Mong sớm có hướng dẫn về thanh, kiểm tra một lần/năm

Ngay tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp doanh nghiệp ngày 17/5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã công bố Chỉ thị 20/2017/CT-TTg về việc chấm dứt tình trạng thanh, kiểm tra chồng chéo. “Hy vọng, các bộ, ngành sớm xây dựng, ban hành hướng dẫn cụ thể nội dung này để doanh nghiệp tập trung sản xuất, kinh doanh”, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế Việt Nam phát biểu.
 Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế Việt Nam Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế Việt Nam

Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 đã quy định, không được thanh, kiểm tra doanh nghiệp quá một lần/năm. Nhưng trên thực tế doanh nghiệp vẫn tiếp tục than phiền về tình trạng thanh, kiểm tra quá nhiều. Như vậy, tình trạng “trên bảo dưới không nghe” vẫn còn phổ biến?

Muốn thanh, kiểm tra tối đa một lần/năm, thì Thanh tra Chính phủ phải chủ trì, phối hợp với Kiểm toán Nhà nước và các bộ, ngành rà soát, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra, đặc biệt là thanh tra chuyên ngành, kiểm tra và kiểm toán theo hướng lồng ghép, phối hợp và kế thừa kết quả hoạt động giữa các cơ quan. Công khai trước kế hoạch thanh, kiểm tra và kiểm toán để tránh trùng lặp, chồng chéo; không thanh, kiểm tra khi không có căn cứ, đặc biệt là trong lĩnh vực về quản lý thuế. 

Thế nhưng, đến giờ vẫn chưa có hướng dẫn về vấn đề này. Chính vì vậy, vẫn diễn ra tình trạng một doanh nghiệp bị thanh, kiểm tra nhiều lần trong năm; bị nhiều cơ quan quản lý nhà nước vào thanh, kiểm tra, thậm chí nội dung của đoàn sau còn chồng chéo, trùng lắp với đoàn trước cho, dù câu chuyện về thanh tra, kiểm tra chồng chéo, trùng lắp đã được đề cập tại rất nhiều hội thảo, hội nghị, diễn đàn, đối thoại và cả trên nghị trường Quốc hội.

Hy vọng, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 20/2017/CT-TTg, các bộ, ngành sớm xây dựng, ban hành hướng dẫn cụ thể nội dung này để doanh nghiệp tập trung sản xuất, kinh doanh, giảm giá thành, nâng cao khả năng cạnh tranh, thay vì phải tiếp quá nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra như hiện nay.

Năm 2016, qua thanh, kiểm tra, cơ quan thuế đã thu về cho ngân sách 17.163,7 tỷ đồng; 4 tháng đầu năm nay tăng thu cho ngân sách 3.600 tỷ đồng, chưa kể đôn đốc thu được gần 7.800 tỷ đồng nợ thuế từ năm 2016 chuyển sang. Rõ ràng, nếu không thanh, kiểm tra thì làm sao ngăn chặn được tình trạng gian lận thuế, trốn thuế?

Thanh tra, kiểm tra là chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước, nhưng nếu thực hiện quá nhiều không chỉ làm mất thời gian, công sức của doanh nghiệp, mà còn dễ nảy sinh tiêu cực, gây ra phản cảm, ức chế, vì doanh nghiệp thấy mình là đối tượng bị kiểm tra, kiểm soát, là nơi để cơ quan quản lý nhà nước “hành”, chứ không phải là đối tượng phục vụ vì mục tiêu phát triển kinh tế, tăng khả năng cạnh tranh.

Bản thân cơ quan thuế năm nào cũng đặt mục tiêu thanh, kiểm tra 20% tổng số doanh nghiệp, nhưng chưa bao giờ thực hiện được?

Đúng vậy, nhưng ngoài cơ quan thuế, còn có Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, thanh tra chuyên ngành về bảo hiểm xã hội, lao động, tài chính, môi trường… Vì thế, để giảm thiểu số cuộc thanh, kiểm tra, giảm thời gian, công sức cho cả doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý nhà nước, cần phải lồng ghép, phối hợp giữa thanh tra chuyên ngành, kiểm tra và kiểm toán. Đoàn thanh, kiểm tra phải kế thừa, chấp nhận kết quả của đoàn trước.

Bản thân đoàn thanh, kiểm tra và công chức, viên chức thực thi công vụ cũng chịu áp lực, bởi có quy định bất thành văn là “đã vào doanh nghiệp là phải tìm ra sai phạm, không nhiều thì ít, nếu không coi như không hoàn thành nhiệm vụ”. Bà có biết điều này không?

Đúng là có quan điểm chẳng biết từ đâu ra như trên, gây ức chế cho công chức, viên chức thực thi công vụ. Doanh nghiệp cũng biết quy định bất thành văn này, nên có trường hợp cố tình vi phạm một quy định nào đó rất nhỏ để đoàn thanh, kiểm tra phát hiện ra mới có “thành tích” đem về báo cáo với lãnh đạo.

Thanh, kiểm tra nhằm ngăn chặn vi phạm pháp luật, nhưng đây chỉ là một việc, việc còn lại cũng không kém phần quan trọng là phải góp phần tìm ra những doanh nghiệp thực hiện đầy đủ chính sách, pháp luật về thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, môi trường… nhằm để tuyên dương, biểu dương, nhân rộng điển hình tốt.

Năm 2016, Cục Thuế Hà Nội kiểm tra 1 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã không phát hiện ra sai phạm, vi phạm, tăng thu cho ngân sách nhà nước, mà còn giảm tiền thuế cho doanh nghiệp do doanh nghiệp nhầm lẫn, không cập nhật kịp thời chính sách thuế mới. Tôi cho rằng, cần phải biểu dương cả trường hợp thanh, kiểm tra không phát hiện ra sai phạm, hoàn lại hoặc khấu trừ thuế cho doanh nghiệp, vì như vậy là ngày càng có nhiều doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật thuế.

Cơ quan thuế nói rằng, nhiều doanh nghiệp còn mong được kiểm tra. Bà có tin không?

Hiểu đúng ra là doanh nghiệp rất muốn cơ quan thuế kiểm tra quyết toán thuế. Theo quy định, doanh nghiệp tự tính, tự khai, tự nộp thuế và tự quyết toán thuế. Những doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng, chấp hành tốt pháp luật thuế rất sợ tự quyết toán thuế vì lý do nào đó dẫn đến sai sót, nhầm lẫn thiếu số thuế phải nộp, tăng số thuế được hoàn, thì sẽ phải nộp số tiền thuế thiếu, hoàn thừa. Ngoài ra, họ còn phải nộp tiền chậm nộp, thậm chí còn bị xử phạt vi phạm hành chính và dễ bị cơ quan thuế đưa vào đối tượng quản lý theo rủi ro. Do đó, họ rất muốn được cơ quan thuế kiểm tra quyết toán thuế.  

Với công ty cổ phần, sau khi tự quyết toán, sẽ chia cổ tức, sau đó cơ quan thuế thanh, kiểm tra phát hiện ra quyết toán chưa đúng, thì phải nộp thêm vào ngân sách, lợi nhuận giảm đi, nhưng cổ tức đã chia rồi không đòi lại được. Vì vậy, doanh nghiệp mới mong muốn cơ quan thuế kiểm tra quyết toán để họ yên tâm chia cổ tức.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục