Nhiều doanh nghiệp có kế hoạch tăng vốn
Những tháng đầu năm 2018 được xem là thời điểm thuận lợi để nhiều doanh nghiệp gọi vốn thành công thông qua các đợt phát hành, chào bán cổ phần cho cổ đông và nhà đầu tư chiến lược.
Theo dữ liệu từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, từ đầu năm 2018 đến ngày 25/6, có 35 doanh nghiệp thực hiện thành công phát hành cổ phiếu ra công chúng và 16 doanh nghiệp báo cáo kết quả chào bán riêng lẻ. Bên cạnh đó, có hơn 20 doanh nghiệp đã nộp hồ sơ chuẩn bị cho kế hoạch phát hành riêng lẻ.
Ngoài ra, theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, không ít doanh nghiệp đã thông qua kế hoạch chào bán cổ phần tại kỳ họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 vừa qua, nhưng chưa gửi hồ sơ lên Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.
Trong số đó, đáng chú ý là Công ty cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Thiên Nam (TNA) thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ lên hơn 3 lần, từ mức 125 tỷ đồng lên hơn 451 tỷ đồng, bao gồm phát hành từ nguồn vốn chủ sở hữu và phát hành riêng lẻ.
Cụ thể, bên cạnh kế hoạch thưởng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP), trong năm 2018, TNA sẽ thực hiện chào bán 15 triệu cổ phiếu, tương đương 33,2% vốn điều lệ cho nhà đầu tư chiến lược, với giá bán không thấp hơn 20.000 đồng/cổ phiếu. Trên sàn chứng khoán, giá cổ phiếu TNA gần đây dao động quanh mức 33.000 đồng/cổ phiếu.
Một doanh nghiệp khác cũng có kế hoạch huy động nhiều vốn là Công ty cổ phần Thủy sản Minh Phú (MPC). Năm 2018, MPC có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng. Vừa qua, Công ty đã thực hiện phát hành hơn 68 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1, nâng vốn điều lệ từ 700 tỷ đồng lên gần 1.400 tỷ đồng. Trong bước tiếp theo, MPC dự kiến sẽ phát hành 60 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược nhằm huy động vốn cho dự án nuôi tôm công nghệ cao, với tham vọng đưa thị phần của Công ty từ mức 6% lên 25%.
SAM: Kế hoạch kinh doanh cao “hỗ trợ” giá phát hành
Theo ông Tạ Nguyên Vũ, Trưởng phòng Đầu tư, Công ty Chứng khoán Đông Á, sau năm 2017 và quý I/2018, yếu tố thị trường thuận lợi đã hỗ trợ cho các thương vụ chào bán cổ phiếu, bao gồm phát hành cho cổ đông hiện hữu và phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược. Tuy nhiên, với việc thị trường chứng khoán điều chỉnh từ tháng 4/2018 đến nay và dự báo có diễn biến khó lường trong những tháng cuối năm, công tác gọi vốn của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nhất định, nhất là với doanh nghiệp có cổ phiếu đang được giao dịch trên sàn ở mức thấp.
Tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 vừa qua, Công ty cổ phần Sam Holdings (SAM) đã thông qua phương án phát hành 10 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, dự kiến thực hiện trong năm 2018 hoặc 2019.
Đại hội ủy quyền cho Hội đồng quản trị quyết định mức giá bán có thể thấp hơn thị giá hoặc/và thấp hơn giá trị sổ sách cổ phiếu tại thời điểm chào bán, nhưng không được thấp hơn 10.000 đồng/cổ phiếu. Trên sàn chứng khoán, giá cổ phiếu SAM gần đây dao động quanh 7.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, mức giá phát hành thấp nhất của SAM hiện cũng cao hơn so thị giá trên 40%.
Việc thuyết phục nhà đầu tư, cổ đông chịu xuống tiền mua cổ phần phát hành thêm không phải là điều dễ dàng
Tuy nhiên, SAM dự kiến đạt kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2018. Kế hoạch năm nay của SAM là chỉ tiêu doanh thu tăng 20% và lợi nhuận trước thuế tăng 22% so với năm 2017, lần lượt đạt 2.950 tỷ đồng và 180 tỷ đồng. Quý I/2018, SAM ghi nhận doanh thu tăng 3,8%, đạt 434 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng hơn 50% so với quý I/2017, đạt hơn 43,6 tỷ đồng.
SGR: Kế hoạch “tham vọng”, kết quả quý I khiêm tốn
Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn (SGR) có kế hoạch huy động vốn, dự kiến đạt kết quả kinh doanh cao trong năm 2018, nhưng kết quả quý I ở mức khiêm tốn. Cụ thể, SGR dự kiến sẽ phát hành 10 triệu cổ phiếu dưới hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ, sau khi hoàn tất chia cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 15%.
