Mối duyên lành đưa doanh nghiệp Việt Nam ra thế giới

(ĐTCK) Hơn 1 năm sau ngày ông Phạm Ngọc Minh, Tổng giám đốc Vietnam Airlines có bài phát biểu trước hàng trăm nhà đầu tư Nhật Bản về việc Tổng công ty mong muốn tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược, có thể là các hãng hàng không hoặc nhà đầu tư tài chính quốc tế, Vietnam Airlines đã chính thức chọn được “người bạn lớn” đầu tiên: ANA Holding - một hãng hàng không Nhật Bản. 
ANA mua 8,8% vốn của Vietnam Airlines ANA mua 8,8% vốn của Vietnam Airlines

ANA mua 8,8% vốn của Vietnam Airlines, mở ra kỳ vọng “mối duyên lành” giữa DN Việt Nam với quốc tế sẽ được viết tiếp bởi các tên tuổi lớn.

Người Nhật thận trọng

Tháng 4/2014, sự kiện có tên gọi “Việt Nam - điểm đến của nhà đầu tư Nhật Bản” được tổ chức tại Tokyo với sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng và sự tham dự của khoảng 30 DN Việt Nam đang cần tìm kiếm cổ đông chiến lược, trong đó có Vietnam Airlines.

Sự kiện đã thu hút hàng trăm tổ chức đầu tư Nhật Bản trong đó có đại diện nhiều tổ chức lớn như SBI Holding, Sumitomo Mitsui Asset Management Co., Sumitomo Life Insurance Company, Daiwa Securities, Daiwa Institute of Research, The TOA Institution, Misubishi Corporation, Knowledge Company, Mizuho Bank, Recof Cororation, Normura Securities, Resona Bank, JP Morgan Securities, Aizawa Securities...

Tuy nhiên, tạo ấn tượng với người Nhật và thúc đẩy dòng vốn Nhật chảy vào DN Việt Nam là câu chuyện không đơn giản, khi nhà đầu tư Nhật Bản đòi hỏi những cơ hội tương xứng và người Nhật nổi tiếng ở sự cẩn trọng. Đó có lẽ là lý do mà Vietnam Airlines và Vinatex được Đoàn Việt Nam lựa chọn là 2 DN trực tiếp đối thoại với nhà đầu tư Nhật để chia sẻ thông điệp về tìm cổ đông chiến lược và trả lời các câu hỏi họ quan tâm.

Vào thời kỳ đó, Vietnam Airlines đang trong giai đoạn gấp rút chuẩn bị IPO để thực hiện cổ phần hóa theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Để tạo niềm tin với các nhà đầu tư Nhật Bản, Tổng giám đốc Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh cho biết, quá trình xác định giá trị DN của Vietnam Airlines được thực hiện bởi 2 nhà tư vấn uy tín thế giới là Morgan Stanley và Citigroup.

Dù là DN thuộc ngành nghề kinh doanh đặc thù, nhưng ông Minh chia sẻ, nhà đầu tư chiến lược trước mắt có thể mua đến 20% vốn tại Tổng công ty, còn trong định hướng dài hạn, Nhà nước sẽ cho phép bán tới 51% vốn tại các DNNN lớn, trong đó có Vietnam Airlines.

Thông điệp từ Vietnam Airlines được nhà đầu tư Nhật Bản đón nhận với thái độ thận trọng. Không có nhiều câu hỏi được các nhà đầu tư nhà đầu tư xứ Hoa Anh đào đưa ra ngay tại sự kiện, mặc dù người điều phối chương trình, ông Dominic Scriven (Tổng giám đốc Dragon Capital) là một tên tuổi được biết đến trong giới đầu tư quốc tế và rất có kinh nghiệm trong việc dẫn dắt các cơ hội từ Việt Nam. Người Nhật không hồ hởi, nhưng cơ hội mua lớn luôn được họ chú ý kỹ càng trước khi sang giai đoạn chính thức tìm hiểu sâu hơn.

1,5 năm sau sự kiện xúc tiến đầu tư tại Tokyo, Vietnam Airlines công bố nhà đầu tư chiến lược đầu tiên đến từ Nhật Bản: ANA Holding. DN “đăng đàn” đối thoại với nhà đầu tư Nhật Bản cùng với Vietnam Airlines hôm đó, Tập đoàn Vinatex vẫn đang trên con đường tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược.

