Mở rộng mạng lưới hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp

Nguồn vốn luôn là vấn đề cốt lõi gắn liền với sự hình thành và phát triển của các DN nhất là các DN nhỏ và vừa (DNNVV), đối tượng thường ở thế yếu trong cạnh tranh trên thương trường.
Ảnh minh họa Ảnh minh họa

Đây là nội dung được đặt ra để tìm giải pháp tại hội thảo “Tiếp cận nguồn vốn tài chính cho DN nhỏ và vừa” do Cục Phát triển DN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức vào sáng 18/5 tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN cho biết, việc hỗ trợ tài chính và các mạng lưới hỗ trợ nguồn vốn cho DN có ý nghĩa quan trọng để Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa được thực thi hiệu quả, hỗ trợ thiết thực đối với các DN.

Vì thế, công tác này cần tới sự giúp đỡ, vào cuộc của các hiệp hội ngành nghề, tổ chức nước ngoài cũng như cộng đồng DN.

Nói về thực trạng tiếp cận vốn của các DN hiện nay, ông Ngô Minh Toàn, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DN nhỏ và vừa (Sở KH&ĐT TP. Hà Nội) cho biết, các DNNVV còn nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng hoặc nguồn vốn ưu đãi từ các tổ chức tín dụng để triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh;

Bởi các tổ chức này thường ưu tiên cấp tín dụng cho các DN có tài sản thế chấp để bảo đảm an toàn và hiệu quả sử dụng vốn. Đây rõ ràng là một rào cản trong sự phát triển của các DN nhỏ và vừa.

Để gỡ vướng, Chính phủ và các cơ quan chức năng đã có nhiều chương trình để tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn cho các DN. 

Ông Ngô Minh Toàn cho biết, UBND TP. Hà Nội đã giao các sở, ban, ngành nghiên cứu, đề xuất nhiều giải pháp hỗ trợ cụ thể cho các DN, như triển khai chương trình kết nối ngân hàng – DN, yêu cầu các ngân hàng trên địa bàn giảm lãi suất cho vay theo lộ trình… đã thu được nhiều kết quả khả quan.

Ngoài ra, các đại biểu và DN cho rằng, việc thành lập những quỹ hỗ trợ phát triển DN là điều cần thiết, để tăng hiệu quả cũng như tốc độ đưa nguồn vốn tới DN.

Đơn cử là Quỹ Phát triển DN nhỏ và vừa thuộc Bộ KH&ĐT sau 2 năm hoạt động đã thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Năm 2017, Quỹ được giao tổng hạn mức tài chính hỗ trợ là 650 tỷ đồng. Các DN đủ điều kiện có thể được hưởng ưu đãi từ Quỹ như:

Lãi suất thấp hơn, 5,5%/năm đối với khoản vay ngắn hạn, 7%/năm với khoản vay trung và dài hạn; lãi suất cố định trong suốt thời gian vay và được điều chỉnh giảm nếu lãi suất của Quỹ giảm;

Tài sản thế chấp không quá 100% tổng giá trị khoản vay, ưu tiên sử dụng tài sản hình thành từ vốn vay; thời gian trả nợ tối đa lên tới 7 năm. Ngoài ra, khi vay vốn tại Quỹ, DN còn được hỗ trợ tư vấn về tài chính, sản xuất cùng hồ sơ, thủ tục rõ ràng.

Vì thế, trong năm 2017 đã có 33 hồ sơ DN được xét duyệt vay vốn tại Quỹ Phát triển DN nhỏ và vừa, với tổng nhu cầu vay là 378 tỷ đồng; Quỹ cũng chấp thuận ủy thác ngân hàng cho vay 15 dự án của DN nhỏ và vừa với tổng vốn gần 150 tỷ đồng…

Tuy nhiên, để tăng hiệu quả tiếp cận vốn cũng như sử dụng tốt nguồn vốn được vay, ông Bùi Hoàng Tùng, Trưởng phòng Kế hoạch chính sách, Quỹ Phát triển DN nhỏ và vừa cho rằng, DN cần minh bạch hóa thông tin để các quỹ cũng như ngân hàng dễ dàng chấp nhận cho vay và giải ngân vốn.

Mặt khác, để tăng thêm giải pháp cung ứng tài chính cho DN, ông Bùi Hoàng Tùng kiến nghị cần phát triển thị trường tín dụng dành cho DN nhỏ và vừa như đưa ra các gói tín dụng phù hợp với từng loại hình DN, phát triển hoạt động cho vay khép kín từ khâu vay thu mua, sản xuất đến chế biến và xuất khẩu cho các nhóm DN theo chuỗi giá trị;

Ngoài ra, cần tăng cường liên kết, hình thành mạng lưới nhà đầu tư, quỹ đầu tư để cung cấp vốn cho DN, tạo kênh huy động vốn (đặc biệt là vốn trung và dài hạn) cho DN nhỏ và vừa trên thị trường chứng khoán, đẩy mạnhh việc cơ cấu lại các công ty cho thuê tài chính…


Theo VGP

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục