Đó là quan điểm của Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường khi Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về các giải pháp cấp bách phòng, chống Covid-19.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 86/NQ-CP về các giải pháp cấp bách phòng, chống Covid-19 để thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 (Nghị quyết 30) ngày 28/7/2021 của Quốc hội khóa XV. Tại Nghị quyết 30, Quốc hội đã cho phép Chính phủ được "xé rào" để ứng phó kịp thời với dịch bệnh. Đây có phải lần đầu tiên, Quốc hội trao "thượng phương bảo kiếm" cho Chính phủ không, thưa ông?
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. |
Tính cả thời gian từ khi còn làm chuyên viên, sau đó làm đại biểu Quốc hội từ khóa XIII đến nay, tôi đã theo sát hoạt động của Quốc hội gần 30 năm. Đây đúng là lần đầu tiên, Quốc hội bằng một nghị quyết, đã trao "thượng phương bảo kiếm" cho Chính phủ trong bối cảnh yêu cầu chống dịch đặt ra rất cấp bách.
Chúng ta đang tiến tới xây dựng một nhà nước pháp quyền, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Pháp luật là ý chí của nhân dân và nhân dân ủy quyền cho đại biểu Quốc hội xây dựng pháp luật thì xây dựng pháp luật phải theo trình tự thủ tục rất đặc biệt, phải lấy ý kiến người dân, đánh giá tác động, cân nhắc lợi ích của các bên có liên quan, đảm bảo công khai, minh bạch và thận trọng, tính thống nhất của hệ thống. Tức là, nghị định thì không được trái pháp lệnh, pháp lệnh không được trái luật và tất cả luật không được trái với Hiến pháp. Nhà nước pháp quyền là như thế.
Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay rất đặc biệt, việc ứng phó với dịch bệnh hết sức cấp bách, nên lần đầu tiên Quốc hội phải "trao kiếm" theo cách đặc thù như vậy. Tôi cũng muốn nhấn mạnh, nếu không phải tình huống hết sức cấp bách, thì cây kiếm này không nên được rút ra khỏi vỏ.
Ngày 28/7/2021, Quốc hội nhất trí trao quyền, đến ngày 6/8, Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết cho phép Chính phủ được áp dụng 4 quy định khác luật và cũng trong ngày hôm đó, Chính phủ ban hành nghị quyết để thực hiện quyền được trao. Nghị quyết của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 28/7/2021, có điều gì đặc biệt ở hiệu lực này, thưa ông?
Tại Nghị quyết 30, Quốc hội yêu cầu ngoài các biện pháp quy định tại nghị quyết này, trường hợp cần thiết phải ban hành quy định về phòng, chống dịch Covid-19 khác với quy định của luật thì trong thời gian Quốc hội không họp, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục rút gọn trước khi thực hiện.
Như vậy, việc Chính phủ trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp khẩn để ban hành nghị quyết và sau đó Chính phủ ra nghị quyết để thực hiện là đúng với tinh thần khẩn trương chống dịch.
Về hiệu lực, theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong trường hợp thật cần thiết, để đảm bảo lợi ích chung của xã hội thì có thể quy định hiệu lực trước ngày ban hành. Trường hợp này, nghị quyết của Chính phủ có hiệu lực đúng ngày Quốc hội thông qua Nghị quyết 30 là phù hợp.
Về nội dung, theo ông, quy định tại Nghị quyết 30 và 4 quy định khác luật được Thường vụ Quốc hội cho phép đã đủ để Chính phủ chống dịch hiệu quả hơn?
Với các nghị quyết nói trên, Quốc hội đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho Chính phủ. Quyền mà Quốc hội trao cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là rất lớn như: được ban hành nhiều loại văn bản, được áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong cấp phép, đăng ký lưu hành, sản xuất, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, hóa chất và đầu tư cơ sở vật chất... Tóm lại, Chính phủ sẽ chủ động hơn và ứng phó kịp thời hơn với dịch bệnh.