Bà Phạm Nguyên Hạnh, Phó tổng giám đốc Vinatex cho biết, Tổng công ty rất muốn tìm được nhà đầu tư chiến lược đủ sức trợ giúp Vinatex bứt phá. Tuy nhiên, thực tế, không dễ để thu hút dòng vốn lớn, khi ngay cả DN được coi là lớn tại Việt Nam cũng chỉ có vốn hóa rất khiêm tốn, khó “hợp khẩu vị” với các tổ chức đầu tư tầm cỡ nước ngoài.

Hàng chục DN lớn khác (Vinalines, Vinacomin, Licogi…) cùng tiếp xúc với các nhà đầu tư Nhật Bản, nhưng ghi nhận của ĐTCK cho thấy, để gặp được mối duyên lành kết nối DN Việt Nam với quốc tế vẫn còn phải chờ thêm thời gian.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Nhật Bản đã ghi danh vị trí số 1 về vốn đầu tư trực tiếp và vốn ODA tại Việt Nam và đó là lý do Việt Nam mong đợi và kêu gọi dòng vốn nơi đây quan tâm đến cơ hội từ cổ phần hóa, từ thị trường vốn. Sự cởi mở từ Việt Nam đã được người dân xứ Hoa Anh đào ghi nhận khi tờ Thời báo Tokyo phát hành ngay sau đó viết: “Nhân dân Nhật đánh giá rất cao hành trình này của Việt Nam”.

Tuy nhiên, người Nhật vốn thận trọng và kín kẽ. Họ không dễ dàng nói “Yes” hay “No” sau một vài cuộc họp. Điều đáng mừng là họ đã quyết định rót vốn vào Vietnam Airlines và sự kiện này cho thấy người Nhật không bỏ lỡ cơ hội. Vấn đề là Việt Nam mang hàng gì ra bán mà thôi… 

Người Mỹ khéo léo

Tháng 7/2015, trong nỗ lực tìm kiếm nguồn vốn mới cho DN và thị trường vốn, cuộc xúc tiến đầu tư tại trung tâm tài chính lớn nhất thế giới đã được Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức. Khác với sự thận trọng của người Nhật, người Mỹ hào hứng đón nhận cơ hội từ Việt Nam với rất nhiều lời khen và sự kỳ vọng. Ít nhất 2 tỷ phú người Mỹ đã có mặt tại sự kiện với những lời phát biểu nồng ấm dành cho Việt Nam.

Ông Wilbur L. Ross, tỷ phú xếp thứ 200 của Mỹ, thứ 600 trên toàn cầu, hiện sở hữu khối tài sản trên 3 tỷ USD đã nhận xét, trong góc nhìn của ông, Việt Nam là quốc gia an toàn nhất thế giới, đã và sẽ tiếp tục tăng trưởng cao và Việt Nam là điểm đến đáng quan tâm của dòng tiền đầu tư từ Mỹ. Cũng theo Wilbur L. Ross, Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ về sở hữu DNNN giữa Chính phủ và các nhà đầu tư tư nhân. Đây là cơ hội hiếm có và thú vị cho những người biết nắm bắt nó.

Ông James V. Calvano đến từ Quỹ đầu tư Vangurd chia sẻ, ông không nghĩ Hội nghị của Việt Nam lại mang đến những thông điệp tuyệt vời như thế. ”Việt Nam đúng là cách Mỹ rất xa về khoảng cách địa lý, nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ đến Việt Nam để cảm nhận rõ hơn các cơ hội ở đây và kết nối với nhà đầu tư của Vanguard”, James nói.

Giám đốc quản lý rủi ro của Merrion Financial Group, ông Joel W. Miller nhận xét, ông cảm nhận được sự cởi mở và cầu thị của Chính phủ Việt Nam khi tại đây, các nhà đầu tư không chỉ được đối thoại với Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch UBCK Việt Nam, mà còn có nhiều thông tin về chính sách thuế, về thủ tục đầu tư, đặc biệt là về các DN lớn đang cần gọi vốn. Chúng tôi rất ấn tượng và chắc chắn sẽ tìm hiểu chi tiết hơn cơ hội từ Việt Nam”, Joel nói. 

Người Việt Nam chân thành

Chủ trì Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Nhật Bản và Mỹ trong 2 năm vừa qua, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng truyền đi thông điệp về Việt Nam - một nền kinh tế năng động và đổi mới, mong muốn và sẵn sàng đón nhận các dòng vốn lớn. Tiến trình cổ phần hóa DNNN, nhất là những DN lớn, đang mở ra không gian chưa từng có cho các dòng vốn ngoại vào Việt Nam.

Hàng loạt chính sách pháp lý mới như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, các văn bản dưới luật về cổ phần hóa DNNN, về nới room, về TTCK phái sinh, về phát triển sản phẩm mới… đã được ban hành, tạo nên khung khổ pháp lý thông thoáng, trao quyền tự chủ cho các chủ thể kinh doanh, tìm kiếm các cơ hội hợp tác để vươn lên.

Sự phát triển của Việt Nam, theo cảm nhận của ông Peter F. Wilkinson, Phó Chủ tịch Manulife - tổ chức có 16 năm hoạt động tại Việt Nam, là: “Chúng tôi đã trải nghiệm và chúng tôi đang nhìn thấy một tương lai tươi sáng ở đất nước các bạn”. Chủ tịch Quỹ Harbinger, tỷ phú Philip A Falcone - người trực tiếp đầu tư vào dự án Hồ Tràm trên bãi biển Vùng Tàu từ năm 2007 thì chia sẻ, 8 năm qua, dự án của ông gặp không ít thăng trầm, nhưng ông tin ở nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, tin rằng quỹ của ông đã chọn đúng cơ hội, đúng thời điểm, đúng chỗ.

“8 năm trước, nhiều người bạn đã hỏi tôi tại sao chọn Việt Nam cho dự án có quy mô hơn 4 tỷ USD. Tôi thì không có sự băn khoăn như họ, vì tôi tin vào cơ hội ở một nền kinh tế tăng trưởng cao với thị trường 90 triệu dân, chủ yếu là dân số trẻ, giàu nỗ lực và nơi có những ngành công nghiệp đang cần nhiều yếu tố để bật lên. Ở đó chắc chắn có cơ hội cho dự án của chúng tôi”, ông Philip nói.

Vị tỷ phú này cho rằng, nguời Nhật Bản, người Trung Quốc, người Hàn Quốc cũng đang nhìn thấy cơ hội từ Việt Nam và đang nỗ lực để nắm bắt chúng. Thực tế, Nhật Bản và Hàn Quốc là hai quốc gia đứng đầu về vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư gián tiếp vào DN Việt từ hai quốc gia này còn khá hạn chế. Trong 1,5 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán tại Việt Nam, mới chỉ có khoảng 1.000 tài khoản là của nhà đầu tư Nhật. Tại Mỹ, nơi sở hữu thị trường vốn lớn nhất thế giới, nhưng cũng mới chỉ có khoảng 1.000 nhà đầu tư Mỹ mở tài khoản tại TTCK Việt Nam, với tổng giá trị mua một vài tỷ USD...

Mang hình ảnh của Việt Nam cùng những cơ hội đầu tư rộng mở ra thế giới, hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm thúc đẩy các dòng vốn lớn, quan tâm chảy vào các cơ hội phù hợp tại Việt Nam.

Từ Việt Nam, lãnh đạo nhiều DN chia sẻ, DN mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành sẽ thực hiện nhiều hơn các cuộc xúc tiến đầu tư, mở đường cho DN tiếp cận các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Sau Vietnam Airlines, DN nào sẽ gọi được dòng vốn lớn? Thay cho lời kết, xin dẫn lại lời ông Nguyễn Duy Hưng, doanh nhân đã lãnh đạo SSI từ một CTCK bé nhất khi khởi đầu thành CTCK lớn nhất hiện nay rằng: Hãy coi những NĐT nước ngoài là ân nhân.

"Giả thiết, nếu bán Vinamilk, trở thành một công ty nước ngoài, chúng ta sẽ tiếc nuối khi bị mất một thương hiệu mạnh của Việt Nam. Nhưng nếu việc đó là để Công ty ngày một lớn mạnh, trường tồn và cung cấp được sản phẩm tốt, với giá cạnh tranh cho người tiêu dùng, thì lại là việc nên làm".

Tường Vi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục