Những doanh nghiệp gọi vốn từ trái phiếu quốc tế
Ngày 15/06/2018, Hội đồng quản trị CTCP Everpia (EVE) quyết nghị về việc triển khai phát hành trái phiếu chuyển đổi cho nhà đầu tư nước ngoài theo phương án đã được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông ngày 20/04/2018.
Cụ thể, EVE sẽ phát hành riêng lẻ để huy động 10,1 triệu USD, với mệnh giá trái phiếu tối thiểu 100.000 USD/trái phiếu cho đối tác mục tiêu đến từ Hàn Quốc. Đây là trái phiếu không có tài sản đảm bảo, kỳ hạn 5 năm, lãi suất 1%/năm. Sau 1 năm kể từ ngày phát hành đến thời điểm trước đáo hạn 1 tháng, trái chủ có quyền chuyển đổi sang cổ phiếu với mức giá chuyển đổi 18.245 đồng/cổ phiếu, cao hơn 1,9% so với giá đóng cửa của EVE phiên 15/6.
Sau 3 năm từ ngày phát hành, nếu không chuyển đổi, trái chủ có quyền yêu cầu EVE mua lại một phần hoặc toàn bộ trái phiếu trước hạn theo chu kỳ 3 tháng/lần. Theo đó, EVE sẽ mua lại trái phiếu với lãi suất kép 3,5%/năm sau khi trừ đi các phần lãi suất đã thanh toán. Ngược lại, sau 1 năm kể từ ngày phát hành đến trước khi đáo hạn 1 tháng, cổ đông lớn nhất của EVE cũng có quyền yêu cầu mua lại 30% số trái phiếu đã phát hành, thanh toán với mức lãi suất kép là 4%/năm.
Số tiền thu được tương đương gần 25% vốn chủ sở hữu hiện có, dự kiến sẽ được EVE dùng để đầu tư phát triển các sản phẩm mới, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh cũng như tăng cường đầu tư vào tài sản.
Đợt phát hành của EVE được đánh giá cao về khả năng thành công khi mà Ban lãnh đạo và cổ đông lớn của Công ty như ông Lee Jae Eun, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc, cùng các nhà đầu tư tổ chức như Korea Investment Management Co., Ltd, Woori Investment và đối tác tư vấn, bảo lãnh phát hành đều đến từ… Hàn Quốc. Các chủ thể này có sự am hiểu rất rõ nhu cầu thị trường cũng như các thủ tục pháp lý để đợt phát hành diễn ra thuận lợi.
Đây là đợt phát hành trái phiếu chuyển đổi quốc tế lần đầu tiên của EVE trong nhiều năm qua. Trong quý III/2017, EVE cũng đã có một đợt phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, trái phiếu không chuyển đổi, có tài sản bảo đảm phát hành cho ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank).
Trước EVE, nhiều doanh nghiệp cũng đã phát hành thành công trái phiếu quốc tế như Vingroup và Hoàng Anh Gia Lai, Vietjet hay Masan... Năm 2009, CTCP Tập đoàn Vingroup (VIC) là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên gọi vốn quốc tế thành công từ phát hành trái phiếu với thương vụ huy động 100 triệu USD trái phiếu chuyển đổi tại TTCK Singapore. Tiếp đó, trong năm 2012, VIC có hai đợt phát hành thành công trái phiếu chuyển đổi quốc tế vào tháng 3 và tháng 6, thu về tổng cộng 300 triệu USD.
Các đợt phát hành này đã mang lại nguồn vốn dài hạn quan trọng bổ sung vào quá trình phát triển của VIC, khẳng định uy tín, chứng tỏ sự tin tưởng, kỳ vọng lớn của các nhà đầu tư khi trái phiếu không có tài sản bảo đảm. Thành công và kinh nghiệm gọi vốn quốc tế của VIC đã được áp dụng cho các công ty thành viên sau này như CTCP Vincom Retail (VRE), CTCP Vinhomes (VHM)…
Năm 2011, CTCP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) cũng đã gọi được vốn quốc tế nhờ phát hành 90 triệu USD trái phiếu. Tại CTCP Tập đoàn Masan (MSN), cuối 2016, MSN cũng thông qua kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế với tổng giá trị 300 triệu USD.