Có thể vì thế mà tại Nghị quyết 86/NQ-CP, Chính phủ mới đặt mục tiêu TP.HCM phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15/9/2021. Các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 1/9/2021. Các tỉnh, thành phố khác phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 25/8/2021.
Vậy khi bảo kiếm đã được trao, theo ông, các đại biểu Quốc hội cần kiểm soát như thế nào để thanh kiếm phát huy hết hiệu quả, không gây ra những tổn thương không đáng có cho người dân và nền kinh tế?
Khi đã trao quyền lớn như vậy, thì đương nhiên cần có sự kiểm soát đúng mức để tránh sự lạm quyền, cụ thể là các đại biểu Quốc hội, Quốc hội cần giám sát sự tuân thủ nghị quyết của Quốc hội, Thường vụ Quốc hội. Nghị quyết cho phép đến đâu, thì cấp thực thi chỉ được làm đến đấy.
Quan trọng nữa là, đại biểu dân cử cần giám sát về tính hợp lý của các biện pháp được áp dụng trong thực tế.
Chẳng hạn, nếu đại biểu thấy việc thực hiện biện pháp hạn chế người dân ra đường ở địa phương nào đó là bất hợp lý (như Hà Nội đã thực hiện đầu tuần này), thì với trách nhiệm là người đại diện của dân, đại biểu cần phản ánh, kiến nghị với chính quyền nơi đó. Nếu biện pháp của Chính phủ đề ra thì kiến nghị với Chính phủ để điều chỉnh cho phù hợp. Ngoài kiến nghị, đại biểu còn giám sát qua chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội, qua lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội. Trong trường hợp cấp bách, tôi đã trao thượng phương bảo kiếm cho anh, mà anh điều hành không tốt thì liệu tôi có tín nhiệm anh được không?
Quyền lực thì phải được kiểm soát, nếu không được kiểm soát thì dễ thành độc quyền, độc đoán. Khi trao quyền, Quốc hội cũng đã nói rõ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện một số giải pháp cấp bách được Quốc hội cho phép.
Như ông đã phân tích, chỉ trong tình huống cấp bách mới trao “thượng phương bảo kiếm” và Quốc hội cũng chỉ trao có thời hạn, đến hết năm 2022. Để yên tâm chống dịch lâu dài, có ý kiến chuyên gia cho rằng, trong 3 tháng tới, hoàn toàn có thể hoàn thiện khung pháp lý về phòng, chống dịch trong tình trạng khẩn cấp để trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2021. Ông thấy việc này có thể làm được không?
Khi thảo luận tổ tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, tôi cũng đã nhấn mạnh những giải pháp chống dịch vừa qua là cần thiết, nhưng chỉ mang tính ngắn hạn. Chúng ta phải lường trước là virus Corona có thể tồn tại lâu dài, nên cách chống dịch phải bài bản hơn, có đầy đủ quy trình thủ tục cho hoạt động của cơ quan nhà nước trong bối cảnh này, kể cả hoạt động của Quốc hội và các bộ, ngành, cơ quan tư pháp. Không thể cứ tạm dừng một số công việc từ đợt này sang đợt khác, nếu dịch kéo dài mãi thì tạm dừng đến bao giờ?
Giải pháp căn cơ là phải sớm hoàn thiện khung pháp lý về phòng, chống dịch và thực tế chống dịch gần 2 năm qua là thực tiễn sinh động để sớm sửa các luật có liên quan.
Hiến pháp quy định quyền con người, quyền công dân chỉ bị hạn chế bởi luật. Nay bối cảnh chống dịch bệnh quá cấp thiết, Quốc hội đã phải trao kiếm để bảo đảm tính kịp thời. Nhưng tôi rất mong “thượng phương bảo kiếm” sớm được thu về và chúng ta sẽ vững tâm chống dịch theo Hiến pháp và pháp luật.
Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.
Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!