Đầu tư Bất động sản ghi nhận ý kiến một số chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp về môi giới bất động sản Việt Nam.
Môi giới bất động sản là ‘linh hồn’ của thị trường
GS-TS. Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường
Theo quan điểm của một chuyên gia bất động sản tại Mỹ, có 3 dấu hiệu chỉ báo về sự suy thoái của thị trường bất động sản là môi giới không có việc làm, thị trường thế chấp vay tiền ngân hàng không hoạt động và không có các hoạt động về xây dựng trên thực tế.
Tại Việt Nam, trong thời gian thị trường bất động sản rơi vào khủng hoảng, lĩnh vực xây dựng không đến mức ngừng hoạt động, thế chấp tín dụng dù giảm, nhưng vẫn còn hoạt động, trong khi nghề môi giới chịu tác động nặng nề nhất. Hàng trăm sàn giao dịch bất động sản đóng cửa, hàng trăm môi giới chuyển nghề, nghỉ việc. Như vậy, rõ ràng nghề môi giới gắn với sự phát triển của thị trường, đó là một chỉ số rằng, thị trường bất động sản phát triển hay khủng hoảng.
Mặc dù vậy, tại Việt Nam, nghề môi giới vẫn còn chịu nhiều điều tiếng không tốt và thường gắn với tên gói là “cò”, bởi bị ảnh hưởng từ một số người làm ăn chộp giật, đưa thông tin sai cho khách, nhiều trường hợp mang tính lừa đảo... Chính vì vậy, cũng có ý kiến cho rằng, hoạt động môi giới là không cần thiết, làm tăng giá của sản phẩm, nên để người bán và người mua gặp trực tiếp nhau.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, người môi giới có vai trò rất quan trọng. Với người mua nhà, khi mua của chủ đầu tư, khách hàng chỉ được nghe thông tin một chiều, trong khi qua tư vấn của môi giới, sẽ tiếp cận được thông tin đa chiều hơn. Chính vì vậy, nghề môi giới luôn luôn tồn tại và tạo nên sức mạnh của thị trường.
Cốt lõi nhất của nghề môi giới chính là thông tin, thị trường sôi đông cũng nhờ yếu tố thông tin. Vì vậy, làm nghề môi giới mà không có thông tin, thì chắc chắn sẽ không làm được.
Để thị trường bất động sản phát triển, nghề môi giới phải cực kỳ chuyên nghiệp. Thực tế, ở các nước phát triển, hoạt động môi giới mang lại lợi ích cực kỳ lớn cho thị trường.
Thị trường bất động sản hiện đã từng bước hồi phục, nên trong thời gian tới, nghề môi giới bất động sản sẽ ngày càng chuyên nghiệp hóa hơn và có một chỗ đứng tốt trên thị trường.
Ngày trước nghề môi giới được gọi “cò” nhưng đến bây giờ các cơ quan nhà nước đã nhìn nghề này như là linh hồn của thị trường, đáp ứng nhu cầu thị trường, làm chuyên nghiệp hóa thị trường bất động sản.
Nghề môi giới là chỉ báo chính xác
TS. Nguyễn Minh Ngọc, Phó trưởng Khoa Bất động sản và Kinh tế tài nguyên, Đại học Kinh tế Quốc dân
Nghề môi giới gắn với sự phát triển của thị trường bất động sản, là chỉ báo thị trường đang nóng hay nguội, là cầu nối giữa cung và cầu. Bởi trên thực tế, không phải ai cũng có đủ am hiểu và điều kiện gặp gỡ chủ đầu tư để tìm hiểu về dự án mình quan tâm. Do đó, người tiêu dùng muốn mua nhà, thường thông qua môi giới, chính vì vậy mà nghề này tồn tại và làm cho thị trường sinh động hơn. Trong bối cảnh hiện tại, các chủ đầu tư cũng không thể tự mình phân phối tất cả các sản phẩm bất động sản tại dự án của mình, dù hầu hết họ đều có các sàn giao dịch bất động sản.
Những năm gần đây, vai trò và tầm ảnh hưởng của môi giới ngày càng thể hiện rõ nét trong hoạt động kinh doanh bất động sản. Họ không chỉ là chất xúc tác, giúp các giao dịch thành công, thúc đẩy thị trường phát triển, mà còn là chủ thể cung cấp thông tin của thị trường.
Là đơn vị trung gian, ứng xử với những tài sản giá trị lớn, những đóng góp của nhà môi giới trong thị trường bất động sản khá quan trọng, như giúp tiết kiệm thời gian cho khách hàng, giúp khách hàng giảm bớt căng thẳng trong thương vụ, giúp phát triển ý tưởng về bất động sản và mang lại sự an toàn cho khách hàng. Các nhà môi giới cũng hướng dẫn khách hàng trong quá trình hoàn tất thủ tục thực hiện thương vụ và đưa ra lời khuyên bổ ích.