Giá chào bán dự kiến chưa được công bố, nhưng theo Hội đồng quản trị SGR, giá sẽ được căn cứ vào giá trị sổ sách tại thời điểm gần nhất đã được kiểm toán/soát xét, giá thị trường và mức độ pha loãng cổ phiếu. Kết thúc phiên giao dịch 26/6, giá cổ phiếu SGR là 23.000 đồng/cổ phiếu.
Năm 2018, SGR đặt kế hoạch đạt doanh thu 2.390 tỷ đồng, gấp 6 lần năm 2017; lợi nhuận trước thuế 270 tỷ đồng, tăng 55% so với năm 2017. Tuy nhiên, kết thúc quý I/2018, SGR đạt doanh thu 7,3 tỷ đồng, thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây; lợi nhuận sau thuế 9,6 tỷ đồng. Như vậy, so với kế hoạch cả năm, Công ty mới thực hiện được một phần nhỏ.
Chất lượng công bố thông tin và minh bạch là yếu tố quan trọng
Theo nhiều chuyên gia, trong bối cảnh thị trường chứng khoán có diễn biến điều chỉnh và chưa rõ xu hướng như hiện nay, việc thuyết phục nhà đầu tư, cổ đông chịu xuống tiền mua cổ phần phát hành thêm không phải là điều dễ dàng.
Đặc biệt, so với những doanh nghiệp quy mô lớn, tiềm năng, thì việc gọi vốn ở những doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ sẽ rất khó khăn. Ngoài yếu tố cân bằng lợi ích các bên, mức giá đưa ra cần hấp dẫn so với giá thị trường và phù hợp với giá trị doanh nghiệp, đồng thời doanh nghiệp phải xây dựng phương án tăng vốn gắn với mục đích sử dụng vốn chi tiết, hiệu quả.
Liên quan đến vấn đề này, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng cho rằng, nếu doanh nghiệp phát hành với giá cao đồng nghĩa cơ hội tăng giá cổ phiếu cho những nhà đầu tư mua vào ít dần. Do vậy, cơ sở quan trọng nhất cần xem xét vẫn nằm ở chính hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Như trường hợp của Công ty cổ phần Halcom Việt Nam (HID), mới đây, HID đã thông qua danh sách 15 cổ đông chiến lược dự kiến chào mua, trong đó hơn 60% lượng cổ phần được chào mua bởi những lãnh đạo chủ chốt của Công ty bao gồm Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị và Kế toán trưởng.
Giá chào bán dự kiến 10.000 đồng/cổ phiếu, gấp 3,4 lần thị giá cổ phiếu HID khi kết thúc phiên giao dịch ngày 26/6 là 2.930 đồng/cổ phiếu. Không dừng lại ở đó, HID cho biết, Công ty dự kiến chào bán đợt 2 với 22,5 triệu cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Toàn bộ vốn huy động dự kiến được Công ty đầu tư vào dự án điện gió và điện mặt trời, hiện đang nằm trong kế hoạch triển khai.
Trong khi đó, năm 2018, HID đặt kế hoạch kinh doanh với chỉ tiêu doanh thu 300 tỷ đồng, giảm 28%; lợi nhuận sau thuế 33 tỷ đồng, gấp đôi so với thực hiện năm 2017. Hiện tại, Công ty chưa công bố báo cáo tài chính quý I/2018.
Theo ông Tạ Nguyên Vũ, đối với những doanh nghiệp có kế hoạch phát hành tăng vốn, nhà đầu tư nên tham gia vào các doanh nghiệp đầu ngành, có ngành nghề kinh doanh được dự báo tăng trưởng trong năm 2018 như ngân hàng, bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng, dệt may, thủy sản… Tuy nhiên, cần lưu ý, doanh nghiệp phải có phương án sử dụng vốn hiệu quả, cổ phiếu của doanh nghiệp phải có mức định giá hợp lý, nhiều dư địa tăng giá.
Theo ông Phạm Lưu Hưng, Phó giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng tổ chức, Công ty Chứng khoán Sài Gòn, nhà đầu tư cũng nên xem xét rủi ro về thời gian đầu tư của mình có phù hợp với thời gian đầu tư của doanh nghiệp, đồng thời theo dõi chặt chẽ kế hoạch sử dụng vốn của doanh nghiệp.
Để công tác gọi vốn thành công trong giai đoạn hiện nay, ông Vũ cho rằng, doanh nghiệp nên xây dựng phương án sử dụng vốn chi tiết và khả thi. Bên cạnh việc huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu, doanh nghiệp có thể xem xét kết hợp phát hành trái phiếu, trái phiếu chuyển đổi, vay vốn ngân hàng… Đối với các dự án cần vốn lớn, doanh nghiệp nên huy động vốn thành nhiều giai đoạn, căn cứ vào tình hình triển khai của dự án.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần chú trọng công bố thông tin, xây dựng mối liên kết giữa doanh nghiệp với nhà đầu tư, với các công ty chứng khoán. “Chất lượng công bố thông tin và minh bạch là yếu tố quan trọng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp”, ông Vũ nói.