Cơ hội phát triển thị trường Hàn Quốc mở ra với An Phát khi mới đây, Bộ Môi trường và 9 bộ liên quan đã đệ trình Chính phủ Hàn Quốc kế hoạch 10 năm, nhằm linh hoạt xử lý việc tái chế lượng rác thải.
Mục tiêu của Hàn Quốc là giảm lượng rác thải khó tái chế trong toàn bộ quá trình sản xuất, tiêu dùng và khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Kế hoạch này bao gồm lệnh cấm hoàn toàn việc sử dụng cốc nhựa và ống hút nhựa dùng một lần ở các cửa hàng cà phê và những điểm công cộng vào năm 2027 và chuyển sang sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Hàn Quốc dự kiến sẽ giảm 20% lượng rác thải và nâng tỷ lệ tái chế thực tế từ 70% lên 82% vào năm 2027.
Trước khi bước vào thị trường Hàn Quốc, các sản phẩm bao bì vi sinh phân hủy hoàn toàn của An Phát đã có mặt tại nhiều nước châu Âu, đặc biệt là các thị trường lớn như Pháp, Ý, Anh…
Danh mục sản phẩm mà Tập đoàn sẽ xuất khẩu sang Hàn Quốc sắp tới khá đa dạng, bao gồm cả các sản phẩm như bao bì, cốc, thìa…, nhằm tận dụng cơ hội tạo ra từ các chính sách về môi trường của Chính phủ Hàn Quốc và nhận thức ngày càng được nâng cao của cộng đồng xã hội tại đây.
“Chính phủ Hàn Quốc có những hành động quyết liệt trong vấn đề môi trường và đây là lý do An Phát kỳ vọng Hàn Quốc sẽ là một điểm sáng về tăng trưởng tiêu thụ các sản phẩm tự hủy ở châu Á sắp tới, trở thành một trong những động lực tăng trưởng chính của ngành nhựa sinh học toàn cầu trong giai đoạn 2018 - 2022”, ông Đinh Xuân Cường, Tổng giám đốc Tập đoàn An Phát chia sẻ.
Với sản phẩm lõi là bao bì màng mỏng, đã định vị thương hiệu ở nhiều thị trường quốc tế, An Phát đang trên con đường mở rộng hoạt động, hướng đến mục tiêu 1 tỷ USD doanh số vào năm 2025. Mục tiêu lớn phải chịu sức ép lớn, nhưng Chủ tịch Tập đoàn An Phát Phạm Ánh Dương từng chia sẻ một quan điểm: “Lối đi khó và thách thức chính là nơi có cửa cho mình”.
Tại thị trường Hàn Quốc, Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc đặt ra mục tiêu nâng kim ngạch thương mại Việt - Hàn từ mức 65 tỷ USD năm 2017 lên 100 tỷ USD vào năm 2020. Đây là một trong những điểm thuận lợi cho An Phát nói riêng, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung muốn mở rộng thị trường sang xứ xở kim chi.
Tín hiệu vui khác cho sản phẩm Việt Nam mở rộng sang thị trường ngoại đến từ Tập đoàn Tân Hiệp Phát. Trả lời phỏng vấn tờ Sunday Business Post mới đây, Phó tổng giám đốc Tân Hiệp Phát Trần Uyên Phương cho biết, Tập đoàn sẽ chọn Ireland làm cánh cổng cho kế hoạch vào thị trường châu Âu.
“Ireland có dân số trẻ nhất châu Âu, với 35% dân số dưới 35 tuổi và một lực lượng lao động học thức cao cùng kỹ năng làm việc chuyên nghiệp. Đó là nguyên nhân thúc đẩy chúng tôi hướng đến Ireland", bà Uyên Phương nói.
Tân Hiệp Phát chuyên sản xuất các loại nước tăng lực và trà mang thương hiệu Dr. Thanh, hiện đang giữ vị trí hàng đầu trên thị trường nội địa.
Sản phẩm của Tập đoàn đã có mặt tại 16 quốc gia và vùng lãnh thổ bên ngoài Việt Nam, bao gồm cả Úc và Trung Quốc. Năm 2012, Tân Hiệp Phát đã từ chối thoả thuận mua lại trị giá 2,5 tỷ USD từ phía Coca-Cola.
Từ chối lời đề nghị mua lại trị giá 2,5 tỷ USD từ phía Coca-Cola là một trong những câu chuyện ấn tượng mà Uyên Phương đề cập trong cuốn sách “Vượt lên người khổng lồ” - cuốn sách được viết cùng 2 đồng tác giả là nhà báo Jackie Horne (người Anh) và chuyên gia John Kador (người Mỹ) - vừa được Forbes xuất bản tại New York.
Đây cũng là lần đầu tiên Tân Hiệp Phát công bố chi tiết cuộc đàm phán với Coca-Cola và những kinh nghiệm kinh doanh, cũng như mô tả cách làm thế nào mà một doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam có thể sử dụng thế mạnh của mình để đạt được lợi thế cạnh tranh toàn cầu.
Khi phóng viên Sunday Business Post hỏi về khát vọng của Tân Hiệp Phát ở châu Âu, Uyên Phương nói: “Vẫn còn quá sớm để nói ra bất kỳ con số cụ thể nào, nhưng chúng tôi nhận thấy cơ hội tuyệt vời dành cho mình ở đó”.
Trong nỗ lực thâm nhập thị trường châu Âu, Uyên Phương sẽ đến Ireland vào tháng tới và nói chuyện với các sinh viên tại Trường kinh doanh Smurfit của UCD.
Được biết, cuốn sách “Vượt lên người khổng lồ” ra mắt ngày 30/8/2018 tại Mỹ đã được bạn đọc quốc tế nhiệt tình đón nhận.
Cuốn sách chia sẻ nhiều câu chuyện giá trị cùng tầm nhìn rằng, châu Á đang trỗi dậy, đang tái định hình các quy tắc kinh doanh toàn cầu đã được đúc kết bởi các công ty đa quốc gia phương Tây trong nhiều thập kỷ. Điều điều này buộc các tập đoàn đa quốc gia kiểu phương Tây phải tính đến những chiến lược mới.