Trung Quốc dùng tiền điện tử nội địa tạo thế đối trọng với USD

(ĐTCK) Việc chính quyền Đại lục tiến hành chương trình thử nghiệm một phiên bản điện tử chính thức của đồng tiền nội địa thu hút sự chú ý lớn, nhất là khi tham vọng gia tăng quyền lực tại hệ thống tài chính và thay đổi sức ảnh hưởng của đồng USD trên thị trường được bộc lộ rõ.
Trung Quốc dùng tiền điện tử nội địa tạo thế đối trọng với USD

Đồng tiền điện tử do Chính phủ Trung Quốc phát hành đang được đưa vào thử nghiệm với quy mô nhỏ tại 4 thành phố (Thẩm Quyến, Tô Châu, Thành Đô và Xiong’an - một thành phố thông minh mới được xây dựng tại phía Tây Nam Bắc Kinh).

Báo chí địa phương cho biết, đồng tiền này được phân phối theo một dạng trợ cấp cho cá nhân sử dụng các phương tiện vận chuyển tại Tô Châu.

Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc có thể đưa vào thử nghiệm ở quy mô lớn hơn vào dịp Olympics mùa đông 2022 tại Bắc Kinh.

Hiện tại, đa phần các đồng tiền thanh toán điện tử xuất phát từ việc chuyển đổi tiền tại các tài khoản ngân hàng sang các ứng dụng ví điện tử.

Trong khi đó, đồng tiền điện tử của chính phủ được thiết kế như một phiên bản điện tử của giấy bạc, hoặc tiền xu: Chỉ tồn tại ở ví điện tử trên điện thoại, thay vì ví thông thường.

Giá trị của đồng tiền được nhà nước đảm bảo. Loại tiền điện tử này có thể sử dụng nhanh chóng, đơn giản hơn so với giấy bạc và tất nhiên cho phép giới chức Trung Quốc sở hữu quyền lực kiểm soát, giám sát mạnh mẽ hơn nhiều so với tiền giấy thông thường.

Hiện tại, tổng giá trị thanh toán tiêu dùng bằng ứng dụng di động của 2 gã khổng lồ công nghệ Alibaba Group Holding Ltd và Tencent Holdings Ltd, với 2 sản phẩm Alipay và WeChat, tương đương 16% GDP Trung Quốc, trong khi tỷ lệ này tại Mỹ và Anh đạt chưa đầy 1%.

Điều này khiến giới chức quản lý không khỏi lo ngại việc quá nhiều nguồn lực tài chính đang được đổ dồn vào tay một vài doanh nghiệp lớn.

Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Yi Gang từng nhấn mạnh: “Các công ty công nghệ lớn mang tới cho hệ thống nhiều thách thức và rủi ro tài chính. Trong cuộc chơi này, người thắng giành được tất cả, bởi vậy thế độc quyền đang là vấn để nổi cộm”.

Theo đó, việc phát hành đồng nhân dân tệ điện tử, cùng hệ thống phân phối mới trước mắt sẽ tạo thế lực cạnh tranh với Alibaba và Tencent trên thị trường trong thời gian tới.

Về lâu dài, trong mắt của giới chức quản lý, sự trỗi dậy của các đồng tiền điện tử như Bitcoin và Ether cũng là mối đe dọa với các hoạt động kinh tế.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc kiểm soát chặt việc sử dụng các đồng tiền điện tử độc lập này, dù nhanh chóng nhận biết ý tưởng đầy tiềm năng về tiền điện tử và đưa ra đồng tiền số được kiểm soát bởi nhà nước. Trung Quốc đã bắt đầu nghiên cứu dự án phát hành đồng tiền điện tử riêng ít nhất là từ năm 2014.

“Đằng sau việc phát hành đồng tiền điện tử là ý chí chính trị mạnh mẽ. Trung Quốc nhận thấy cơ hội trở thành người dẫn đầu thị trường toàn cầu tại lĩnh vực này”, Andrew Polk, đồng sáng lập, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Trivium China nhận định.

Dù sẽ còn mất nhiều năm nữa để đồng nhân dân tệ điện tử được sử dụng trên quy mô toàn quốc, nhưng Trung Quốc vẫn đang tạo ra thế đối chọi chính đối với sự thống trị của Mỹ trên hệ thống tài chính toàn cầu.

Aditi Kumar, Eric Rosenback tại Harvard Kennedy School, tác giả Foreign Affairs cho rằng, đồng nhân dân tệ điện tử có thể cho phép nhiều quốc gia dễ dàng thoát khỏi các lệnh cấm vận của Mỹ, hoặc chuyển tiền mà không bị Chính phủ Mỹ theo dấu.

Nguyên nhân là hệ thống tiền điện tử có thể chuyển tiền xuyên biên giới, mà không cần phải qua hệ thống thanh toán quốc tế dựa vào USD hiện nay.

“Cũng có khả năng các quốc gia khác sẽ học hỏi từ Trung Quốc để thiết lập hệ thống của riêng mình. Khi đó, lợi thế của người đi đầu có thể tạo ảnh hưởng rất lớn lên hệ thống”, Matthew Graham, CEO Sino Global Capital đánh giá.

Một khi công cuộc thử nghiệm được bắt đầu, mọi chuyện có thể diễn tiến nhanh chóng. Hơn 80% điện thoại di động đang được sử dụng tại Trung Quốc thường xuyên thực hiện các giao dịch thanh toán, tỷ lệ cao nhất trên thế giới, theo UBS Group AG.

Bài kiểm tra sẽ nằm ở việc liệu người tiêu dùng Trung Quốc có tin tưởng vào công nghệ của đồng tiền mới, cũng như việc chính phủ kiểm soát nó.     

Lam Phong
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục