Rập rình dự án tỷ USD

Sau khi lập kỷ lục 14,59 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam được dự báo tiếp tục tăng tốc trong thời gian tới. Nhiều khả năng, sắp có dự án tỷ USD đầu tiên đổ bộ vào Việt Nam trong năm nay.
Trong 4 tháng đầu năm, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 14,59 tỷ USD, tăng 81% so với cùng kỳ năm 2018. Trong số đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới đạt 5,34 tỷ USD, tăng 50,4% so với cùng kỳ. Trong 4 tháng đầu năm, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 14,59 tỷ USD, tăng 81% so với cùng kỳ năm 2018. Trong số đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới đạt 5,34 tỷ USD, tăng 50,4% so với cùng kỳ.

“Điểm mặt” các siêu dự án

Dù được nhắc tới rất nhiều, nhưng dự án 4,6 tỷ USD của Tập đoàn Exxon Mobil (Mỹ) có lẽ sẽ không phải là dự án tỷ USD đầu tiên được cấp chứng nhận đầu tư vào Việt Nam trong năm nay. Thay vào đó, sẽ là Dự án Weijia Textiles Vina của nhà đầu tư Wai Chi Kai (Hồng Kông). Theo kế hoạch, Wai Chi Kai sẽ đầu tư 1 tỷ USD để xây dựng một nhà máy chuyên sản xuất các sản phẩm cổ áo dệt kim, bo cổ tay, gấu dệt áo quần, vải gân, vải dệt, phụ liệu dệt, áo quần, phụ kiện thời trang… Dự án được triển khai tại Khu công nghiệp Đồng An 2 (phường Hòa Phú, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương).

Trong khi đó, UBND tỉnh Bạc Liêu cũng đang “hối thúc” Bộ Công thương đẩy nhanh tiến độ thẩm định, bổ sung Dự án Nhà máy Nhiệt điện khí LNG Bạc Liêu của nhà đầu tư Energy Capital (Mỹ), vốn đầu tư 4,3 tỷ USD vào Quy hoạch Điện VII. Dù thủ tục đầu tư một dự án điện không đơn giản, song Bạc Liêu rất mong Dự án sớm được cấp chứng nhận đầu tư, với quy mô 3.200 MW. Lý do khá dễ hiểu là, dự án này sẽ bổ sung 3.000 tỷ đồng/năm cho ngân sách địa phương.

Bên cạnh 3 dự án tỷ USD trên, hàng loạt dự án quy mô lớn khác có thể cũng sẽ sớm được cấp chứng nhận đầu tư trong năm nay. Trong đó, có dự án 500 triệu USD của nhà đầu tư Hana Micron (Hàn Quốc) mà Báo Đầu tư đã từng đề cập.

Thông tin cho biết, trung tuần tháng 4, Hana Micron đã chính thức ký thỏa thuận hợp tác đầu tư với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang, nhằm triển khai một dự án chuyên sản xuất các sản phẩm công nghệ cao và thiết bị bán dẫn tại tỉnh này.

Trong khi đó, Apparel Far Eastern đang muốn tăng thêm 610 triệu USD, còn Meiko Electronics chuẩn bị tăng vốn thêm 200 triệu USD vào Việt Nam. Một khi thủ tục sớm được hoàn tất, danh sách các dự án FDI quy mô lớn đăng ký đầu tư vào Việt Nam trong năm nay sẽ kéo dài thêm.

Đón đầu cơ hội dịch chuyển

Không còn là câu hỏi “phải chăng” nữa, xu hướng dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam nhằm đón đầu cơ hội do Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), cũng như để tránh những tác động của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, đang ngày càng trở nên rõ ràng hơn.

Sau Compal, Tập đoàn LG mới đây cũng đã công bố việc sẽ dừng sản xuất smartphone tại Hàn Quốc để chuyển sang Việt Nam, nhằm cắt giảm chi phí, nâng cao hiệu quả đầu tư, kinh doanh. Thông tin cho biết, nhà máy sản xuất của LG tại Pyeongtaek, phía Nam Seoul, sẽ chính thức dừng hoạt động vào cuối năm nay, để chuyển sang sản xuất tại các nhà máy của LG tại Hải Phòng.

Thực tế, ngay từ khi bắt đầu kế hoạch đầu tư 1,5 tỷ USD ở Hải Phòng vào năm 2013, LG đã lên kế hoạch sản xuất smartphone tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong giấy chứng nhận đầu tư vào thời điểm đó, các sản phẩm được LG tập trung sản xuất là thiết bị điện tử gia dụng, smartphone chỉ chiếm một phần rất nhỏ. Nay thì có lẽ, để dịch chuyển sản xuất, LG sẽ phải nâng công suất, thúc đẩy việc đầu tư, sản xuất - kinh doanh các dự án LG Display (2 tỷ USD) và LG Innotek (1,05 tỷ USD). LG đang thực sự biến Việt Nam thành cứ điểm sản xuất của mình trên toàn cầu, giống như cách mà Samsung đã làm tại Việt Nam.

Ngoài LG, thông tin mới đây cũng cho biết, CP Foods - thuộc Charoen Pokphand Foods, tập đoàn hàng đầu Thái Lan của tỷ phú Dhanin Chearavanont, sẽ đầu tư hơn 200 triệu USD để xây dựng trung tâm xuất khẩu thịt lợn và gia cầm tại Việt Nam, nhằm tận dụng lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.

CP đã đầu tư vào Việt Nam khoảng 1 tỷ USD kể từ năm 1993 đến nay và đang không ngừng mở rộng đầu tư, kinh doanh nhằm chiếm lĩnh thị phần. Theo nhận định của CEO CP Việt Nam, ông Montri Suwanposri, Việt Nam có lợi thế hơn so với Thái Lan về xuất khẩu và chi phí lao động.

Đó cũng chính là lý do ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài dịch chuyển các kế hoạch đầu tư tới Việt Nam. Sau khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang và sau CPTPP có hiệu lực, xu hướng này càng mạnh hơn.

Thậm chí, không chỉ là các dự án đầu tư thứ cấp, mà theo một nghiên cứu vừa được Công ty CBRE công bố, xu hướng các công ty dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, cũng sẽ tác động tích cực tới lĩnh vực bất động sản công nghiệp của Việt Nam.

CERE nhận định, xu hướng này đã diễn ra từ năm 2018 và sẽ tiếp tục mạnh lên đến năm 2020. Như vậy, ít nhất trong vòng 2 năm tới, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng tốc.

“Điều quan trọng là phải tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài để có thể đón đầu cơ hội, tăng tốc thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là trong những lĩnh vực sản xuất hàng hóa Trung Quốc chịu sự trừng phạt của Mỹ”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.

Trong 4 tháng đầu năm, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 14,59 tỷ USD, tăng 81% so với cùng kỳ năm 2018. Trong số đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới đạt 5,34 tỷ USD, tăng 50,4% so với cùng kỳ.

Nguyên Đức
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục