Mong manh dự án tỷ USD

Nhiều dự án tỷ USD đã được các nhà đầu tư đề xuất, nhưng vấn đề là bao nhiêu trong số đó đã thành hiện thực?
Dự án phải đáp ứng vấn đề môi trường và đảm bảo tiến độ giải ngân mới được các địa phương cấp phép. Trong ảnh: Nhà máy giấy Lee&Man (Hậu Giang). Ảnh: Phương Dung Dự án phải đáp ứng vấn đề môi trường và đảm bảo tiến độ giải ngân mới được các địa phương cấp phép. Trong ảnh: Nhà máy giấy Lee&Man (Hậu Giang). Ảnh: Phương Dung

Tấp nập

Ít ngày trước, liên doanh giữa Tập đoàn Lee&Man (Hồng Kông) và Hokuetsu (Nhật Bản) đã tới Hà Tĩnh đề xuất kế hoạch xây dựng một tổ hợp cảng biển, khu logistics, khu công nghiệp sản xuất giấy tissue tại Khu kinh tế Vũng Áng. Con số mà các nhà đầu tư đã đề cập là 3 tỷ USD và diện tích đất mà nhà đầu tư mong muốn là 6.000 ha, trong đó cho nhà máy 1.400 ha, cho khu logistics 600 ha, phần còn lại 4.000 ha là diện tích mặt biển.

Nếu được chấp thuận, theo kế hoạch, dự án sẽ sớm được triển khai để trong giai đoạn 2019-2021, nhà máy giấy sẽ đạt công suất 500.000 tấn/năm, còn giai đoạn II (2021 - 2023) sẽ nâng lên 1 triệu tấn/năm.

Trước dự án này, khu kinh tế “hàng xóm” của Vũng Áng là Nghi Sơn (Thanh Hóa) cũng nhận được đề xuất đầu tư một nhà máy sản xuất Ferrochrom Carbon, thép không gỉ và kim loại màu của nhà đầu tư Mintal (Hồng Kông).

Ông Tao Jing, Tổng giám đốc Mintal cho biết, Tập đoàn cần khoảng 300 ha đất gần khu vực bến cảng để đầu tư nhà máy với công suất giai đoạn I là 1,5 triệu tấn Ferrochrom Carbon/năm; giai đoạn II là 1 triệu tấn thép không gỉ và 1 triệu tấn kim loại màu/năm.

Tổng vốn đầu tư cho cả hai giai đoạn là 2 tỷ USD, với 80% nguyên liệu cho sản xuất sẽ được nhập khẩu tại Nam Phi, 20% nguyên liệu còn lại dự kiến thu mua tại Việt Nam.

Ngoài hai dự án lớn này, thời gian gần đây, khá nhiều nhà đầu tư đề xuất, hoặc bày tỏ sự quan tâm đến các cơ hội đầu tư, kinh doanh tại thị trường Việt Nam, quy mô các dự án đều thuộc diện “khủng”.

Chẳng hạn, Công ty Đầu tư và Quản lý quỹ Energy Capital Việt Nam (ECV) mới đây đã tới Bình Thuận để trình bày phương án và kế hoạch triển khai các bước đầu tư Dự án Điện khí LNG tại tỉnh này. Theo đó, ECV muốn đầu tư dự án điện khí có quy mô hơn 5 tỷ USD ở xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam.

Đầu tháng 9/2019, Gen X Energy (Mỹ) cũng bày tỏ mong muốn đầu tư các dự án điện khí tại Việt Nam, với quy mô hàng tỷ USD. Cũng trong lĩnh vực điện khí, trong khi Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) muốn đầu tư dự án 2,7 tỷ USD ở Bà Rịa - Vũng Tàu, thì Gulf (Thái Lan) lại muốn đầu tư dự án lên tới 7,8 tỷ USD ở Ninh Thuận.

