Tiếp tục xóa lỗ lũy kế bằng thặng dư vốn cổ phần
Đưa cổ phiếu lên sàn niêm yết từ năm 2018, với tham vọng trở thành doanh nghiệp kỳ lân, với vốn hóa chạm tỷ USD, nhưng Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1 liên tục gây thất vọng cho nhà đầu tư.
Từ mức giá cao ngất ngưởng trên 300.000 đồng/cổ phiếu, thị giá cổ phiếu này đã tuột dốc mạnh, hiện chỉ còn quanh vùng giá 30.000 đồng/cổ phiếu theo những thông tin tiêu cực về tình hình kinh doanh.
Mới đây, Yeah1 đã công bố báo cáo kiểm toán năm 2020 với việc ghi nhận thêm khoản lỗ 29,2 tỷ đồng so với báo cáo tự lập, nâng số lỗ lên 180 tỷ đồng. Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã quyết định đưa cổ phiếu YEG vào diện kiểm soát từ ngày 12/4 do lợi nhuận sau thuế Công ty đã có năm thứ hai liên tiếp thua lỗ (lợi nhuận cổ đông công ty mẹ năm 2019 lỗ 385,3 tỷ đồng, năm 2020 lỗ 181,6 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2020 âm 219,28 tỷ đồng). Theo đó, cổ phiếu này chỉ có thể giao dịch được trong phiên chiều.
Dự kiến, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, tổ chức vào 27/4, Yeah1 sẽ xin ý kiến cổ đông về việc dùng thặng dư vốn cổ phần để xoá lỗ luỹ kế năm 2020. Được biết, tính tới 31/12/2020, doanh nghiệp có thặng dư vốn cổ phần là 772,9 tỷ đồng. Nếu như xoá toàn bộ lỗ luỹ kế năm 2020, Công ty còn thặng dư vốn cổ phần 553,62 tỷ đồng.
Đây không phải lần đầu tiên Công ty thực hiện xoá lỗ luỹ kế bằng thặng dư vốn cổ phần. Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2020, Yeah1 đã thông qua việc sử dụng một phần nguồn thặng dư vốn cổ phần để xoá lỗ luỹ kế tới thời điểm 31/12/2019, với mức lỗ luỹ kế 305,4 tỷ đồng.
Nếu được cổ đông thông qua, chỉ trong vòng chưa đầy 2 năm, Yeah1 trích ra 524,7 tỷ đồng từ thặng dư vốn cổ phần để xóa lỗ lũy kế trên bảng cân đối kế toán.
Yeah1 cho biết, giải pháp này nhằm lành mạnh hoá tình hình tài chính của Công ty. Trên báo cáo tài chính 2020 của Yeah1, số lỗ lũy kế tại thời điểm cuối năm 2020 là 219,3 tỷ đồng, đúng bằng số lỗ trong năm qua. Như vậy, về cơ bản, doanh nghiệp đã xoá lỗ luỹ kế năm 2019 và chỉ còn lại lỗ của năm 2020.
Nếu kế hoạch này được thông qua, chỉ trong vòng chưa đầy 2 năm, doanh nghiệp trích ra 524,7 tỷ đồng từ thặng dư vốn cổ phần để xóa lỗ lũy kế trên bảng cân đối kế toán.
Cùng với việc thua lỗ nặng, các chỉ số tài chính của Công ty cũng xấu đi. Thời điểm lên niêm yết vào cuối năm 2018, Yeah1 có tổng số tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn lên tới 1.111,2 tỷ đồng, chiếm 56,6% tổng tài sản.
Tuy nhiên, tới thời điểm cuối năm 2020, giá trị khoản mục này chỉ còn 59,2 tỷ đồng, chiếm 4,3% tổng tài sản. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh liên tục thâm hụt vốn kéo dài dẫn tới lượng tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn liên tục suy giảm.
Được biết, số tiền 1.111,2 tỷ đồng năm 2018 chủ yếu là tiền thu từ phát hành cổ phiếu, nhận vốn góp của chủ sở hữu. Như vậy, doanh nghiệp về cơ bản đã sử dụng gần hết lượng tiền thu được từ đợt tăng vốn để bù đắp thâm hụt dòng tiền hoạt động kinh doanh chính.
Giai đoạn 2019-2020, doanh nghiệp kinh doanh dưới giá vốn khi lợi nhuận hoạt động kinh doanh chính (doanh thu thuần – giá vốn hàng bán – chi phí bán hàng - chi phí quản lý doanh nghiệp) lần lượt lỗ 424,1 tỷ đồng và lỗ 236,5 tỷ đồng và chưa có dấu hiệu khởi sắc.
Số lỗ trong năm 2020 còn có thể lớn hơn con số 180 tỷ đồng nếu như Công ty không ghi nhận thu nhập khác là 78,2 tỷ đồng, chủ yếu từ việc chuyển nhượng 25% cổ phần tại ứng dụng Mega1, một ứng dụng được phát triển bởi Công ty cổ phần Giải trí Yeah1 cho một bên thứ ba.
Bên cạnh đó, chất lượng tài sản cũng là dấu hỏi khi doanh nghiệp liên tục phải tăng trích lập dự phòng.
Tính tới 31/12/2020, khoản phải thu ngắn hạn là 752,6 tỷ đồng, Công ty phải trích lập tới 293,2 tỷ đồng.
Trong đó, đáng chú ý là khoản phải thu Công ty cổ phần World Trading Group 128,8 tỷ đồng, bao gồm trong số dư là khoản ứng trước 70 tỷ đồng để mua lại 25% tỷ lệ sở hữu tại ứng dụng Mega1 đã chuyển nhượng.
Như vậy, việc chuyển nhượng Mega1 chủ yếu ghi nhận doanh thu mà chưa ghi nhận dòng tiền về Công ty. Ngoài ra, Yeah1 còn khoản phải thu từ thanh lý công ty con 278,7 tỷ đồng liên quan tới nhượng bán Công ty ScaleLab Pte, Ltd trong năm 2019, đã trích lập 100% dự phòng.
Với khoản tồn kho 129,7 tỷ đồng hàng hóa, doanh nghiệp cũng phải trích lập dự phòng giảm giá tới 34,2 tỷ đồng.
Tổng trích lập dự phòng khoản phải thu và tồn kho lên tới 327,4 tỷ đồng, trong khi tài sản chỉ có 1.384,97 tỷ đồng, cho thấy việc quản trị của doanh nghiệp có vấn đề.
Không thay đổi được bức tranh khó khăn của doanh nghiệp
Việc sử dụng thặng dư vốn để xoá lỗ luỹ kế giúp khoản mục lợi nhuận sau thuế luỹ kế của doanh nghiệp tăng lên, nhưng làm khoản thặng dư vốn cổ phần giảm đi một khoản tương ứng và tổng vốn chủ sở hữu không thay đổi. Đây là giải pháp tình thế mà các doanh nghiệp kinh doanh khó khăn sử dụng để làm sạch bảng cân đối kế toán.
Tuy vậy, điều đó không làm thay đổi được các hệ số tài chính quan trọng của doanh nghiệp như nợ trên vốn chủ sở hữu, nợ trên tổng nguồn vốn, hiệu quả sử dụng vốn (ROE), hiệu quả sử dụng tài sản (ROA)…, vốn là các chỉ tiêu quan trọng khi ngân hàng, đối tác xem xét đầu tư, cho vay.
Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp sau khi quyết toán thuế mà bị lỗ thì chuyển toàn bộ và liên tục số lỗ vào thu nhập của những năm tiếp theo. Thời gian chuyển lỗ tính liên tục không quá 5 năm, kể từ năm tiếp sau năm phát sinh lỗ.
Như vậy, về cơ bản, doanh nghiệp có thể chuyển lỗ trong vòng 5 năm để giảm lợi nhuận, từ đó giảm tiền thuế phải nộp cho Nhà nước trong các kỳ báo cáo tiếp theo.
Việc Yeah1 “lỗ tới đâu xóa tới đó” bằng thặng dư vốn cổ phần có phần khác biệt với nhiều doanh nghiệp. Thường thì các doanh nghiệp sẽ giữ lỗ luỹ kế để được khấu trừ thuế trong các kỳ tiếp theo, giảm số thuế phải nộp, làm tăng sức mạnh dòng tiền.
Trong quá khứ, từng có nhiều doanh nghiệp áp dụng biện pháp này, chẳng hạn, năm 2019, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Petrolimex (PIT) dùng toàn bộ 55,6 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần để xoá lỗ luỹ kế.
Năm 2020, Công ty cổ phần Chứng khoán Dầu khí (PSI) dùng thặng dư vốn cổ phần để xoá toàn bộ 41,28 tỷ đồng lỗ luỹ kế. Hai doanh nghiệp này cũng phải đợi hết thời hạn 5 năm mới thực hiện việc xoá lỗ luỹ kế.
Với tình hình kinh doanh nhiều khó khăn như hiện tại, nguy cơ doanh nghiệp thua lỗ tiếp và cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc hiện hữu.
Trước mắt, thanh khoản của cổ phiếu YEG sẽ khó khăn hơn khi chỉ được giao dịch trong phiên chiều, mà lâu nay sàn HOSE thường xuyên rơi vào tình trạng “đơ”, nghẽn lệnh vào thời gian này.
Đáng chú ý, trước khi thông tin cổ phiếu bị kiểm soát và chỉ giao dịch trong phiên chiều từ ngày 12/4, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch Hội đồng quản trị Yeah1 đăng ký bán ra 250.000 cổ phiếu để giảm sở hữu từ 25,52% về còn 24,72%, giao dịch dự kiến thực hiện từ 6/4 đến 4/5/2021.