
Áp lực “chuyển mình”
Nếu như cách đây 1 năm, nhìn vào “đường đua” bất động sản có thể thấy, nhiều chủ thể chỉ mới rời khỏi vạch xuất phát, thậm chí có trường hợp vẫn đứng bên ngoài quan sát. Còn hiện tại, thị trường ngày càng sôi động hơn và hầu hết các chủ thể đều trong trạng thái sẵn sàng bứt tốc, nhất là nhóm các nhà môi giới bất động sản.
Tại một diễn đàn về đầu tư bất động sản trong bối cảnh mới diễn ra cách đây không lâu ở Hà Nội, ông Nguyễn Trung Vũ - Chủ tịch Hội đồng quản trị Cen Land, một trong những doanh nghiệp đầu ngành môi giới địa ốc, nhiều lần đề cập tới thông điệp “thị trường bất động sản đang đứng trước một cuộc chơi mới hoàn toàn khác biệt với những thay đổi vô vùng lớn, kèm theo đó là những cơ hội chưa bao giờ lớn hơn cho các doanh nghiệp”.
Các cải cách thể chế, chính sách và tổ chức bộ máy hành chính nhà nước các cấp mang tính đột phá, chưa từng có tiền lệ, mang lại những luồng gió mới đầy sinh lực, đặc biệt với lĩnh vực bất động sản.
Khi đó, cuộc chơi sắp tới sẽ không còn là về giá cả, mà còn là về sản phẩm khi nguồn cung gia tăng nhanh với một loạt “siêu” dự án bám theo hạ tầng đô thị của các “ông lớn” như Vingroup, Sun Group, Ecopark, Masterise, MIK Group, Gamuda Land, CapitaLand, Flamingo…
Và lúc này, câu chuyện độc quyền bán hàng sẽ không tồn tại, mà phải rộng mở để tất cả các sàn môi giới tham gia. Khi đó, doanh nghiệp sẽ phải linh hoạt thích ứng với bối cảnh mới nếu muốn tồn tại và phát triển.
Trên thực tế, trong thời gian qua, một loạt doanh nghiệp môi giới bất động sản như Cenland, Đất Xanh Miền Bắc, SGO Land, G.Empire, Mai Việt Land, Four Home, Đông Tây Land, MS Real… liên tục thông báo tuyển hàng trăm, thậm chí cả nghìn ứng viên cho đội ngũ bán hàng.
Trong khi đó, các sàn phân phối từ Bắc chí Nam như Ninh Bình, Phú Thọ, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ (mới)… cũng đang xúc tiến xây dựng liên minh để tạo ra các “điểm chạm” mới nhằm tăng khả năng tiếp cận khách hàng, hướng tới sân chơi môi giới địa ốc minh bạch và chuyên nghiệp hơn.
Ông Phạm Tiến Mạnh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Đất Việt, Trưởng Văn phòng đại diện Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) tại Xuân Trường, Nam Định (cũ) cho hay, cơ hội từ việc sáp nhập địa giới hành chính là rõ ràng, nhưng cũng sẽ cạnh tranh gay gắt hơn rất nhiều.
Sự phát triển của thị trường mới với nhiều dự án quy mô lớn hơn đòi hỏi các công ty phân phối phải có đội ngũ nhân viên môi giới đông đảo và tinh nhuệ hơn để đáp ứng nhu cầu bán hàng.
Theo VARS-IRE, có đến 89% lực lượng môi giới bất động sản hiện nay chưa có chứng chỉ hành nghề hoặc chứng chỉ đã hết hiệu lực, trong đó 51,8% chưa có chứng chỉ và chưa từng qua đào tạo.
Các công ty này cần có năng lực, tiềm lực tài chính và chiến lược bán hàng hiệu quả để tồn tại và phát triển trong môi trường cạnh tranh cao. Sự chuyển dịch này cũng cho thấy khách hàng ngày càng có nhiều sự lựa chọn hơn.
Do đó, các công ty môi giới cần có khả năng nắm bắt xu hướng thị trường, hiểu rõ nhu cầu của khách hàng và đưa ra những giải pháp tư vấn, hỗ trợ phù hợp.
Nhu cầu cấp thiết trong việc chuẩn hóa đội ngũ
TS. Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhìn nhận, thị trường bất động sản đang bước vào chu kỳ phát triển mới và cuộc cạnh tranh của các doanh nghiệp môi giới là một phần của bức tranh thị trường.
Trong bối cảnh đó, người làm môi giới sẽ phải là “tai mắt” của thị trường, là “người gác cửa” chất lượng sản phẩm và là cầu nối trực tiếp đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Từ góc độ quản lý nhà nước, bà Tống Thị Hạnh - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cũng nhấn mạnh vai trò “cầu nối 2 chiều” của môi giới địa ốc: Vừa là người phản ánh trung thực diễn biến thị trường, vừa là kênh minh bạch hóa dữ liệu cho cơ quan quản lý.
Đặc biệt, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 lần đầu tiên trao quyền rõ ràng và trách nhiệm cụ thể cho lực lượng môi giới và sàn giao dịch bất động sản, từ đảm bảo pháp lý sản phẩm đến nghĩa vụ báo cáo, phòng chống rửa tiền và đi kèm với đó là yêu cầu năng lực cao hơn, đạo đức hành nghề chuẩn chỉnh hơn.
Tuy vậy, câu chuyện này cũng đặt ra những thách thức không nhỏ khi phần lớn lực lượng môi giới hiện tập trung cục bộ tại các thành phố lớn, trong khi nhiều dự án tốt tại các địa phương lại thiếu nhân sự bán hàng, thiếu kết nối với nhà đầu tư.
Ghi nhận thực tế cho thấy, vào giữa năm 2023 - thời điểm thị trường bất động sản khó khăn nhất, có tới 70-80% doanh nghiệp môi giới phải rời khỏi thị trường hoặc tạm ngừng kinh doanh.
Từ năm 2024 trở lại đây, mặc dù một lượng đáng kể người làm nghề đã quay trở lại thị trường, nhưng sự trở lại này vẫn “chưa thấm vào đâu” so với nhu cầu thực tiễn, theo đánh giá của VARS. Đó là chưa kể những ràng buộc chặt chẽ trong các quy định mới về nghề tại Luật Kinh doanh bất động sản 2023 khiến các doanh nghiệp môi giới không còn dễ dàng hoạt động như trước.
Khảo sát của Viện Nghiên cứu, đánh giá thị trường bất động sản (VARS-IRE) cho thấy, trong tổng số gần 30.000 nhà môi giới bất động sản đang hoạt động trên thị trường, có hơn 6.000 người hoàn thành chương trình đào tạo theo quy định tại Thông tư 04/2024/TT-BXD (hướng dẫn về chương trình khung đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch bất động sản), nhưng chưa thể tham gia các kỳ thi sát hạch do vướng mắc trong hướng dẫn tổ chức kỳ thi ở các địa phương.
Cũng theo VARS-IRE, có đến 89% lực lượng môi giới bất động sản hiện nay chưa có chứng chỉ hành nghề hoặc chứng chỉ đã hết hiệu lực, trong đó 51,8% chưa có chứng chỉ và chưa từng qua đào tạo; 24,1% đã qua đào tạo nhưng chưa có chứng chỉ; 12,8% có chứng chỉ nhưng đã hết hiệu lực và chỉ 11,3% có chứng chỉ hành nghề còn hiệu lực.
Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp môi giới không thể tuyển đủ nhân sự hợp pháp, nên ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động giao dịch và quá trình phục hồi của thị trường.
TS. Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS cho rằng, những con số trên phản ánh thực trạng đáng lo ngại về tính pháp lý hành nghề và đặt ra nhu cầu cấp thiết trong việc chuẩn hóa đội ngũ, tăng cường đào tạo và minh bạch hóa quy trình tổ chức thi sát hạch cấp chứng chỉ môi giới bất động sản.
Ngoài ra, sự thay đổi về công nghệ cũng đặt ra yêu cầu về cách tiếp cận khách hàng mới của các môi giới.
Trong đó, sự bùng nổ của công nghệ giúp thông tin trở nên minh bạch hơn, người mua nhà đã trở nên thông thái và có yêu cầu cao hơn rất nhiều, do đó người làm môi giới không thể chỉ dựa vào kỹ năng “chốt deal”, mà buộc phải trang bị kiến thức sâu rộng về quy hoạch, hạ tầng, pháp lý dự án và khả năng phân tích tài chính để chứng minh giá trị đầu tư dài hạn cho khách hàng.
Còn ông Mai Văn Tuyển - Giám đốc Công nghệ, Meey Group nhấn mạnh, ngành môi giới bất động sản đang đứng trước một giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ.
Không còn đơn thuần là nghề “đi tìm khách - chốt giao dịch” như trước, môi giới ngày nay đòi hỏi tư duy dữ liệu, kỹ năng số và khả năng sử dụng công nghệ hiện đại để đáp ứng tốc độ phát triển của thị trường.
Môi giới không còn là người kết nối thủ công, mà trở thành những chuyên gia tư vấn, vận hành dựa trên dữ liệu và công cụ số. Các nền tảng như Meey CRM, bản đồ số quy hoạch hay công nghệ 3D mô phỏng bất động sản… là những minh chứng cụ thể cho xu hướng này.