Hiện nay, một người được coi là nhân viên môi giới bất động sản chuyên nghiệp, trước hết phải được đào tạo chuyên nghiệp về môi giới bất động sản. Bên cạnh đó, họ còn phải có khả năng giao tiếp tốt, luôn sáng tạo, bền bỉ, chịu khó, linh hoạt và nhạy bén, có vốn hiểu biết sâu rộng không chỉ trong lĩnh vực bất động sản, mà còn phải hiểu biết về nhiều lĩnh vực khác trong cuộc sống. Tôi cho rằng, nghề này rất đáng được tôn vinh và sẽ phát triển hơn nữa trong thời gian tới.
Tuy nhiên, để nghề môi giới phát triển một cách bền vững, các nhân viên môi giới thực sự là người đồng hành của cả chủ đầu tư và khách mua nhà, cần một quy chuẩn nghề nghiệp, chặt chẽ hơn với nghề này. Bởi nghề môi giới địa ốc, như nhiều nghề khác, cũng có những con sâu làm rầu nồi canh.
Môi giới là một nghề rất nhân văn
Ông Nguyễn Minh Quang, Chủ tịch HĐQT Sàn giao dịch Bất động sản Nam Long, thành viên HĐQT Tập đoàn Nam Long
Một nhà môi giới bất động sản chuyên nghiệp phải có sự kết hợp chính xác giữa khả năng nắm bắt thông tin nhanh nhạy, mối quan hệ rộng và sự chuyên nghiệp trong khi tác nghiệp. Thông tin nắm bắt được phải nhanh, hiệu quả, chính xác. Bên cạnh đó, muốn hành nghề môi giới bất động sản một cách bền vững, chữ tín với khách hàng luôn đã điều phải được đặt lên hàng đầu. Nếu khách hàng hài lòng với sản phẩm và thái độ của người môi giới, họ chính là người quảng bá hữu hiệu nhất đến với những khách hàng tương lai của nhà môi giới đó.
Muốn bán được hàng, người môi giới bất động sản có thể khai thác các mối quan hệ của người mua, người bán, các mối quan hệ trong cuộc sống, như bạn bè, người thân, hoặc khai thác các mối quan hệ với các nhà môi giới khác. Các nhà môi giới bất động sản chuyên nghiệp rất cần xây dựng và duy trì các mối quan hệ, vì vậy, họ cần khai thác triệt để các thông tin qua các phương tiện truyền thông, cũng như các mối quan hệ sẵn có.
Bên cạnh đó, môi giới cũng là nghề luôn ứng xử với những tài sản rất lớn, vì vậy, người làm nghề môi giới phải có tính trách nhiệm cao. Môi giới là một nghề rất nhân văn, là người giúp khách hàng lựa chọn, mang lại chất lượng sống cho chính khách hàng, thay khách hàng quyết định, mua cái gì, mua ở đâu, mua như thế nào, bán cái gì, bán ở đâu, bán như thế nào?...
Doanh nghiệp môi giới nội cần liên kết với nhau
Ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch CLB bất động sản Hà Nội
Tôi cho rằng, môi giới bất động sản Việt Nam chỉ làm được chức năng đơn giản nhất, ít lợi nhuận nhất, “xương” nhất, mà doanh nghiệp ngoại không mặn mà, đó là tư vấn mua bán căn hộ, nhà đất thuộc phân khúc bình dân.
Khi thị trường bất động sản nở rộ, đây là cuộc chơi của các “ông lớn” mác ngoại. Tuy nhiên, khi thị trường không sôi động, thì các “ông lớn” ngoại này nhường sân chơi phân phối cho doanh nghiệp trong nước để chuyển qua mảng quản lý, cho thuê, những mảng mang lại nhiều lợi nhuận nhất.
Trong khi đó, với các doanh nghiệp trong nước, việc phân phối độc quyền, bán hàng cho một dự án lớn hiện này có thể thực hiện được, nhưng để làm những dịch vụ về quản lý thì chắc chắn chưa đủ khả năng. Đơn giản nhất là một bản thuyết minh về dự án tiền khả thi đầu tư, báo cáo thị trường, doanh nghiệp ngoại thực hiện rất công phu, bài bản, bằng cả tiếng Anh và Việt. Cái này doanh nghiệp trong nước chưa làm được. Bên cạnh đó, các yếu tố về nội dung, kỹ thuật... đều là những điều không đơn giản đối với môi giới nội, do thiếu nguồn lực, quy trình chưa có.
Các sàn giao dịch nội cần phải tích lũy thêm kiến thức, kinh nghiệm, tự nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, dần đa dạng hoạt động. Để tăng sức cạnh tranh, các doanh nghiệp môi giới nội cần liên kết để có nhiều nguồn hàng hóa, thông tin cung cấp cho khách hàng, nâng cao chất lượng phục vụ.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966. 43. 45. 46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com |