Mới lạ “bảo hiểm cây xanh”

(ĐTCK) Mới đây, chính quyền Đà Nẵng công bố chủ trương mua bảo hiểm an toàn cho cây xanh đô thị. Chủ trương này nếu được thực thi có thể tạo tiền đề cho các công ty bảo hiểm triển khai nhiều phân khúc bảo hiểm mới mẻ khác mà thị trường bảo hiểm trong nước chưa có.
Bảo hiểm cây xanh đô thị là lĩnh vực mới ở Việt Nam, song hứa hẹn có nhiều tiềm năng phát triển Bảo hiểm cây xanh đô thị là lĩnh vực mới ở Việt Nam, song hứa hẹn có nhiều tiềm năng phát triển

Thông tin được đăng trên trang web danang.gov.vn cho biết, UBND Thành phố vừa có văn bản giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính kiểm tra, rà soát, qua đó tổng hợp cụ thể chủng loại và số lượng cây cần mua bảo hiểm để làm cơ sở bố trí kinh phí mua bảo hiểm an toàn cây xanh đô thị đúng theo quy định, báo cáo, đề xuất cụ thể UBND Thành phố xem xét, quyết định. Tại Quyết định 06/2016/QĐ-UBND ban hành quy định quản lý cây xanh trên địa bàn Thành phố, để giảm thiểu thiệt hại khi có sự cố đối với cây xanh công cộng do Nhà nước quản lý, hàng năm, UBND Thành phố xem xét, bố trí kinh phí để đơn vị thực hiện dịch vụ cây xanh mua bảo hiểm an toàn cây xanh.

Tất nhiên, đây mới chỉ là chủ trương của Đà Nẵng và từ chủ chương đến việc triển khai kế hoạch này còn phải trải qua rất nhiều công đoạn bàn thảo giữa các bên liên quan với nhau. Bảo hiểm cây xanh đô thị có thể là phân khúc còn khá mới mẻ tại Việt Nam, nhưng đây lại là loại hình đã được triển khai rộng rãi ở các nước phát triển. Ở một số quốc gia, nhà nước mua bảo hiểm cho cây xanh để khi bị thiên tai hoặc cháy rừng... đã có bảo hiểm đền bù và giảm thiệt hại cho ngân sách  nhà nước.

Ở Việt Nam, trước khi thông tin Đà Nẵng xem xét mua bảo hiểm an toàn cho hệ thống cây xanh đô thị được thông báo chính thức, Sở Xây dựng một thành phố lớn cũng đã có những động thái thăm dò để triển khai kế hoạch này. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, kế hoạch này cũng chưa có diễn tiến mới. Các chuyên gia trong ngành bảo hiểm nhìn nhận rằng, việc triển khai bảo hiểm cây xanh thực tế không hề đơn giản, đặc biệt với khâu thẩm định giá trị bảo hiểm, vì cây xanh trồng trong đô thị gồm nhiều chủng loại cũng như độ tuổi và giá trị khác nhau. Hơn nữa, đánh giá những loại tổn thất như vậy cũng không phải dễ dàng.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, đại diện một công ty bảo hiểm cho biết, hiện công ty này chỉ đang triển khai bảo hiểm cho một số rừng cây công nghiệp như cao su, tràm… đối với các rủi ro như cháy, nổ, thiên tai… Đây là loại hình “bảo hiểm cây trồng” (tài sản). Tuy nhiên, các chủ rừng thường chỉ mua bảo hiểm khi họ đi vay vốn của ngân hàng và các ngân hàng yêu cầu phải mua bảo hiểm. Việc xác định giá trị bảo hiểm trong bảo hiểm cây trồng căn cứ theo giá trị thương mại của loại cây trồng đó. Bên cạnh đó, công ty bảo hiểm này cũng cho biết có thể xem xét việc “bảo hiểm trách nhiệm” cho các công ty công viên cây xanh (là đơn vị có chức năng quản lý, duy tu, cải tạo cây xanh đô thị - PV), đối với các trách nhiệm về thiệt hại tài sản, tính mạng của người dân khi chẳng may cây xanh gãy đổ... với những điều kiện cụ thể.

Đối với kế hoạch triển khai mua bảo hiểm cho cây xanh đô thị theo chủ trương mới đây của Thành phố Đà Nẵng, trong trường hợp cây bị bật gốc, gãy do thiên tai hoặc do con người phá hoại… để được doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường chi phí để trồng lại, tiết kiệm ngân sách, đại diện công ty bảo hiểm này cho rằng, đây là một ý tưởng rất mới mẻ, chưa có tiền lệ và rất đáng quan tâm. Tuy nhiên, việc bảo hiểm cho cây xanh đô thị có khác biệt lớn so với bảo hiểm cho cây trồng công nghiệp như nêu trên, đặc biệt là trong việc xác định giá trị cây xanh tham gia bảo hiểm.

“Khi bảo hiểm tài sản cho các resort, chúng tôi cũng loại trừ bảo hiểm cho các cây trồng trong resort khi chẳng may bị tổn thất do thiên tai hoặc do con người phá hoại”, đại diện công ty bảo hiểm trên cho biết thêm.

Ngọc Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục