Mòn mỏi với Yeah1

(ĐTCK) Sau gần 3 năm lên sàn niêm yết, mục tiêu của Yeah1 hiện nay là không lỗ và duy trì niêm yết trên sàn HOSE.
Nếu ba quý còn lại của năm 2021, hoạt động kinh doanh không có sự đột phá, Yeah1 thua lỗ năm thứ ba liên tiếp, sẽ rơi vào trường hợp bắt buộc phải hủy niêm yết.

Lãi 4 tỷ đồng cũng khó

Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2021, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1 (mã YEG) cho biết, doanh nghiệp đã trải qua 2 năm kinh doanh thua lỗ liên tục. Mục tiêu năm 2021 là cố gắng đáp ứng điều kiện niêm yết, cụ thể là có lãi.

Năm 2020, Công ty báo lỗ 174 tỷ đồng và kế hoạch đặt ra cho năm nay là lãi 4 tỷ đồng.

Dù vậy, với diễn biến trong quý đầu năm, mục tiêu lợi nhuận tưởng chừng rất “khiêm tốn” này cũng là kế hoạch đầy thách thức với Yeah1.

Báo cáo tài chính quý I/2021 của Công ty cho thấy, trong kỳ, doanh thu của Công ty đạt 288,7 tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ 2020. Tuy nhiên, do lợi nhuận gộp giảm mạnh 36,6% về 37,9 tỷ đồng, chi phí bán hàng tăng 53,4% so với cùng kỳ, lên 56,8 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 36,9%, lên 56,8 tỷ đồng khiến Công ty lỗ 52,5 tỷ đồng.

Lãnh đạo Yeah1 chia sẻ, việc tiếp tục lỗ trong quý đầu năm 2021 là do Tập đoàn đang trong giai đoạn đầu tư mở rộng hệ sinh thái truyền thông hiện có sang hệ sinh thái tiêu dùng, dẫn đến gia tăng chi phí. Trong khi đó, mảng kinh doanh mới vẫn đang trong giai đoạn tìm kiếm thị trường, mặc dù có doanh thu nhưng chưa thể bù đắp chi phí.

Cùng với việc thua lỗ, dòng tiền hoạt động kinh doanh cốt lõi của Yeah1 tiếp tục âm 901 triệu đồng, cùng kỳ âm 38,1 tỷ đồng). Tính tới 31/3/2021, lượng tiền mặt và đầu tư tài chính của Yeah1 tiếp tục giảm thêm 10,1 tỷ đồng so với hồi đầu năm, về còn 49 tỷ đồng sau giai đoạn giảm mạnh từ năm 2018.

Gần tròn ba năm kể từ ngày lên niêm yết (26/6/2018), vốn hóa của Công ty (tính tại ngày 4/5/2021) chỉ còn gần 700 tỷ đồng, giảm tới 91,5% so với thời điểm mới lên sàn (8.211 tỷ đồng trong phiên giao dịch đầu tiên).

Niềm tin cạn dần

Theo ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, trong 2 năm qua, Yeah1 đã tập trung vào truyền thông thương mại, xây dựng nền tảng Giga1, “doanh nghiệp chấp nhận thua lỗ để tạo sự đột phá và bắt đầu từ quý II/2021, Giga1 bắt đầu vào giai đoạn khai thác sau thời gian đầu tư”.

Tại đại hội cổ đông vừa qua, doanh nghiệp tiếp tục đưa ra kế hoạch tái cấu trúc, tập trung vào hai mảng kinh doanh chính, gồm truyền thông thương mại đa kênh M2C (từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng) và truyền thông kỹ thuật số (media digital).

Doanh nghiệp kỳ vọng năm 2021 sẽ có lãi 100 tỷ đồng và thực hiện IPO mảng media digital trong quý IV/2021 để giảm sở hữu từ hơn 90% về 51%.

Sau khi tiêu gần hết số tiền huy động được từ cổ đông vào năm 2018, Yeah1 tiếp tục lên kế hoạch IPO một công ty con ngay khi công ty này có lãi.

Có thể thấy, sau khi tiêu gần hết số tiền huy động được từ cổ đông vào năm 2018, Yeah1 tiếp tục lên kế hoạch IPO một công ty con ngay khi công ty này có lãi. Nếu kế hoạch IPO thực hiện thành công, Yeah1 sẽ được bổ sung dòng tiền đang cạn dần.

Tuy nhiên, việc Yeah1 liên tục kinh doanh thua lỗ kể từ khi lên sàn và giá cổ phiếu lao dốc không phanh sẽ khiến giới đầu tư thận trọng hơn với đợt IPO công ty con của Yeah1 tới đây.

Thực tế, không chỉ thời điểm chuẩn bị lên sàn, Yeah1 đưa ra những mục tiêu, kế hoạch to tát, mà mỗi mùa đại hội cổ đông thường niên, lãnh đạo Công ty đều “cam kết năm nay đưa công ty trở lại cuộc đua với tốc độ nhanh và tính toán chu đáo hơn”, nhưng đều không thực hiện được.

Vì thế, niềm tin vào triển vọng phục hồi của Yeah1 dần mai một và khó có thể đảm bảo cho một kế hoạch huy động vốn mới thành công.

Nguy cơ huỷ niêm yết hiện hữu

Với việc ghi nhận số lỗ 52,5 tỷ đồng trong quý I, khoản mục lỗ lũy kế của Yeah1 tính tại thời điểm 31/3/2021 lên tới 264,9 tỷ đồng. Hội đồng quản trị Yeah1 đã xin ý kiến cổ đông về việc thực hiện xóa lỗ lũy kế 219,28 tỷ đồng tính tới 31/12/2020. Số tiền này được trích từ nguồn thặng dư vốn cổ phần.

Đây không phải là lần đầu tiên Công ty dùng vốn cổ phần để xóa lỗ lũy kế. Trước đó, Yeah1 đã dùng 305,4 tỷ đồng từ nguồn này để xóa lỗ lũy kế đến cuối năm 2019. Nếu thực hiện xoá xong khoản lỗ luỹ kế năm 2020, khoản mục thặng dư vốn cổ phần sẽ giảm xuống 553,62 tỷ đồng.

Việc sử dụng thặng dư vốn để xoá lỗ luỹ kế giúp khoản mục lợi nhuận sau thuế luỹ kế của doanh nghiệp tăng lên, nhưng làm khoản thặng dư vốn cổ phần giảm đi một khoản tương ứng và tổng vốn chủ sở hữu không thay đổi. Đây là giải pháp tình thế mà các doanh nghiệp kinh doanh khó khăn sử dụng để làm sạch bảng cân đối kế toán.

Tuy vậy, điều đó không làm thay đổi được các hệ số tài chính quan trọng của doanh nghiệp như nợ trên vốn chủ sở hữu, nợ trên tổng nguồn vốn, hiệu quả sử dụng vốn (ROE), hiệu quả sử dụng tài sản (ROA)…, vốn là các chỉ tiêu quan trọng khi ngân hàng, đối tác xem xét đầu tư, cho vay.

Hơn thế, dù “lỗ lũy kế tới đâu, xóa tới đó”, nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc của Yeah1 vẫn hiện hữu. Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp bị huỷ niêm yết bắt buộc nếu lỗ 3 năm liên tiếp hoặc số lỗ luỹ kế vượt vốn điều lệ của doanh nghiệp.

Nếu ba quý còn lại của năm 2021, hoạt động kinh doanh không có sự đột phá, Yeah1 tiếp tục thua lỗ, Công ty sẽ rơi vào trường hợp bắt buộc phải hủy niêm yết thứ nhất.

Từng đạt mức giá 350.000 đồng/cổ phiếu khi mới lên sàn, đến cuối tuần qua, thị giá cổ phiếu YEG chỉ còn 22.500 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu YEG đã rơi vào diện bị kiểm soát, chỉ còn được giao dịch vào phiên chiều. Yeah1 chỉ còn 9 tháng để chạy về mốc lợi nhuận cả năm đạt 4 tỷ đồng, mới thoát án hủy niêm yết. Một thách thức không nhỏ cho Ban lãnh đạo Công ty.

Vũ Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục