Mối lo vị thế USD suy yếu trên thị trường toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cùng với đà giảm giá của USD trong những phiên giao dịch vừa qua, mối lo ngại vị thế của “đồng bạc xanh” tại các thị trường tài chính toàn cầu suy giảm một lần nữa trở thành tâm điểm.
Mối lo vị thế USD suy yếu trên thị trường toàn cầu

Goldman Sachs Group Inc đã bất ngờ lên tiếng thể hiện mối lo ngại về sức mạnh của USD, khi nhận định đồng bạc xanh đang ở “tình trạng nguy hiểm” có thể đánh mất vị thế đồng tiền dự trữ trên thế giới.

Với việc quốc hội Mỹ tiến gần tới quyết định sẽ thực thi thêm các chính sách nới lỏng tài khóa để cổ vũ tăng trưởng kinh tế trước tác động của đại dịch Covid-19 và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã thu mua tài sản với giá trị lên tới khoảng 2.800 tỷ USD trong năm 2020, các chiến lược gia tại Goldman Sachs cho rằng, chính sách của nước Mỹ sẽ kích hoạt mối lo ngại đồng tiền mất giá, dẫn tới vị trí thống trị của USD tại các thị trường tài chính bị lung lay.

Quan điểm này hiện mới chỉ đại diện cho tiếng nói thiểu số, nhưng thực tế, tâm lý lo lắng đã “thâm nhập” vào các thị trường kể từ tháng 7: Nhà đầu tư đánh giá việc liên tiếp in tiền sẽ dẫn tới lạm phát cao trong những năm tới, khiến USD giảm giá trị và nhanh chóng tìm tới thị trường vàng.

Mối lo vị thế USD suy yếu trên thị trường toàn cầu ảnh 1

Giá vàng tăng trong bối cảnh lãi suất giảm.

“Vàng luôn là ‘đồng tiền’ được tìm tới cuối cùng nhằm tránh bão, nhất là trong môi trường mà các chính phủ không ngừng in tiền, đẩy lãi suất xuống mức rất thấp. Thời điểm hiện tại, có rủi ro thực sự với vị thế lâu năm như là đồng tiền dự trữ của USD”, các chiến lược gia của Goldman nhận định.

Giá vàng tăng lên mức kỷ lục đã truyền tải thông điệp về sự lo lắng đối với tình hình tăng trưởng kinh tế thế giới.

Goldman Sachs đã nâng dự báo giá vàng trong 12 tháng tới lên 2.300 USD/ounce, so với mức 2.000 USD/ounce trong lần dự báo trước đó.

Hiện tại, giá vàng giao dịch quanh ngưỡng 1.950 USD/ounce. Việc Fed kiên định với chính sách lãi suất thấp sẽ là động lực quan trọng tiếp tục thúc đẩy đà leo dốc của kim loại quý này.

Trong khi đó, chỉ số Bloomberg Dollar đo lường sức mạnh của USD trong tháng 7 ở mức thấp nhất 1 thập kỷ qua.

Một áp lực khác mà USD đang phải đối mặt là sức mạnh gia tăng của euro. Các chiến lược gia tại Credit Agricole và Mizuho International Plc đánh giá, việc các lãnh đạo Liên minh Châu Âu (EU) đồng ý thực thi gói hỗ trợ trị giá 750 tỷ euro (860 tỷ USD) sẽ nâng cao vị thế của đồng tiền này và gia tăng tỷ trọng của các loại tài sản định giá bằng euro.

Bên cạnh đó, theo thỏa thuận, các quốc gia EU có thể cùng phát hành các tài sản nợ định giá bằng euro, thay thế cho các trái phiếu Mỹ bằng USD hiện tại. Đây cũng được xem là một loại tài sản trú ẩn an toàn đối với nhà đầu tư tư trong thời gian tới.

Ulf Lindahl, CEO A.G.Bisset Associates, người có hơn 40 năm kinh nghiệm tại thị trường tiền tệ nhận định, euro có thể tăng giá trên 30% so với USD trong 16 tháng tới.

Trong trung hạn, sự hồi phục của euro chắc chắn sẽ tạo nên thử thách đối với cả USD và trái phiếu chính phủ Mỹ.

Trong phiên giao dịch thứ Ba (28/7), euro đã chạm ngưỡng cao nhất kể từ tháng 1/2019 và tăng gần 3% kể từ đầu năm tới nay.

Hiện tại, USD đang là đồng tiền được sử dụng trong 88% các giao dịch tiền tệ, theo báo cáo gần nhất của Bank of International Settlements, đồng thời chiếm khoảng 62% các quỹ dự trữ ngoại tệ trên toàn cầu, giảm so với mức đỉnh khoảng hơn 85% vào những năm 1970, theo số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Trong khi đó, euro chỉ chiếm khoảng 20% lượng dự trữ ngoại tệ trên thế giới. Mức đỉnh là 28% đạt được vào năm 2009.

Lam Phong
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục