Chuẩn hóa môi giới là yêu cầu cấp bách
Như đã từng chia sẻ nhiều lần về nghề môi giới trên Báo Đầu tư Bất động sản, một lần nữa, chúng tôi khẳng định rằng, môi giới địa ốc là một nghề nhìn qua có vẻ hào nhoáng nhưng thực sự vất vả. Sự tự do vươn tới đỉnh cao nghề nghiệp ở chỗ nhân viên môi giới bất động sản có thể không cần lương cao, nhưng thu nhập từ hoa hồng môi giới có thể lên tới 7 - 8 con số hàng tháng.
Tùy vào công ty mà chính sách hoa hồng cho nhân viên môi giới bất động sản cao hay thấp. Chỉ cần làm phép tính nhỏ, một nhân viên môi giới bất động sản bán thành công căn nhà 1 tỷ đồng, họ đã có trong tay 50 - 60 triệu đồng. Con số không chỉ hấp dẫn với các bạn trẻ mới ra trường, mà còn với rất nhiều nhân sự làm trong các ngành nghề khác.
Chưa kể, nhân viên môi giới bất động sản thường không chôn chân ở môi trường công sở 8 tiếng mỗi ngày, mà địa điểm làm việc rất linh động, từ quán café, nhà hàng, đến nhà riêng của khách hàng. Ăn mặc đẹp, thu nhập cao khiến môi giới bất động sản trở thành nghề nghiệp đầy mơ ước của nhiều bạn trẻ.
Thế nhưng, nghề môi giới cũng là một nghề dễ dẫn đến việc sa lầy theo con đường mà người ta hay gọi là "cò" hoặc thậm chí là tình trạng lừa đảo huy động vốn bán dự án ảo như con đường mà Tập đoàn Alibaba đã thực hiện trong 2 năm vừa qua.
Với sự phát triển của Internet, công nghệ giúp việc tiếp cận khách hàng trở nên dễ dàng hơn khi chỉ cần chạy quảng cáo hoặc mua danh sách ở trên một số diễn đàn là đã có một tệp khách hàng để khai thác. Thế nhưng, khai thác như thế nào và hiệu quả ra sao lại là một câu chuyện khác.
Nghề môi giới bất động sản là một nghề được pháp luật thừa nhận và thực sự có đóng góp rất lớn cho sự phát triển chung của thị trường địa ốc. Nhưng mặt trái là thực tế hiện nay, số lượng môi giới hoạt động ngoài vòng kiểm soát của cơ quan quản lý là rất lớn.
Số liệu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam công bố cách đây không lâu cho thấy, có tới hơn 200.000 môi giới đang hoạt động, thế nhưng chỉ khoảng 1/10 trong số đó là có chứng chỉ nghề. Việc không được đào tạo một cách bài bản khiến khoảng trống về kiến thức và đạo đức nghề nghiệp, những tiêu chí đầu tiên và quan trọng nhất của nghề môi giới không được đảm bảo.
Hệ quả nhãn tiền là tình trạng chạy theo hoa hồng, phó mặc quyền lợi khách hàng, thậm chí thổi giá, lừa đảo. Câu chuyện Alibaba lừa đảo 2.500 tỷ đồng của gần 7.000 người mà không biết những người tham gia mua đất nền "ảo" của Alibaba đến bao giờ mới đòi được tiền là một ví dụ điển hình cho việc nếu không kiểm soát hoạt động môi giới, hậu quả sẽ nghiêm trọng thế nào.
Đừng để mất bò mới lo làm chuồng
Sau vụ việc Alibaba lừa đảo khách hàng ở một loạt tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, chính quyền các địa phương này đã có thông báo yêu cầu với các dự án mở bán phải công khai danh sách các đại lý môi giới dự án của mình, đồng thời các đại lý môi giới này phải đăng ký với chính quyền tỉnh và đặc biệt là các môi giới phải có chứng chỉ hoạt động mới được tham gia thị trường.
Tất nhiên, có những câu hỏi đặt ra là đến bây giờ mới có những cảnh báo có thể đã muộn khi thực tế, cách đây vài năm, nhiều phương tiện thông tin đại chúng đã lên tiếng về cách thức kinh doanh chộp giật, vi phạm pháp luật, gây lũng đoạn thị trường của những “con sâu” này. Tuy nhiên, muộn còn hơn không, nhìn ở một góc độ tích cực, ít nhất những việc này cũng là bài học để các cơ quan liên quan thúc đẩy hoạt động môi giới bất động sản đi vào chuẩn mực hơn.
Trong xã hội hiện nay, nhiều người cho rằng ai cũng có thể làm môi giới bất động sản vì ai cũng có thể “môi giới”, dẫn dắt một ai đó mua sản phẩm bất động sản. Tuy nhiên, có lẽ phải đặt vấn đề ngược lại, là không phải ai cũng có thể làm môi giới bất động sản. Thiết chế lỏng lẻo hiện nay khiến nhà môi giới tại Việt Nam nhìn chung đều “thờ ơ” và bỏ qua những quy định của pháp luật khi hành nghề. Khi chưa có nhiều chế tài pháp luật thì việc trông đợi các nhà môi giới tuân thủ đạo đức nghề nghiệp là rất khó.
Chính vì thế, vụ lừa đảo hàng ngàn khách hàng của Tập đoàn Alibaba bị phanh phui có thể xem là “bài học nhãn tiền” để bất cứ ai muốn trở thành thành viên trong lĩnh vực môi giới bất động sản cũng phải lưu ý hơn tới vấn đề trách nhiệm nghề nghiệp, và cụ thể hơn ở đây là việc phải được đào tạo bài bản và được cấp chứng chỉ thì mới được tham gia thị trường.
Tất nhiên, cũng lưu ý rằng, có chứng chỉ môi giới chưa hẳn đã là môi giới bất động sản giỏi bởi những khóa học cũng chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, chí ít những chương trình đào tạo này giúp cho người tham gia có cơ hội nắm bắt được những nguyên tắc cơ bản khi tham gia thị trường, đầu tiên là nguyên tắc thế nào là đạo đức khi làm nghề môi giới bất động sản.
Khi các nhà môi giới trở nên chuyên nghiệp hơn, ý thức nghề nghiệp rõ ràng hơn, thì họ sẽ biết tự kiểm soát tốt hơn, góp phần hạn chế được sự biến động của thị trường, làm ổn định giá cả, tránh được việc chạy theo, thậm chí tạo ra những cơn sốt giá “ảo”.
Trong khuôn khổ chương trình hoạt động của King Broker, phối hợp cùng với hoạt động đào tạo cấp chứng chỉ nghề nghiệp của Hội môi giới bất động sản Việt Nam VARS, Công ty cổ phần King Broker chiêu sinh khóa học Môi giới bất động sản dành cho những học viên tại Bà Rịa - Vũng Tàu từ ngày 5/10/2019.
Với sự chia sẻ của những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực môi giới cùng những diễn giả là các Luật sư và Lãnh đạo các doanh nghiệp có uy tín, các học viên sẽ có cơ hội lắng nghe và trao đổi về những kiến thức nền tảng cho hoạt động môi giới cũng như các cách thức hoạt động môi giới sao cho chuyên nghiệp và hiệu quả hơn trong bối cảnh bùng nổ cách mạng thông tin 4.0 như hiện nay.
Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ: 08.99999.249