Gần đây nhất, CTCP Tập đoàn đầu tư địa ốc Nova (Novaland-NVL) vừa gọi được 160 triệu USD nhờ phát hành trái phiếu chuyển đổi quốc tế, niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Singapore (SGX) ngày 30/4/2018. Đợt phát hành này do Credit Suisse (Singapore) Limited làm tư vấn, nhằm huy động vốn cho NVL để tăng quỹ đất địa và phát triển dự án bất động sản, cũng như bổ sung vốn lưu động. Trái phiếu được phát hành bằng USD, đáo hạn vào năm 2023, có thể chuyển đổi thành cổ phiếu NVL với giá chuyển đổi 74.750 đồng/cổ phần, cao hơn khoảng 15% thị giá NVL tại thời điểm phát hành.
Lợi ích và thách thức khi gọi vốn quốc tế
Chủ động trong huy động vốn đầu tư qua kênh phát hành trái phiếu quốc tế thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn vốn trong nước đã và đang là xu hướng được nhiều doanh nghiệp nỗ lực thực hiện. Không chỉ là vốn, đó còn là cách những doanh nghiệp lớn khẳng định thương hiệu, tên tuổi của mình vượt khỏi tầm Việt Nam. Vì thế không phải DN nào cũng làm được và không phải khoản vốn quốc tế nào chảy vào DN Việt cũng có kết quả tích cực, theo hướng mang lại lợi ích cho các bên.
Trong những năm qua, dù liên tục điều chỉnh giảm, mặt bằng lãi suất cho vay bằng VND vẫn được các ngân hàng duy trì ở mức 9%-10%. Chênh lệch khá lớn với lãi suất các khoản vay trái phiếu bằng đồng USD chỉ bằng phân nửa hoặc thấp hơn lãi suất vay VND cùng thời điểm.
Trong khi đó, với chính sách ổn định tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước, kinh tế vĩ mô tăng trưởng đã giúp biến động của tỷ giá VND/USD được duy trì trong biên độ khá hẹp. Năm 2016, tỷ giá VND/USD chỉ tăng 1,2%. Năm 2017, tỷ giá trung tâm VND/USD do Ngân hàng Nhà nước công bố tăng 1,35%. Tính đến ngày 15/06/2018 tỷ giá trung tâm hiện cũng mới tăng 0,79% so với cuối 2017.
Trong bối cảnh đó, việc huy động vốn quốc tế thông qua các khoản vay trái phiếu, nếu thực hiện được, sẽ giúp DN có chi phí vốn rẻ hơn so với vay trong nước. Sau thời gian hợp tác, nếu thấy phù hợp, hiệu quả, mới tiến hành chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu hoặc chuyển phát hành trái phiếu không chuyển đổi sang cổ phiếu.
Thông thường, trong phương án phát hành trái phiếu, trái chủ thường có yêu cầu được tham gia vào HĐQT. EVE hay trước đó là VIC cũng có kèm điều kiện trái chủ sẽ được cử thành viên tham gia vào HĐQT, hỗ trợ, giám sát quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Ngoài lợi ích tài chính, áp lực giám sát của các đối tác trong quá trình sử dụng nguồn vốn là động lực để các tổ chức phát hành buộc phải hiệu quả và minh bạch hơn. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp học hỏi kinh nghiệm của đối tác và nâng cao hiệu quả hoạt động cho chính mình, xây dựng thương hiệu, tên tuổi, hội nhập sâu rộng hơn vào các thị trường tài chính quốc tế.
Về thách thức, để phát hành thành công trái phiếu quốc tế, DN phải giải được nhiều bài toán khó. Bài toán khó nhất là năng lực kinh doanh và sự minh bạch thông tin phải theo chuẩn mực quốc tế. Việc này đòi hỏi DN phải có sự đầu tư dài hạn, không chỉ là thông tin minh bạch mà văn hóa kinh doanh phải minh bạch và chuẩn mực.
Thông tin tích cực là giữa tháng 5/2018, Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch đã nâng xếp hạng tín nhiệm về nợ dài hạn, vay bằng đồng ngoại tệ (IDR) của Việt Nam từ BB- lên BB với triển vọng ổn định nhờ dự trữ ngoại hối tăng cùng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Đồng thời kỳ vọng Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Bên cạnh con đường tìm vốn thông thường là vay ngân hàng và phát hành chứng khoán trong nước, hy vọng việc được nâng hạng tín nhiệm sẽ giúp các doanh nghiệp thuận lợi hơn và giảm dần chi phí trong phát hành gọi vốn quốc tế. Chặng đường phía trước còn xa và không ít thử thách, nhưng vì thế, rất cần nhiều DN mạnh mẽ bước đi để tạo nên con đường.