hiệu sụt giảm, thế nhưng doanh thu của gã khổng lồ chip Đài Loan vẫn tăng 12,4% lên mức kỷ lục hơn 29 tỷ USD, nhờ nhu cầu mạnh đối với con chip A10, loại chip được sử dụng trong mẫu iPhone mới nhất.
Ngoài ra, thị trường cũng có kỳ vọng dài hạn rằng xe ô tô, máy tính tốc độ cao sẽ trở thành những nguồn động lực tăng trưởng mới cho con chip do TSMC sản xuất.
Ông Chang đã biến TSMC trở thành nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới với giá trị thị trường 190 tỷ USD
Morris Chang được coi như một “anh hùng” khi đã góp phần đưa Đài Loan chính thức bước lên bản đồ ngành công nghệ thế giới. Công ty của ông đã tạo ra một thế hệ những nhà lãnh đạo hàng đầu trong ngành công nghiệp sản xuất chip và giúp nền kinh tế Đài Loan phát triển mạnh.
Trong bối cảnh thế giới đang chuẩn bị đón nhận những thiết bị thông minh hơn, kết nối hơn, cuộc đua của TSMC hiện tại là làm sao đáp ứng được tất cả những nhu cầu tương lai về con chip, từ máy tính, xe ô tô, đồ gia dụng, loa kích hoạt bằng giọng nói, cho tới những thiết bị kết nối theo (còn gọi là Internet of Things).
Kỳ vọng sẽ đi trước đón đầu làn sóng thay đổi sắp tới, đồng thời Samsung và Intel về những sản phẩm hàng đầu, TSMC dự tính dành hơn 20 tỷ USD để xây dựng nhà máy mới.
Đầu tháng 10 vừa qua, Morris Chang cho biết sẽ nghỉ hưu vào tháng 6/2018, chính thức chuyển giao đế chế sản xuất chip lớn nhất thế giới trị giá 190 tỷ USD của mình cho hai người kế nhiệm.
Hiện tại, hai người kế nhiệm Chang là Mark Liu và C.C. Wei đang được kế thừa công ty có giá trị lớn hơn gấp 30 lần so với đối thủ United Microelectronic và nắm 59% thị trường trị giá 50 tỷ USD.
Trong thông báo nghỉ hưu, “tỷ phú chip” Morris Chang cũng đã đưa ra dự báo về tăng trưởng doanh thu của hãng lên mức gần 10% trong năm nay, vượt xa con số 4% mà các chuyên gia đưa ra trước đó.
Song, tỷ phú 86 tuổi chia sẻ rằng, niềm tự hào lớn nhất của ông về di sản mà mình để lại chính là việc tạo ra làn sóng thay đổi cho ngành công nghiệp sản xuất chip.
“Kể từ khi TSMC thành lập, những công ty sản xuất chip theo yêu cầu đã được mở ra như nấm trên toàn cầu. Hầu hết những sáng chế của ngành công nghiệp này trong vòng 30 năm qua tới từ những công ty như vậy. Điều đó là niềm tự hào lớn nhất của tôi, khi góp phần tạo ra nhiều cải tiến cho ngành”, Chang nói.