Mối lo nợ xấu quay trở về các ngân hàng thương mại

(ĐTCK) Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thể hiện quyết tâm xử lý nợ xấu trong việc thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và đã có những điều chỉnh chính sách để cơ quan này hoạt động hữu hiệu hơn. Tuy nhiên, câu chuyện nợ xấu vẫn còn những bỏ ngỏ chưa kết thúc.
Quá trình xử lý nợ xấu không thể tách rời tiến trình cơ cấu lại hệ thống các ngân hàng Quá trình xử lý nợ xấu không thể tách rời tiến trình cơ cấu lại hệ thống các ngân hàng

Nợ xấu được giải quyết chỉ là bề mặt?

Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) 2016 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định, số lượng nợ xấu theo báo cáo đến cuối năm 2015 giảm xuống còn 2,7% tổng dư nợ, chủ yếu thông qua việc chuyển nợ xấu từ các NHTM cho VAMC. Nhưng với nguồn vốn có hạn và thiếu một khuôn khổ pháp lý đầy đủ để giải quyết nợ xấu, cho đến cuối tháng 12 năm ngoái, công ty này mới chỉ bán lại hoặc thu hồi được khoảng 9% số nợ xấu mình đã mua về.

Chia sẻ với ĐTCK, ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch VAMC cho biết, kể từ khi thành lập đến nay Công ty đã mua được nợ xấu của 41 tổ chức tín dụng (TCTD) bằng trái phiếu với số lượng khách hàng là 16.075; 24.556 khoản nợ; 244.082 tỷ đồng tổng số dư nợ gốc, phát hành 208.636 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt để mua 237.350 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng. Riêng 3 tháng đầu năm 2016, mua được 727 tỷ đồng trái phiếu và dư nợ gốc 747 tỷ đồng.

“VAMC quản lý khoản nợ dư nợ gốc (nghĩa là kể cả TCTD đã trích lập dự phòng rủi ro) là 244.082 tỷ đồng, như vậy số trích dự phòng rủi ro khoảng 7.000 tỷ đồng. Trong 3 tháng đầu năm 2016 đã thu hồi nợ được 3.217 tỷ đồng. Theo đó, kể từ khi thành lập đến nay tổng số VAMC đã thu hồi nợ, bán tài sản đảm bảo, bán nợ được 26.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ trên số dư nợ gốc là trên 11%. Đây là tỷ lệ rất đáng khích lệ”, ông Hùng nói.

Về phía các TCTD, ông Nguyễn Đức Vinh,Tổng giám đốc VPBank cho biết, tổng chi phí dự phòng trích lập của Ngân hàng tăng cao nhằm xử lý nợ xấu và dự phòng nợ xấu cho năm 2015 là 3.278 tỷ đồng, tăng 2.298 tỷ đồng so với năm trước. Bên cạnh đó, năm 2015, nhà băng này đã thu hồi được 1.700 tỷ đồng gốc nợ xấu và gần 300 tỷ đồng nợ lãi của các khách hàng tồn lâu năm. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB chia sẻ, năm 2015, Ngân hàng đã xử lý và thu được 1.300 tỷ đồng nợ xấu; bán cho VAMC là 600 tỷ đồng, tuy nhiên, lợi nhuận OCB năm 2015 chỉ đạt được 70% chỉ tiêu đặt ra đầu năm một phần do OCB phải trích dự phòng rủi ro cao.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, các NHTM đã rất cố gắng xử lý thu hồi nợ, phần còn lại đẩy sang VAMC nhưng đến thời điểm này mới thu hồi được 10% nợ xấu, 90% vẫn còn nguyên trên sổ sách của VAMC và có khả năng sẽ quay lại với các ngân hàng. Do vậy, trong công cuộc tái cơ cấu, xử lý nợ xấu có thể được xem là kém hiệu quả nhất, trong khi thật ra có thể đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu nếu các khung pháp lý đồng bộ, hoàn thiện, giúp việc xử lý tài sản bảo đảm nhanh hơn.

“Đặc biệt, câu chuyện mua bán nợ vẫn là mua bán hình thức không phải theo đúng quy luật thị trường. Tuy đã có những sự điều chỉnh, bao gồm VAMC tăng vốn điều lệ, mua bán nợ xấu theo giá thị trường và phát hành loại trái phiếu thông thường, không phải đặc biệt, nhưng tất cả mới chỉ là trên giấy tờ chứ chưa thực hiện mua bằng tiền mặt hay trái phiếu phổ thông để các ngân hàng bán nợ có thể sử dụng trái phiếu mang ra thị trường thứ cấp lấy lại thanh khoản. Do đó, nợ xấu được giải quyết vẫn chỉ là bề mặt”, TS. Hiếu nói. 

Cần nguồn lực tài chính, khung khổ pháp lý đủ mạnh

Theo TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, vấn đề quan trọng của câu chuyện nợ xấu là cần xử lý nốt những khoản nợ xấu còn lại, đây là những khoản nợ xấu khó xử lý hơn nhiều so với những khoản đã được xử lý trước đây. Mặt khác, cần kiểm soát tốt dư nợ tín dụng cho vay để không làm tăng thêm quy mô nợ xấu trong bối cảnh tổng tín dụng cho nền kinh tế đã tăng trên 19% năm 2015.

“Quá trình xử lý nợ xấu không thể tách rời tiến trình cơ cấu lại hệ thống các NHTM nên ngoài việc tăng cường thanh tra, giám sát hệ thống các TCTD, nhất là việc phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro thì cần kiên quyết xử lý vấn đề sở hữu chéo và cho vay DN “sân sau” của các TCTD”, TS. Ánh nói.

Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng, tình hình hiện nay của các NHTM không cho phép tiếp tục các biện pháp đã được thực hiện lâu nay (trong điều kiện không có tiền và khung pháp lý) như là khoanh nợ, giãn nợ, mua gom nợ về VAMC bởi vì số lượng các DN đã phá sản là rất lớn và ngày càng gia tăng.

Chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm 2016 đã có 16.471 DN phá sản, tăng 17,3% so với cùng kỳ. Nợ xấu của các NHTM cũng theo đó tăng lên rất nhanh, đặc biệt là nền tảng tài chính của các ngân hàng cũng suy giảm mạnh (ROE chỉ còn 5%; ROA chỉ còn 0,5%) và tỷ lệ chi phí hoạt động/tổng chi phí đã tăng lên xấp xỉ 20%, mà nợ xấu là nguyên nhân cơ bản.

“Số lượng nợ xấu theo báo cáo chính thức không lớn, nhưng nếu phân tích các chỉ tiêu tài chính của hệ thống ngân hàng Việt Nam và so sánh với các nước trong khu vực thì có thể ước lượng được khối lượng nợ xấu còn khá lớn. Điều đáng lo ngại là một loạt NHTM vừa và nhỏ đang rất chật vật với việc tìm nguồn vốn để hoàn lại khối lượng lãi dự trữ khổng lồ (thực chất là lỗ) và để bù đắp tài sản xấu đang ngày càng gia tăng, trong bối cảnh DN chưa thực sự khởi sắc. Nếu không có nguồn lực tài chính cùng với đó là khung khổ pháp lý đủ mạnh thì không thể giải quyết được vấn đề tái cấu trúc ngân hàng, vốn đang ngày càng trở nên cấp bách”, TS. Nghĩa nhấn mạnh.   

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục