Tăng trưởng
Theo số liệu từ Bộ Tài chính, ước tính hoạt động kinh doanh của các DN môi giới bảo hiểm 9 tháng đầu năm 2010, tổng phí bảo hiểm giới thiệu cho các công ty bảo hiểm đạt 1.544 tỷ đồng, tăng 5,51% so với cùng kỳ năm 2009. So với cùng kỳ năm 2009, đa số nghiệp vụ bảo hiểm có doanh thu phí thu xếp tăng, đặc biệt là nghiệp vụ bảo hiểm hàng không, bảo hiểm trách nhiệm chung, bảo hiểm sức khỏe và tai nạn con người. Bên cạnh đó, có những nghiệp vụ có phí thu xếp qua môi giới giảm như nghiệp vụ bảo hiểm tài sản và thiệt hại, bảo hiểm thiệt hại kinh doanh. Trong 9 tháng đầu năm 2010, doanh thu phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới đối với nghiệp vụ bảo hiểm nông nghiệp đã phát sinh, nhưng rất thấp (hơn 300 triệu đồng).
Trên thế giới, môi giới bảo hiểm là kênh phân phối bảo hiểm chủ đạo. 80 - 90% phí bảo hiểm ở Anh, Mỹ, Canada và Australia được bán qua các công ty môi giới. Các nước trong khu vực như Malaysia và Thái Lan cũng chiếm tới 30%. Tỷ lệ dịch vụ bảo hiểm được thu xếp qua môi giới ở Việt Nam còn khiêm tốn, chưa xứng với tiềm năng của thị trường trong giai đoạn nền kinh tế đang trên đường phát triển mạnh. |
Vẫn theo số liệu của Bộ Tài chính, hoạt động môi giới bảo hiểm tiếp tục tập trung ở các nghiệp vụ: bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại (44,75%), bảo hiểm sức khỏe và tai nạn con người (24,55%). Doanh thu từ hoạt động môi giới đạt khoảng 210,3 tỷ đồng, tăng 19,62% so với cùng kỳ năm 2009. Hoa hồng môi giới bảo hiểm tập trung chủ yếu ở các nghiệp vụ: bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại (45,45%), bảo hiểm sức khỏe và tai nạn con người (27,9%), bảo hiểm trách nhiệm chung (8%).
Qua 9 tháng đầu năm 2010, thị phần doanh thu hoa hồng môi giới bảo hiểm chủ yếu thuộc về các DN có vốn đầu tư nước ngoài như Aon Việt Nam (37,41%), Marsh (24,17%), GW (18,72%)… Trong khi đó, DN môi giới bảo hiểm trong nước có thị phần lớn nhất là Cimeico, với 8,02%, tiếp đến là Thái Bình Dương (5,26%), Á Đông (3,87%).
Bất cập
Mặc dù có sự tăng trưởng hàng năm, nhưng hoạt động môi giới bảo hiểm hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, khiến tốc độ tăng trưởng thấp. Hoạt động bảo hiểm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc góp phần phát triển kinh tế và bảo toàn ổn định kinh tế của đất nước. Các hình thức thúc đẩy để bảo vệ, thúc đẩy hoạt động các DN bảo hiểm cần được chú trọng. Hợp tác với các ngân hàng, các hiệp hội là một hình thức rất phổ biến ở các nước. Tuy nhiên, ở Việt Nam, theo quy định tại Điều 22 Nghị định 41 là các công ty môi giới bảo hiểm không được phép sử dụng hợp tác với các kênh phân phối này để phát triển sản phẩm bảo hiểm. Quy định này là một trong những nguyên nhân làm kìm hãm sự phát triển của thị trường bảo hiểm.
Liên quan đến phí môi giới bảo hiểm, Điều 6 Thông tư 155 quy định, công ty bảo hiểm được thanh toán phí môi giới, phí cho DN môi giới bảo hiểm tối đa là 15% trên phí bảo hiểm. Đây là mức khá thấp nếu so sánh với phí đại lý mà các DN bảo hiểm đang thực hiện nhiều nơi đến 30%. Theo các DN môi giới, Bộ Tài chính nên xem xét lại mức đó hoặc có thể để các công ty bảo hiểm, môi giới bảo hiểm tự định đoạt phí, hoa hồng.
Do sức ép cạnh tranh, muốn thuyết phục khách hàng nên trên thị trường môi giới bảo hiểm hiện nay xuất hiện những hoạt động không lành mạnh. Chẳng hạn, một số DN môi giới bảo hiểm đưa ra các điều khoản mở rộng không đúng với tập quán bảo hiểm như bảo hiểm hàng thiếu trong container còn nguyên kẹp chì, bảo hiểm các rủi ro bị loại trừ trong quy tắc bảo hiểm quốc tế... Như vậy, vô hình trung, các nhà bảo hiểm trong nước phải nhận cả rủi ro do người bán hàng ở nước ngoài gây ra và điều này dễ dẫn đến trục lợi bảo hiểm...
Đối với lĩnh vực bảo hiểm cháy, nổ sự tác động của một số môi giới bảo hiểm làm ảnh hưởng xấu đến thị trường bảo hiểm nói chung, như việc đưa ra đến 200 điều kiện mở rộng, bảo hiểm bổ sung không đồng bộ với nội dung đơn bảo hiểm và lấn sang phạm vi một số sản phẩm bảo hiểm khác. Thực trạng thu phí bảo hiểm thấp hơn phí tái bảo hiểm, đấu thầu bỏ phí thấp, môi giới bảo hiểm đưa ra quá nhiều điều khoản, điều kiện bảo hiểm phức tạp đã dẫn đến việc DN bảo hiểm không thể đảm bảo quyền lợi cho đối tượng bảo hiểm khi có tổn thất xảy ra.