Có chung tham vọng, liên danh các nhà đầu tư Total (Pháp), Siemens (Đức), Novatek (Nga) và Công ty TNHH Đầu tư và Công nghệ Việt Nam (A&A) cũng muốn nhảy vào dự án điện khí LNG Cà Ná. Tập đoàn Điện lực quốc gia Hàn Quốc (KEPCO) cũng vậy. Trong khi Energy Capital (Mỹ) đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) về việc triển khai dự án điện khí 4,3 tỷ USD ở Bạc Liêu…

Cẩn trọng dự án “ảo”

Nhiều dự án lớn mong muốn đầu tư ở Việt Nam là tín hiệu vui, nhưng cũng phải cẩn trọng đặt dấu hỏi rằng, liệu bao nhiêu kế hoạch tỷ USD này sẽ thành hiện thực? Chưa kể, còn là những mối lo liên quan đến công nghệ lạc hậu, đến ô nhiễm môi trường.

Các địa phương, nhất là những địa phương đã từng xảy ra sự cố môi trường như Hà Tĩnh, cũng không quá “vồ vập” dự án tỷ đô. Có lẽ, cũng chính bởi vậy, khi Lee&Man và Hokuetsu đề xuất dự án 3 tỷ USD ở Khu kinh tế Vũng Áng, dư luận đã bắt đầu đặt câu hỏi về vấn đề này.

Trong buổi làm việc với các nhà đầu tư, ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã nhấn mạnh quan điểm: “Hà Tĩnh dứt khoát không đánh đổi môi trường để làm kinh tế”.

Một báo cáo được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố gần đây cho biết, có tới 40% FDI toàn cầu là “vốn ảo”. Số vốn này tập trung nhiều nhất ở các “thiên đường thuế”. Ngoài ra, một số địa điểm có chính sách chiến lược nhằm thu hút càng nhiều vốn đầu tư nước ngoài càng tốt thông qua việc đưa ra các ưu đãi như thuế thu nhập doanh nghiệp rất thấp hoặc bằng 0 cũng có kha khá vốn ảo   

Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cũng băn khoăn khi diện tích theo đề xuất của nhà đầu tư là quá lớn, do vậy “cần phải nghiên cứu kỹ”.

Tương tự, với dự án thép không gỉ và kim loại màu của Mintal. Dù theo khẳng định của ông Tao Jing, Mintal hiện sử dụng công nghệ tiên tiến của Phần Lan để sản xuất Ferrochrom Carbon và dùng công nghệ của Nhật Bản để sản xuất thép không gỉ, kim loại màu, nhưng rõ ràng, cẩn trọng thì không bao giờ thừa.

Không chỉ nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, theo các chuyên gia, cũng cần xem xét kỹ các dự án đề xuất quy mô hàng tỷ USD, bởi thực tế thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam cho thấy, không thiếu dự án ảo.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, thời gian qua có không ít dự án ảo, đặc biệt là các dự án trong lĩnh vực bất động sản, đăng ký đầu tư hàng tỷ USD, nhưng giải ngân nhỏ giọt.

“Tới đây, phải hạn chế dòng vốn ảo, đăng ký lớn nhưng chẳng làm được bao nhiêu, chỉ lựa chọn những dự án phù hợp, xác đáng nhất”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nói.

Không chỉ dự án trong lĩnh vực bất động sản, nhiều dự án tỷ USD trong các lĩnh vực khác đã từng đề xuất hoặc đăng ký đầu tư vào Việt Nam, nhưng rồi cũng “đứt gánh giữa đường”. Lớn nhất có lẽ là dự án hơn 20 tỷ USD của Lọc hóa dầu Nhơn Hội (Bình Định). Hay 2 tháng trước đây, tỉnh Nghệ An đã phải ra quyết định chấm dứt hoạt động dự án xây dựng nhà máy sản xuất sắt xốp Kobeco Việt Nam của nhà đầu tư Nhật Bản, vốn đầu tư 1 tỷ USD, sau 9 năm không triển khai.

Do vậy, dù dự án tỷ USD “tấp nập” được đề xuất, nhưng cũng chưa thể lấy đó làm mừng, cần cẩn trọng trong quá trình xem xét và cấp chứng nhận đầu tư, cũng như giám sát chặt trong quá trình triển khai, đầu tư, kinh doanh sau này.

Nguyên Đức
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục